Thành công của người 'uống thuốc liều', nuôi bò sữa

Thành công của người 'uống thuốc liều', nuôi bò sữa
TP - Giải nhất “mô hình chăn nuôi bò sữa bền vững” tại Hội thi Triển lãm bò sữa TPHCM vừa qua thuộc về chị Phạm Thị Lê, chủ trại bò sữa với 70 con tại Tân Phú Trung (Củ Chi) với số điểm 91/100.

Nguồn sữa tươi sạch từ nông hộ chăn nuôi bò Việt Nam

Ông Jan Wegenaar, Giám đốc Sản xuất của FrieslandCampina VN, trao giải thưởng cho chị Phạm Thị Lê đoạt giải Nhất mô hình chăn nuôi bò sữa bền vững
Ông Jan Wegenaar, Giám đốc Sản xuất của FrieslandCampina VN, trao giải thưởng cho chị Phạm Thị Lê đoạt giải Nhất mô hình chăn nuôi bò sữa bền vững.

Liều mà thành công

Hơn 10 năm trước, chị Phạm Thị Lê khởi nghiệp với 20 con bò sữa. Khi ấy, phong trào nuôi bò sữa bắt đầu dấy lên ở vùng đất Củ Chi ngoại thành TP HCM và trở thành kế sinh nhai chính của nhiều gia đình. So với bà con cùng ấp, lợi thế của chị Lê lúc đó chỉ là có gần 4 mẫu đất vườn. Đối với một hộ nông dân chưa có kinh nghiệm về chăn nuôi bò sữa, việc tậu một lúc 20 con bò không khác gì… đánh bạc. Gia đình, bạn bè đều bảo chị “uống thuốc liều”...

Thời điểm đó, ngành công nghiệp chế biến sữa ở Việt Nam bắt đầu phát triển. Nghề chăn nuôi bò cũng có giá hơn, người nông dân đã có quyền lựa chọn để bán hàng cho các công ty thu mua sữa. Đối với những người bắt đầu khởi nghiệp như chị Lê, khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là kỹ thuật chăn nuôi. Khi đó, công tác khuyến nông còn rất hạn chế.

Chị đã tự học cách chăm sóc đàn bò và gặp nhiều khó khăn. Những ngày đầu, năng suất sữa từ 20 con bò không ổn định, khiến đời sống gia đình vẫn khó khăn. Sau một thời gian mày mò nuôi bò, chị nhận thấy, nếu không có kiến thức chăn nuôi thì không thể có được kết quả tốt.

Chị đăng ký tham gia lớp tập huấn khuyến nông hỗ trợ nuôi bò sữa dành cho thanh niên nông dân của Cô Gái Hà Lan (tên gọi trước đây của FrieslandCampina Việt Nam). Tại đây, chị được học từ những kỹ thuật đơn giản về trồng cỏ, chăm sóc bò, cách vắt sữa (những kỹ thuật mà trước đây chị nghĩ là không cần phải học, chỉ cần làm lâu sẽ quen) đến cách tổ chức trại nuôi cho khoa học, xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bò theo lứa tuổi, tiết kiệm chi phí đầu vào mà vẫn cho năng suất sữa cao.

Giờ đây, chị Lê là chủ trại bò quy mô lớn, cho 500 – 700 kg sữa mỗi ngày, với hàng chục lao động. Chị cho biết, hằng năm, chị vẫn cử công nhân tham gia các lớp tập huấn để có thêm kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi. Nhìn lại chặng đường đã qua, không ít lần chị thở phào nhẹ nhõm vì “cú liều ăn nhiều” ban đầu của mình.

Mô hình chăn nuôi bò sữa bền vững

Trao đổi bên lề hội thi, TS Nguyễn Văn Tìm, Trưởng Ban giám khảo nói rằng, kết quả giải nhất “mô hình chăn nuôi bò sữa bền vững” trao cho trại chị Lê là hoàn toàn xứng đáng. Mô hình tổ chức trại nuôi hết sức chặt chẽ, nguồn cỏ dồi dào, biết cách ủ chua đúng tiêu chuẩn để dự trữ thức ăn cho cả đàn, chất thải được tận dụng để sản xuất biogas thân thiện với môi trường, sữa được sản xuất đạt chất lượng… “Tất cả đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một trại chăn nuôi phát triển bền vững”, ông Tìm nói.

Ông Nguyễn Phước Trung, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho rằng: “Đây là những hạt nhân cần phải được nhân rộng, phát huy để trở thành gương tốt cho các nông dân học hỏi làm theo. Có như vậy, nghề bò sữa mới phát triển đúng hướng”.

Trang trại của chị Lê nằm trong hệ thống giao sữa cho Cô Gái Hà Lan, được công ty hỗ trợ phát triển thông qua chương trình Phát triển ngành sữa bền vững hơn 15 năm nay. Những năm gần đây, trại luôn là một trong những trang trại điển hình được công ty khuyến khích phát triển để người nông dân trong vùng học tập và làm theo.

Từ năm 1995, Cô Gái Hà Lan đã bắt đầu thực hiện việc ký hợp đồng thu mua sữa trực tiếp với các hộ nông dân và triển khai chương trình Phát triển ngành sữa nhằm giúp nông dân phát triển chăn nuôi bò sữa một cách bền vững.

15 năm qua, công ty đầu tư hơn 13 triệu USD cùng lực lượng 70 cán bộ khuyến nông chuyên nghiệp làm việc toàn thời gian cho chương trình.

Kết quả chỉ tính riêng 5 năm từ 2006 đến 2011, đàn bò cung cấp sữa cho FrieslandCampina Việt Nam tăng gần gấp đôi, từ 18.000 con lên 35.000 con. Sản lượng sữa trung bình của mỗi trang trại tăng từ 45kg lên trên 73kg/ngày. Chất lượng sữa cũng được nâng cao rõ rệt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.