Thăng trầm trò chơi điện tử về sự kiện diệt chủng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi trò chơi The Light in the Darkness (Ánh sáng trong đêm tối) sẽ ra mắt vào cuối năm nay, nhà thiết kế games Luc Bernard hy vọng nó có thể nắm bắt trái tim công chúng theo cách mà các cách tiếp cận truyền thống không thể.

“Tôi cảm động đến rớt nước mắt”, ông Luc Bernard bày tỏ trên Twitter vào ngày 21/1, “Cuối cùng thì mọi người cũng thấy tầm quan trọng của nó sau một thập kỷ bị vùi dập”. “Nó” ở đây The Light in the Darkness, một trò chơi điện tử lấy bối cảnh ở Pháp trong Thế chiến II và ông Bernard đã đấu tranh trong nhiều năm để thuyết phục công chúng rằng nó có thể đóng góp vào cách sự kiện Holocaust (cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã tiến hành, dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái) được giáo dục ngày nay.

Thăng trầm trò chơi điện tử về sự kiện diệt chủng ảnh 1

Một phân cảnh trong trò chơi The Light In The Darkness

Ông Bernard đã dành 200 nghìn USD (4,6 tỷ VND) tiền riêng của mình vào dự án gây tranh cãi, cũng như vượt qua vô số chỉ trích để biến nó thành sự thật.

Thực tế là một trò chơi về Holocaust, cho dù có mục đích tốt đến đâu, sẽ không thể là một thứ dễ bán. Cho dù là miêu tả cuộc diệt chủng trên màn ảnh, như bộ phim như Schinder’s List (Danh sách của Schindler), hay trong một cuốn tiểu thuyết, như cuốn hồi ký gia đình Maus của họa sĩ Art Spiegelman, một cuộc tranh luận sẽ luôn xảy ra. Làm thế nào để có thể nhắc lại hành động tàn sát sáu triệu người Do Thái và các nạn nhân khác của Đức Quốc xã một cách thích hợp?

Trong trường hợp trò chơi điện tử - từ trước đến giờ luôn tránh nhắc đến Holocaust - cuộc tranh luận xoay quanh những quan niệm sai lầm về phương tiện này. “Những người lớn tuổi vẫn chưa hiểu rõ về trò chơi điện tử. Giờ chúng giống như những bộ phim có tính tương tác”, ông Bernard nói.

Ông Bernard phải làm việc quần quật để vượt qua sự phản đối và ông chắc chắn việc tìm ra cách mới để giới thiệu với những người trẻ tuổi về Holocaust là điều cần thiết. Vậy tại sao không tận dụng hình thức giải trí phổ biến số một? “Tôi từng nghĩ rằng giáo dục về Holocaust thế là đã đủ, nhưng bây giờ mọi thứ đang thay đổi. Những người trẻ tuổi giờ đã khác. Cách chúng ta tiếp cận thông tin cũng đã khác xưa”, ông Bernard nói.

Thăng trầm trò chơi điện tử về sự kiện diệt chủng ảnh 2

Ông Luc Bernard

Ông Bernard là một người Do Thái. Bà nội của ông và người chồng cũ của bà nội đã từng chăm sóc những đứa trẻ trong Kindertransport, một chương trình nhằm giải cứu những đứa trẻ khỏi những vùng đất do Đức Quốc xã kiểm soát. Ông Bernard cho biết: “The Light in the Darkness được truyền cảm hứng nhiều bởi bà, bà đã rất khuyến khích nó trong khi những người khác nghĩ rằng tôi đã mất trí. Theo bà, những câu chuyện này cần được tiếp tục kể. Vì vậy, một trong những điều cuối cùng bà ấy nói với tôi trước khi qua đời là tôi phải thực hiện được nó”.

Vấn đề thêm phức tạp khi tờ New York Times đăng bài báo có tiêu đề “Trò chơi cho Đức quốc xã”, trong đó họ nói đó là trò chơi dành cho Phát xít chứ không phải là về Holocaust ở Pháp. “Tôi đã không mong đợi nhiều ở truyền thông bởi vì, trong nhiều trường hợp, họ không nói chuyện trực tiếp với tôi”, ông Bernard nói.

Sự chỉ trích cuối cùng trở nên tồi tệ đến mức ông Bernard đã phải miễn cưỡng gác lại dự án. Công trình của ông Bernard dường như sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng ban ngày. Nhưng rồi vào năm 2020, ông nhận được lời mời từ Đại học Haifa (Israel) để trò chuyện với sinh viên về trò chơi thông qua Zoom, từ đó dẫn đến nhiều cơ hội hơn để thảo luận các nghiên cứu về Holocaust. Ông kể rằng, các giáo sư hỏi ông tại sao lại từ bỏ dự án. “Họ bảo tôi cứ làm đi. Nhờ đó, tôi lấy lại được tự tin để tiếp tục thiết kế game”.

Bắt đầu lại gần như từ đầu, ông Bernard nghiên cứu sâu hơn, đọc nhiều lời khai của những người sống sót, và mời một phụ nữ sống sót qua thảm họa Holocaust ở Pháp khi còn nhỏ để cộng tác với ông. Trò chơi giờ tập trung vào một gia đình người Do Thái Ba Lan thuộc tầng lớp lao động với những nhân vật: cô Bloomer, chồng cô Moses, và con trai của họ Samuel và một người bạn không phải là người Do Thái tên Maria.

Khi chơi trò chơi, chúng ta sẽ thấy cuộc sống của họ bị ảnh hưởng như thế nào khi những luật chống lại người Do Thái ngày càng nhiều - người chơi, nhập vai người Do Thái vào thời điểm đó, bị hạn chế các lựa chọn. Ông Bernard giải thích rằng một phần mục đích trò chơi là giúp người chơi đồng cảm với các nhân vật.

“Một người không phải Do Thái hoặc chưa từng trải qua thời có chủ nghĩa căm thù người Do Thái sẽ không thể hiểu được và đó là lý do tại sao nhiều người không nghĩ đó là nạn phân biệt chủng tộc. Tôi nghĩ rằng trò chơi sẽ cho phép họ hiểu điều đó”, ông nói.

Ông Bernard đã suy sụp tinh thần vào mùa xuân năm 2021, “Nhưng tôi vẫn quyết tâm kể câu chuyện này, bởi nó quan trọng đối với tôi, giúp tưởng niệm về sáu triệu người đã thiệt mạng”ông Bernard chia sẻ. Hiện ông Bernard đang tiếp tục phỏng vấn những người Pháp gốc Do Thái sống sót. Các cuộc phỏng vấn sẽ xuất hiện giữa các cảnh game dưới dạng tường thuật của nhân chứng. Ông đã không tự quay các phân cảnh ấy mà yêu cầu các gia đình tự quay lại.

Trò chơi này sẽ được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau và được phát hành toàn thế giới vào cuối năm nay, hoàn toàn miễn phí. Có vẻ các tổ chức liên quan sự kiện Holocaust cuối cùng cũng bắt đầu lắng nghe ông Bernard. “Tôi chỉ ước rằng họ đến và nói chuyện với tôi vào 10 năm trước. Cho dù tôi thất bại hay thành công với dự án này, ít nhất tôi sẽ mở ra cánh cửa cho các đạo diễn trò chơi điện tử khác, để họ có thể đem đến cho người chơi câu chuyện vốn có nhiều góc khuất”, ông nói.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.