Định mệnh mang tên “Tú xỉn”
Nghe đến tên nghệ sĩ violin Anh Tú, nhiều khán giả đã cảm thấy háo hức chờ đợi tới đêm nhạc Mối tình đầu – Forever bởi cái tên Tú Xỉn quá quen thuộc. Anh Tú từng kể về nguồn gốc của cái tên không đẹp nhưng “độc” đó. Từ năm đầu sơ cấp, một đêm, anh cùng với các bạn rủ nhau ra bãi cỏ phía trước Nhạc viện, mang tất cả các nhạc cụ của từng bộ môn mình học ra để tập. Người thì thổi sáo, người thì tam thập lục, rồi tranh, tì bà, nguyệt, đứa violin, đứa cello, đứa kèn cla… Hết phương đông rồi đến phương tây. Một dàn đồng ca hổ lốn với đủ thứ âm thanh tập tọe quái gở.
Màn đêm đen tịch mịch bị Anh Tú và các bạn làm cho náo động, vọng đến cả khu tập thể các giảng viên. Cuối cùng, một số thầy cô hầm hầm kéo xuống “tuần tra”. Những người bạn anh đã chơi xong phần của mình, khi nhác thấy bóng các thầy cô thì đều co giò lên chạy vì sợ bị kỉ luật. Còn Anh Tú khi oẳn tù tì, phải chơi cuối, phần vì ấm ức chưa được chơi bản nào, phần vì bị làm “khán giả bất đắc dĩ” từ đầu nên Anh Tú cương quyết bám trụ.
Giữa đêm, chàng sinh viên non nớt rất bình thản, cầm đàn lên, dồn hết “trí lực” chơi một mạch những bản nhạc anh ưa thích mà không hề nhận ra là các thầy cô đã đứng xung quanh, ngẩn người lắng nghe. Lúc đó, thế giới xung quanh anh chỉ còn có anh và âm nhạc và có lẽ, hình ảnh Anh Tú say sưa chơi nhạc đã thực sự gây ấn tượng với các thầy cô.
Kết quả là sau khi anh chơi xong, các thầy cô không mắng mỏ gì mà trái lại, họ trìu mến gọi anh là “kẻ say xỉn”, không phải say rượu, say bia mà là say âm nhạc. Từ đó, cái tên “Tú xỉn” theo anh đến tận bây giờ, như một thứ định mệnh.
May mắn có cô vợ tỉnh táo
Ít ai biết để đạt được những thành tựu như hôm nay Anh Tú đã trải qua sự khổ luyện bằng cả máu, mồ hôi và nước mắt. Mỗi ngày 15, 16 tiếng anh đều đứng bên cây đàn và say sưa tập luyện để trở thành một “Tú xỉn violin” của ngày hôm nay.
Anh Tú đã lưu diễn trên hàng trăm thủ đô, đất nước lớn nhỏ, giữ vai trò độc tấu (soloist), bè trưởng chỉ huy dàn nhạc biểu diễn cho nhiều nguyên thủ trong và ngoài nước. Được trực tiếp hội đồng các giáo sư, nghệ sĩ cổ điển hàng đầu thế giới tuyển chọn và trở thành nhạc công trẻ tuổi nhất Việt Nam tham gia Dàn nhạc trẻ gồm các nhạc công xuất sắc nhất châu Á. Anh cũng giữ kỷ lục là giảng viên violin trẻ tuổi nhất của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Anh Tú với vẻ ngoài lãng tử khi chơi violin.
Giới chuyên môn và truyền thông nhắc tới nghệ sỹ violin Anh Tú là một nghệ sỹ violin với phong cách đậm chất lãng tử, phiêu du, không giống bất cứ nghệ sỹ violin nào khác. Khi cầm cây đàn vĩ cầm trên tay, cất lên những giai điệu tuyệt đẹp thì dường như, khoảng cách giữa cây đàn, anh và khán giả hoàn toàn là một, tất cả cùng hoà vào trong một không gian đầy đam mê. Lắm khi chơi đàn, Anh Tú bảo: “Đến đường về tôi còn chả nhớ”. Tưởng như đây chỉ là câu nói đùa nhưng những người thân tình biết rằng anh nói thật.
May mắn là vợ Anh Tú - chị Việt Dung cũng là một người theo nghệ thuật. Chị là thạc sỹ Opera, luôn hết lòng ủng hộ và đồng hành với anh. Người ta nói, không có gì khó hơn làm vợ một nghệ sỹ. Những đêm biểu diễn hoang dại, đắm đuối đến “quên lối về” của anh, luôn có mặt chị. Chị chỉ đứng lặng lẽ một góc, trìu mến ngắm nhìn anh. Anh “xỉn”, cũng chẳng sao, vì chị luôn luôn tỉnh để lo lắng thay phần anh. Chị như ánh đèn vàng ấm áp, như ngọn hải đăng để giữ cho con thuyền anh không chòng chành, lạc mất lối về…
Trong đêm nhạc Mối tình đầu – Forever diễn ra ngày 30/9 sắp tới, Tú “xỉn” cùng Việt Dung mang tham vọng chinh phục những khán giả khó tính nhất Hàn Quốc những bản tình ca lãng mạn xứ Hàn. Trong vai trò “Đại sứ Văn hóa”, thông qua chương trình ý nghĩa này, Anh Tú - Việt Dung mong muốn tình hữu nghị quốc tế Việt - Hàn thêm gắn chặt.