Thần tượng sụp đổ

Thần tượng sụp đổ
TP - Tôi đi xem Thần tượng do công lớn của một số bài báo khen hết lời. Chứ nhìn vào đoàn phim với đạo diễn là Quang Huy (ông bầu của Ưng Hoàng Phúc) và loạt diễn viên toàn trẻ đẹp và hot - cũng không lấy gì làm tin tưởng. Thần tượng ra đời gặp ngay đối thủ lớn Tèo em, không chịu khó PR sẽ khó lòng địch lại. Xem xong phim, mới vỡ lẽ điều đó.

Rồi đọc lại những bài báo viết về Thần tượng mới thấy gợn. Chẳng hạn: “Không thấy khuôn hình nào ẩu, không thấy cảnh diễn nào bị nông hoặc qua loa hời hợt kiểu quay cho xong. Quay phim trau chuốt, chỉnh chu. Hình ảnh Sài Gòn cảnh ngoại nhìn như Singapore còn cảnh nội như nhà hát, thảm đỏ… thì long lanh chẳng kém phim Hàn”. Có tác phẩm điện ảnh nào, nhất là của Việt Nam mà lại hoàn mỹ đến thế! Điện ảnh sau một đêm đã lột xác rồi chăng?!

Thần tượng phân tích hai cách để tạo nên một thần tượng ca nhạc cho giới trẻ. Thực ra hai cách này về cơ bản giống nhau, khác cái là bên ít tiền và một bên nhiều tiền. Đường đi tuần tự của cả hai bên đều là đào tạo, sản xuất, truyền thông và kinh doanh.

Bên giàu thì tung tiền mời chuyên gia hàng đầu huấn luyện cho gà là Minh Tú (Chi Pu thể hiện). Bên ít tiền thì chỉ có mấy anh em trẻ tự làm với nhau để đẩy Thùy Linh (Hoàng Thùy Linh) lên thành thần tượng âm nhạc đích thực.

Giọng hát Thùy Linh sau khi được Trí (Harry Lu) phát hiện trong nhà vệ sinh thì bị hiểu lầm là Trí thả dê nên nhất quyết không chịu làm ca sĩ. Trí phải mất nhiều công sức để thuyết phục Linh, và “đòn” cuối cùng là mang câu chuyện tương đồng của mẹ mình và của bố của Linh ra nói. Hai người này có vẻ đều gặp bất hạnh vì đam mê nghệ thuật.

Sau đó Linh thay đổi 180o, từ tưng tửng, bất hợp tác trở nên thùy mị, trốn mẹ chuyển đến nhiệm sở cũng là nơi ở của Trí để bắt đầu khâu đào tạo. Khâu đào tạo rất đáng ngờ, toàn thấy cho ca sĩ tập thể lực. Rồi đùng cái có album, không hề có cảnh học nhạc, luyện thanh hay thu đĩa… Trí là nhạc công duy nhất đệm cho Thùy Linh, nhưng thấy rõ là không biết chơi đàn.

Hoàng Thùy Linh là ca sĩ nhưng phim không hề khai thác thế mạnh này của diễn viên mà chỉ cho cô nhép mấy đoạn nhạc khi biểu diễn. Như để làm nổi bật nhân vật Thùy Linh lên, mà Minh Tú có một giọng hát thều thào đến thảm hại. Và mặc dù hai ê-kip quá chênh lệch về tài chính nhưng khi lên sân khấu thì hai gà đều lung linh như nhau, thậm chí Thùy Linh còn có vẻ sang trọng hơn.

Nếu ê-kip Thùy Linh coi trọng việc tập thể lực thì bí kíp của bên Minh Tú là quát tháo. Để thúc đẩy các đồng sự đẩy nhanh tiến độ cho kịp với ngày ra mắt của Thùy Linh, nhà sản xuất của Minh Tú (Minh do Vĩnh Thụy thủ diễn) luôn có chiêu bài giận dữ, đe dọa từ nhân viên và khi cần kể cả nhà đầu tư (vai của Chí Tài).

 “Xem phim thấy tiếc hơn 90 phút ngồi trong rạp. Nội dung cũ không thể cũ hơn. Nhân vật diễn kịch, giật cục, giải quyết tình huống đơn giản đến ngớ ngẩn. Tóm lại, dù muốn khuyến khích điện ảnh Việt đến mấy, nếu còn những phim dạng này thì không nên trách khán giả” . 

Một ý kiến của khán giả về phim Thần tượng


Khi Minh Tú nảy sinh tình cảm với một đồng sự, Minh lập tức đập bàn đập ghế ngăn cản thô bạo. Và đôi trẻ cũng lập tức tuân lệnh. Các nhân vật chẳng khác nào con rối, không chút cảm xúc, nói gì đến tính cách. Mà thực ra “đập bàn đập ghế” cũng là cách thể hiện tâm trạng ưa thích của Trí. Tóm lại các nhân vật không khác nhau mấy, ê-kip tuy hai mà cũng gần như một: Khi đã chán nhau thì sẵn sàng tung hê hết, rồi phút cuối lại đoàn tụ một cách tùy hứng.

Thần tượng chỉ là câu chuyện kể đầy chủ quan bằng hình, mà người kể bịa được đến đâu thì kể ngay đến đấy. Thùy Linh nổi tiếng bất ngờ qua mạng xã hội sau những lần đi hát miễn phí, từ thiện. Và đây là lúc mà scandal bằng cách nào đó phải xảy đến. Báo chí phát hiện ra bố của cô- vốn là một nghệ sĩ guitar- đang đi bưng bê cho quán bia vỉa hè. Linh bị kết tội nổi tiếng rồi mà bỏ mặc bố.

Nhờ sự dàn xếp (bí mật) nào đó của Trí, Linh được minh oan. Vậy nhưng khi phát hiện ra bố rồi, Linh vẫn không có ý định đi gặp bố, thậm chí chẳng có lúc nào để bày tỏ cảm xúc về ông bố trên trời rơi xuống. Một nhân vật “trên trời” nữa là người yêu của Minh được thêm vào để người mẫu Phương Mai có vài phút xuất hiện. Tóm lại với trí tưởng tượng phong phú nhưng thiếu kiểm soát của biên kịch thì 110 phút phim chưa thể nói hết chuyện được.

Kịch bản thiếu chặt chẽ, phi logic dẫn đến các nhân vật thiếu sức sống. Xem phim cảm thấy thương cho diễn viên cứ phải cố diễn cho ra cảm xúc của các cỗ máy đã được lập trình theo chủ quan của đạo diễn.

Những đoạn tưởng giàu cảm xúc nhất lại khiến khán giả buồn cười (hoặc buồn bực) nhất. Như cảnh người mẹ ca sĩ của Trí đọc những lời tâm sự sáo rỗng vào băng cassette để gửi cho con, hoặc cảnh tất cả nam phụ lão ấu đồng loạt rơi nước mắt khi nghe Thùy Linh kể lể và hát tại lễ trao giải… Thần tượng nhiều khả năng là trò đùa nhạt nhất của điện ảnh Việt trong năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG