Tháng 10, đồng loạt tiêm lại vắc-xin Quinvaxem

Tháng 10, đồng loạt tiêm lại vắc-xin Quinvaxem
TP - Sáng 24/9, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình cho biết, bắt đầu từ tháng 10 tới, vắc-xin Quinvaxem được tiêm trở lại trên phạm vi toàn quốc, chấm dứt 5 tháng ngừng tiêm vắc-xin này.

> Tiếp tục sử dụng vắc - xin Quinvaxem
> Hai năm gần 20 em bé tử vong sau tiêm vắc-xin

Quinvaxem được sử dụng trở lại sau khi các mẫu vắc-xin gửi sang Anh tái kiểm nghiệm được cho là an toàn, việc kiểm tra giám sát tiêm chủng siết lại, Bộ Y tế áp dụng nhiều quy định mới nhằm cải thiện chất lượng, giảm sự cố.

Vượt qua những nỗi lo sau 5 tháng trễ nải

Theo ông Nguyễn Văn Bình, sau đề xuất của Bộ Y tế, Chính phủ đã quyết định cho phép sử dụng lại vắc-xin Quinvaxem (vắc-xin 5 trong 1, phối hợp giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên vi rút viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Haemophilus influenzae tupe b) sau khi tạm ngừng sử dụng để các nhà khoa học xem xét lại các sự cố sau tiêm chủng xảy ra trước đó.

Quyết định sử dụng tiếp được đưa ra sau rất nhiều cân nhắc, xem xét ý kiến của ba chuyên gia hàng đầu thế giới về chất lượng vắc-xin cũng như kết quả các mẫu vắc-xin gửi đi Anh kiểm nghiệm cho thấy, chất lượng vắc-xin an toàn.

Chỉ ra những nỗi lo của chính lãnh đạo Bộ Y tế khi khởi động tiêm chủng trở lại vắc-xin Quinvaxem, ông Bình cho biết, qua 5 tháng ngừng tiêm vắc-xin này, việc tiêm chủng có nhiều trễ nải, tỷ lệ tiêm chủng đạt rất thấp. Vì mục tiêu phòng bệnh cho cộng đồng, bắt buộc phải sốc lại toàn bộ công tác tiêm chủng...

Việc tái sử dụng vắc-xin Quinvaxem cho số lượng lớn trẻ em thời gian tới có thể vẫn xảy ra những trường hợp trẻ gặp phản ứng mạnh, thậm chí có thể tử vong sau tiêm. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ bản chất của an toàn tiêm chủng là đến nay, y văn thế giới chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào tử vong do chất lượng vắc-xin.

Những sự cố sau tiêm theo ông Bình vẫn là: Các phản ứng của trẻ sau tiêm thông thường; sốc phản vệ; tử vong do sốc phản vệ quá mạnh, do trùng hợp với các bệnh đang phát triển trong trẻ tại thời điểm tiêm, trẻ bị bệnh tim, tiềm ẩn nguy cơ đột tử...

Hóa giải nỗi lo của người dân về khả năng vẫn xảy ra các trường hợp tử vong sau tiêm, ông Cục trưởng Cục y tế dự phòng cho biết: “Những trường hợp như vậy thế giới vẫn chưa giải thích được và tỷ lệ các trường hợp tử vong ở các nước phát triển và đang phát triển là ngang nhau. Sự cố sau tiêm thời gian tới dứt khoát là có, song phải tìm biện pháp hạn chế chứ chúng ta không nên để các cháu “trắng” tiêm chủng vì quá lo sợ.

Ngành y cũng phải cải thiện nhiều biện pháp để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong sau tiêm như: Chỉ cho phép một điểm tiêm chỉ được tiêm 50 trẻ/ngày, đẩy mạnh tư vấn và khám sàng lọc trước khi tiêm...”. Việc nghiêm cấm tiêm cho quá nhiều trẻ là để hạn chế các sai sót kỹ thuật của cán bộ y tế. Điểm tiêm chủng phải có phòng chờ trước và sau tiêm để theo dõi phản ứng...

Khuyến khích dân cùng giám sát

GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, một số sự cố sau tiêm chủng vừa rồi dẫn tới mất lòng tin của người dân. Vậy nên, sắp tới ngành y phải tăng cường an toàn tiêm chủng để hóa giải nghịch lý đang tồn tại là dân rất muốn tiêm cho trẻ nhưng lo lắng về mức độ an toàn. Sốc phản vệ chỉ xảy ra ở mức độ dưới một phần triệu. GS Hiển khẳng định, vắc-xin rất an toàn, ngay cả các sự cố xảy ra ở Quảng Trị vừa rồi đều có thể kết luận là không phải do vắc-xin.

Sắp tới, có hai việc ngành tiêm chủng sẽ đẩy mạnh, đó là phải đẩy nhanh quá trình điều tra, tìm hiểu nguyên nhân sự cố sau tiêm chủng để giải thích ngay cho dân hiểu, tránh gây hoang mang. Cán bộ tiêm chủng phải phân loại trẻ đến tiêm chủng, phải hoãn tiêm, không tiêm cho trẻ bị viêm phế quản, mắc tiêu chảy, tụ cầu vồng và tay chân miệng...

Bác sỹ phải thực hiện tư vấn đầy đủ cho bố mẹ của trẻ trước khi tiêm. Bên cạnh đó, bố mẹ của trẻ cần thể hiện trách nhiệm hợp tác với nhân viên tiêm chủng là cung cấp đầy đủ thông tin trước khi tiêm: tình trạng sức khỏe của trẻ, cân nặng, tiền sử tiêm chủng, tiền sử gia đình, các phản ứng ở những lần tiêm trước đó (nếu có)...

Trước câu hỏi “làm thế nào để các ông bố bà mẹ giám sát các trường hợp gian lận trong tiêm vắc-xin đắt tiền như từng xảy ra ở điểm tiêm Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội”, ông Hiển cho biết, nhân viên tiêm chủng trước khi tiêm phải đưa cho các bà mẹ xem tiêm loại vắc-xin gì, liều lượng ra sao... ; khuyến khích những người đưa con đi tiêm giám sát việc tiêm chủng với ngành y tế, chống mọi tiêu cực dù nhỏ nhất.

Chiều 24/9, phóng viên Tiền Phong cũng đã trao đổi trực tiếp với một số cán bộ y tế của 6 tỉnh phía Bắc đang tham gia lớp tập huấn “Hội đồng tư vấn đánh giá tai biến sau tiêm chủng”.

Ông Từ Quốc Hiệu-Sở Y tế Bắc Giang cho biết, việc thành lập hội đồng để điều tra nguyên nhân sự cố sau tiêm một cách chủ động là cần thiết. Hội đồng phải công bố được rất nhanh kết luận nguyên nhân sự cố thì dân sẽ tin. Bắc Giang cũng từng có sự cố xảy ra và xử lý việc này rất tốt. Sắp tới, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh sẽ là chủ tịch hội đồng này và cán bộ tiêm chủng không được tham gia hội đồng để đảm bảo có kết luận khách quan về các sự cố.

Hiện, Bộ Y tế đã nhập 1,5 triệu liều vắc-xin Quinvaxem để tiêm cho trẻ nhỏ từ tháng 10 tới. Mỗi tháng cả nước có 380.000 trẻ thuộc diện tiêm phòng. Việc tiêm vắc-xin Quinvaxem trở lại gặp khó khăn do dồn số trẻ của 5 tháng chưa tiêm.

Theo thống kê của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, hằng năm xảy ra vài chục sự cố nặng sau tiêm chủng (từ nhập viện đến tử vong). Năm 2011, xảy ra 17 trường hợp (15 trường hợp tử vong). Năm 2012, xảy ra 17 trường hợp (10 trường hợp tử vong). Bảy tháng đầu năm 2013 xảy ra 22 trường hợp (13 trường hợp tử vong). Nguyên nhân của các trường hợp này đều không phải do vắc-xin.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG