Thanh Hoá: Nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Sáng 24/5, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số UBND tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp – Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa” .

Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 27 điểm cầu cấp huyện của tỉnh Thanh Hoá. Tổng công ty Mobifone, Công ty Cổ phần Misa, Công ty cổ phần Base đồng hành cùng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa trong việc tổ chức hội nghị.

Chuyển đổi số là chiến lược tất yếu

Tại hội nghị, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: Chuyển đổi số là chiến lược tất yếu, là lựa chọn tối ưu giúp doanh nghiệp phục hồi tránh tụt hậu. Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản trị nội bộ, mà còn mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, tăng trưởng doanh thu với các mô hình kinh doanh mới.

Thanh Hoá: Nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp ảnh 1

Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động, tỉnh Thanh Hóa luôn luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Ngày 10/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 176/QĐ-UBND ngày 10/01/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 06/10/2020 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và nhiều chương trình, kế hoạch khác nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Với quyết tâm, phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chuyển đổi số; Kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh; doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 50% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế; 06 huyện, thị xã, thành phố trở lên và 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành chuyển đổi số, theo bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt từ 50% trở lên.

Thanh Hoá: Nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp ảnh 2

Tính đến nay, Thanh Hoá có 28.512 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 190,4 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 6,68 tỷ đồng/doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã và đang đóng góp tích cực vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, có 100% doanh nghiệp của tỉnh đã thực hiện ký số, thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế như kê khai thuế, nộp thuế, gia hạn thuế và hoàn thuế; 85% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử trên tổng số 14.998 doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động, đủ điều kiện triển khai hóa đơn điện tử; 70% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ và qua phương tiện điện tử.

Việc phát triển kinh tế số của tỉnh Thanh Hoá đang trong quá trình được hình thành, một số hoạt động kinh tế số nổi bật như: thương mại điện tử, mua bán trực tuyến, quảng cáo trực tuyến, dịch vụ nội dung số, dịch vụ gọi xe công nghệ, sử dụng ví điện tử, thanh toán trực tuyến...Toàn tỉnh có 155 website đăng ký, mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương cấp phép hoạt động.

Năm 2021, Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Kết quả về chỉ số chuyển đối số cấp tỉnh, Thanh Hóa xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đứng thứ 2 sau Quảng Ninh trong tứ giác phát triển phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), và cũng đứng thứ 2 sau Thừa Thiên - Huế trong các tỉnh Bắc trung bộ.

Thanh Hoá: Nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp ảnh 3

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Để giúp các doanh nghiệp hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng về chuyển đổi số, kinh tế số đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ, giải pháp sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đưa công nghệ số trở thành một trong những yếu tố quan trọng, sống còn của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Mai Xuân Liêm yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhằm đảm bảo các mục tiêu mà Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đề ra; đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục tổ chức các Hội nghị, Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp cùng với UBND huyện, thị xã, thành phố; Sở Thông tin và Truyền thôn, các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho Doanh nghiệp Chuyển đổi số; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt vấn đề chuyển đổi số trong doanh nghiệp; đề nghị cộng động doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cần phát huy vai trò người đứng đầu doanh nghiệp trong chuyển đổi số; tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị có giải pháp nền tảng chuyển số để thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả.

Thanh Hoá: Nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp ảnh 4

Về cơ bản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Một số ngành nghề đang có những bước chuyển đổi số rất nhanh, mạnh mẽ như lĩnh vực: nội dung, tài chính, thương mại điện tử, du lịch. Song, các lĩnh vực: nông nghiệp, sản xuất, chế biến, chế tạo có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số còn thấp. Tại hội nghị các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các nội dung như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, về kinh tế số; Giới thiệu về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số Mobifone; Giới thiệu các nền tảng chuyển đổi số và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện;Chuyển đổi số trong Doanh nghiệp; Nền tảng số để chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SMEs; Thách thức của Lãnh đạo Doanh nghiệp trong kỷ nguyên số…

Cụ thể như, đại diện Tổng công ty Mobifone giới thiệu bộ giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp như: Quản trị nguồn lực, quản trị điều hành, quản trị bán hàng, quản trị chăm sóc khách hàng… Đại diện Công ty cổ phần MISA giới thiệu 2 giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp là Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS và Nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP. Các giải pháp này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của doanh nghiệp và kết nối doanh nghiệp với các đơn vị kế toán dịch vụ với chi phí hợp lý. Không chỉ cung cấp giải pháp, MISA còn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức các chương trình hội thảo, đào tạo và chuyển giao giải pháp thành công….

Thanh Hoá: Nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp ảnh 5

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá nhấn mạnh: Xác định được tầm quan trọng, yêu cầu cấp thiết của chuyển đổi số trong doanh nghiệp là hết sức cần thiết, mang lại sức sống mới, tầm vóc mới của các doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số. Cụ thể như, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số; Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026. Trong đó, có 3 chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, đó là: Hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số cho các doanh nghiệp thành lập mới. Hỗ trợ kinh phí cho sử dụng 01 chữ ký số trong năm đầu hoạt động, mức tối đa 1,2 triệu đồng; Hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên nền tảng số của các cơ quan nhà nước tỉnh Thanh Hóa; Hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số…

Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá sẽ phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, VCCI Chi nhánh Thanh Hóa và các đơn vị liện quan hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các bước để được hỗ trợ theo quy định, nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đạt mục tiêu mà Nghị quyết 06 ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra.

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.