Thành công hay thất bại thì hãy cứ về nhà

An đen hạnh phúc với lựa chọn về quê
An đen hạnh phúc với lựa chọn về quê
TP - Cú đổ bộ trên diện rộng của COVID-19 đã làm thay đổi cả thế giới, và thay đổi chính chúng ta. Mọi người bị bắt buộc phải ở nhà trong thời gian dài. Nhờ thế, giá trị của “nhà” được nhìn nhận lại.
Khi số phận chỉ cho ta một trái chanh
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, trong cuộc sống, nếu được ban cho điều ước, đa số chúng ta đều sẽ ước những thứ rất cao xa, đẹp đẽ, phần lớn trong số đó là những ước ao về tiền bạc, tình ái, danh lợi và quyền lực. Thế nhưng, thực tế, nếu số phận chỉ cho ta một trái chanh thì sao? Không lẽ ngồi khóc lóc và oán trách, hay trước cứ đem vắt một cốc nước chanh bồi bổ vitamin đã?
Tương tự với trường hợp COVID-19, khi mà tất cả chúng ta đều phải trải qua những nỗi sợ hãi, căng thẳng và bất an giống nhau, thì việc tìm cho mình một lý do để phấn chấn tinh thần và sống tiếp chính là điều quan trọng nhất. “Năm 2020 đã lấy đi của tôi quá nhiều thứ - hai công ty và gần như toàn bộ tài sản. Nó ép tôi vào một cuộc sống mới không mong muốn, thậm chí tôi chưa từng có kinh nghiệm. Nhưng cũng chính sự cố này, dạy tôi phải soi chiếu lại bản thân, học cách lắng nghe và tìm niềm vui từ những điều nhỏ bé” – CEO Nguyễn Hà Văn (35 tuổi) chia sẻ.
Bỏ lại thành phố và những ngày làm việc liên tục 12 giờ đồng hồ, Hà Văn hiện đã về quê ở Quảng Bình, khởi nghiệp từ đầu với sản phẩm kính mát và giày thể thao. Từ chỗ quản lý trên dưới 300 nhân viên, hiện nay Văn kể, anh đã quen với năm nhân công người địa phương sẽ thỉnh thoảng bỏ việc để làm đồng. Từ quá khứ làm sếp ra ngoài có xe đưa đón, hiện anh vừa tham gia sản xuất, thiết kế sản phẩm, vừa bán hàng, gọi ship và tìm thị trường. “Rất tréo ngoe, nhưng khi đã qua giai đoạn khủng hoảng, tôi đang thấy ổn. Ít nhất tôi ngủ ngon và đỡ hẳn bệnh đau nửa đầu”, anh kể.
Đặng Thùy Tiên (quản lý cấp cao của một công ty IT có trụ sở chính ở Mỹ) bị thất nghiệp vì công ty phá sản. Nhân cơ hội này, cô dứt khoát về Phú Yên, cải tạo lại ngôi nhà cũ thành quán cà phê.
“Tôi đã bị công việc nghiền ép đến mức mẹ tôi bảo, trông không còn giống con gái. Chính dịch COVID đã cho phép tôi bắt đầu lại từ đầu. Không có lý do gì để bám víu Hà Nội nữa, ở đây quá đông người, không khí quá tệ và áp lực cuộc sống lúc nào cũng đè nặng”. Tiên cho biết.
Một trường hợp “nhất định về quê” khác là Hoàng Thị Xới (Yên Bái), cô gái mạnh mẽ này thậm chí quyết định xây dựng hẳn một farmstay ở giữa một bản Tày thậm chí còn chưa có tên trên bản đồ du lịch nước nhà. Tháng đầu tiên chỉ có duy nhất một khách đến lưu trú. Nhưng điều đó không làm cô nản lòng. “Em biết, quê nhà mới là nơi dành cho mình. Xác định được chỗ cắm rễ rồi thì cứ bình tĩnh thôi. Khắc đi khắc đến”, Xới tự tin chia sẻ.
Quên đi nỗi sợ Fomo
Tâm lý học hiện đại có một thuật ngữ rất phổ biến, đó là hội chứng Fomo (viết tắt của Fear Of Missing Out - nỗi sợ mình bỏ lỡ một thứ gì đó đang diễn ra ngoài kia). Hội chứng này phát triển cùng với tốc độ phát triển của mạng xã hội và các diễn đàn mạng. Việc không thể (hay chậm) cập nhật tin tức khiến nhiều người phát điên. Họ cảm thấy bị tụt hậu, bị loại khỏi cuộc chơi và rơi vào những cảm xúc hỗn độn.
“COVID-19 và những ngày phải ngồi yên ở nhà đã kích hoạt nỗi sợ Fomo của tôi lên một mức khó mà kham nổi. Hãy tưởng tượng một người làm quản lý nghệ sĩ, mở mắt ra là kiểm tra hòm thư, đặt lịch biểu diễn, mỗi năm chỉ nghỉ ba ngày Tết sẽ thế nào nếu chỉ ngồi nhà và không làm gì cả. Trạng thái bồn chồn khiến tôi chỉ muốn vi phạm pháp luật, chạy ra ngoài và kêu gào mọi người sợ gì chứ, con COVID nó chỉ tấn công những người có bệnh nền thôi. Nhưng qua một tuần tôi bắt đầu bình tĩnh lại và nhìn nhận rõ ràng hơn về tình trạng của mình, cũng như sự bất lực của con người, tiền bạc lẫn quyền lực trước sức khỏe. Thế là bỏ hết, tắt điện thoại, mỗi ngày chỉ xem phim và nghĩ ngợi linh tinh. Tôi nghĩ có lẽ mình cần một công việc khác, việc bán sức khỏe và sự chịu đựng cho công việc như trước kia rõ là không làm cho tôi thỏa mãn như khi chỉ tiêu năm mươi ngàn một ngày và có thể bê nguyên mặt mộc ra ngoài mà không sợ hãi” (Chia sẻ của Ngọc Mai – quản lý nghệ sĩ sống tại TP.HCM).
Thành công hay thất bại thì hãy cứ về nhà ảnh 1Hoàng Thị Xới quyết định chọn một thung lũng vô danh làm nơi cắm rễ
Trường hợp của An “đen” (tên thật là Nguyễn Thúy An) cũng là một câu chuyện trở về truyền cảm hứng. Sinh ra và lớn lên ở rẫy (xã Eatyh, H.Eakar, Đăk Lăk), từ nhỏ An đã mơ về ánh đèn phố thị, giống hệt như câu chuyện “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Lớn lên, cô thực hiện ước mơ của mình bằng con đường đại học và quyết tâm bám trụ thành phố. Tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học, Trường ĐH Mở TP.HCM, An tất bật làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống: từ quản lý cước, bán thực phẩm chức năng, bán sản phẩm du lịch rồi tới bất động sản... Song, phồn hoa phố thị không đẹp đẽ như An tưởng, sau mỗi giờ làm, cô chỉ biết làm bạn với bốn bức tường của phòng trọ.
“Má tôi nói nếu mệt quá thì về đi. Nhiều người bị phản đối mạnh khi từ bỏ thành phố về rừng rẫy, nhưng tôi hên chỗ đó. Tôi có má ở nhà. Ngày tôi rời thành phố với chiếc ba lô, tôi hoàn toàn như trút đi một cái gì đó, thật nhẹ nhàng, không kẹt xe, không ngập nước nữa, không còn những bon chen”, An nói.
“Sống ở nhà rồi mới hay nỗi sợ Fomo cũng thật là vớ vẩn, thế giới chẳng chậm đi vì mình bỏ lỡ một tin tức nào đó” Thùy Tiên khẳng định.
MỚI - NÓNG