Thăm xoài Đá Trắng được vua ban sắc tứ

Chùa Đá Trắng và vườn xoài bao quanh Ảnh: Hoàng Tuấn
Chùa Đá Trắng và vườn xoài bao quanh Ảnh: Hoàng Tuấn
TP - Xoài quý và hiếm đến mức có giai đoạn, quan huyện lệnh cắt cử sai nha canh dưới từng gốc xoài, ghi chép, thu hái. Họ phải đếm từng nụ xoài lúc mới tượng trái và chăm nom cho đến khi xoài già mới làm lễ hái trái.

Sư thầy Thích Đồng Quang hấp háy con mắt còn lại, chỉ tay vào gốc xoài cổ thụ trước cửa chùa chua xót: “Cả vườn xoài nổi tiếng, thứ Bạch thạch yêm ba nổi tiếng đã đi vào ca dao nay chỉ còn có 4 cây nằm ở bốn góc chùa. Ba cây kia đã không còn ra trái, riêng còn cây này năm có năm không. Xoài Đá Trắng dâng vua nay chắc chỉ còn trong truyền thuyết…”.

“Sao không sai những người được ăn xoài đi đánh trận?!”

Sư thầy Thích Đồng Quang, người nhang khói cho chùa, đã ngoài 70 tuổi, chột một bên mắt, tiếp đón cố nhân chúng tôi suốt buổi chiều muộn. Đây là chuyến ghé thăm đột xuất sau khi nghe tin sư thầy đã trải qua cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh năm ngoái, tưởng như đã về cùng các trụ trì ở khu mộ tháp phía sau chùa.

Cuộc đời thầy cũng là một câu chuyện thú vị, 12 tuổi đã lên chùa đi tu, gắn bó với thăng trầm cả đời mình với chùa Đá Trắng (hay còn gọi là chùa Từ Quang, chùa Linh Quang) và có lẽ là một trong số ít vị sư tu theo cả hai phái Thiền tông và Mật tông.

Chỉ tay vào vườn xoài rậm rạp, trồng kín trước và sau chùa, trong đó có nhiều cây đang ra hoa vàng hươm dưới nắng, sư thầy Thích Đồng Quang lắc đầu: “Ngoài bốn cây xoài cổ, tất cả những cây xoài còn lại đều là xoài trồng sau này, giống từ nơi khác đến. Cùng trồng trên đất chùa nhưng không thơm và ngon như giống xoài cũ được…”.

Sư thầy Thích Đồng Quang
Sư thầy Thích Đồng Quang .
 

Tương truyền, xoài Đá Trắng trái nhỏ, vỏ mỏng, cùi ngọt lịm, để được lâu, hương không phai, mùa quả chín, mùi thơm đặc trưng bay xa vài trăm mét. Đặc biệt, các giống xoài khác khi ra hoa màu vàng, xoài Đá Trắng xưa thì hoa màu trắng và duy chỉ những cây trồng trong khuôn viên chùa thì quả mới có những đặc điểm quý hiếm kia.

Chùa Đá Trắng được xây dựng từ năm 1797 nhưng theo sư thầy thì vườn xoài này đã có từ trước đó, ngay cả dốc lên chùa cũng được gọi bằng địa danh Dốc Xoài.

Trong suốt quãng đời gắn bó với chùa, sư thầy Thích Đồng Quang cũng nhiều lần được nếm trái xoài, đó quả là diễm phúc cho một đời người không ngoa nếu ai đó đã một lần được nghe về thứ quả quý và hành trình tiến vua một thời.

Câu chuyện kể rằng thời nhà Nguyễn, một vị quan đã ghé chân qua đây, được ăn xoài Đá Trắng do các vị sư dâng tặng nên về kể cho vua nghe, từ đó xoài Đá Trắng được tiến vua hàng năm.

Cũng lại có tương truyền rằng, vua Nguyễn Ánh xưa kia trong những lần dừng chiến thuyền ở vịnh Xuân Đài trên đường hành quân đánh nhau với quân Tây Sơn đã có dịp thưởng thức đặc sản vùng này và tỏ ra ưa thích xoài Đá Trắng nên bắt đầu từ thời Gia Long, thứ quả này bắt đầu được cung tiến.

Cứ mỗi năm, vào dịp tết Đoan Ngọ, tỉnh Phú Yên phải dâng vua từ 1.000 đến 2.000 quả xoài. Xoài quý và hiếm đến mức có giai đoạn, quan huyện lệnh cắt cử sai nha canh dưới từng gốc xoài, ghi chép, thu hái. Họ phải đếm từng nụ xoài lúc mới tượng trái và chăm nom cho đến khi xoài già mới làm lễ hái trái.

Những người làm công việc này được miễn thuế thân. Không an tâm, ngoài việc giao những cây xoài trong chùa cho chức sắc địa phương quản lý, vào dịp thu hái, nhà Nguyễn còn cử cả một đội quân chuyên lo việc vận chuyển xoài ra Huế.

Họ dùng ngựa chở xoài trong các giỏ tre ủ xoài cùng với lá sầu đông để đến khi về tới Huế thì xoài vừa chín vàng da. Thời điểm này vua thường mở tiệc ngự xoài, sau đó chia đều lộc cho các quan cao, có công trong triều.

Thế nên, việc thưởng xoài còn mang một ý nghĩa khác. Chuyện kể rằng, năm đó, có một vị tướng đến tiệc thưởng xoài muộn nên không được thưởng thức, điều này làm ông bực tức mãi. Cuối năm giặc giã nổi lên, vua giao lệnh xuống cho ông đi dẹp loạn, vị tướng này đã hậm hực: “Sao nhà vua không sai những người được ăn xoài Đá Trắng đi mà đánh trận?!”.

Vua ban sắc tứ

Cũng vì quý hiếm mà cây xoài Đá Trắng thuộc chùa nhưng chùa lại không được quản lý. Vào mùa thu hoạch nhưng lại không được hái, được ăn. Nhưng như có một điều kỳ lạ rằng năm nào cũng vậy, khi quan quân thu hoạch xoài rút đi, sư trụ trì sai chú tiểu ra tìm, kiểu gì cũng còn sót lại vài trái ẩn núp đâu đó trong lá để làm lễ dâng Phật.

“Ngoài bốn cây cổ thụ bốn góc đã không còn ra trái thì tất cả những cây xoài còn lại đều là xoài trồng sau này, giống từ nơi khác đến. Cùng trồng trên đất chùa nhưng không thơm và ngon như giống xoài cũ được…” - Sư thầy Thích Đồng Quang. 

Những người mộ đạo thì cho đó là tấm lòng che chở vật quí của đất để dâng lên Phật. Kẻ có tấm lòng thực tế thì bảo rằng đó là tấm lòng thành kính của những người canh giữ đã cố ý để sót lại những trái xanh cho chùa. Và khi xoài chín, màu vàng mới lộ ra và hương thơm của xoài mới báo thức cho nhà chùa tìm hái để dâng Phật.

Nhờ có những trái xoài sót lại này mà giống xoài trên chùa Đá Trắng mới được nhân rộng ra khắp vùng núi Xuân Đài, ra tới nhiều nơi khác trên đất nước Việt Nam dù những đặc điểm quý hiếm kém xa những tổ tiên trong khuôn viên của chùa.

Sau này, hòa thượng Thích Viên Mãn, người 40 năm mang đất ra xây chùa Từ Tôn ở Hòn Đỏ - Nha Trang cũng đã về quê hương Phú Yên, lên chùa Đá Trắng xin 14 hạt xoài tiến vua này đem gieo giữa biển khơi.

Cho đến nay, số cây còn trụ lại cũng chỉ còn có một, còn hầu hết là giống xoài Cát Lộc do phật tử đem ra trồng. Và tương truyền, cũng vì sự nổi tiếng của loại xoài này mà vào thời vua Thành Thái, chùa Đá Trắng được vua ban sắc tứ.

Bạch thạch yêm ba, Nhị bảo ngự thiện đã lùi sâu vào ca dao, những câu chuyện truyền kỳ khi bốn gốc cây cuối cùng vẫn tồn tại nhưng không còn cho ra trái. Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên đã kiểm kê, lập mã số cho từng cây xoài, thực hiện một chương trình bảo vệ nguồn gen và nhân rộng giống xoài Đá Trắng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy những bông hoa trắng nở bung mang đến niềm hy vọng cho một thứ đặc sản đầy huyền tích sống lại.

Và chắc hẳn, nếu theo đúng lời tương truyền, thứ xoài tiến vua được nhân rộng đó phải được trồng ở khuôn viên của chùa, nơi tạo thành những đặc điểm khiến nó trở nên quý hiếm. Liệu có phải do thứ đá trắng đặc trưng của vùng hay mùi thơm vị ngọt được tạo thành trong không gian đất Phật nhuốm đầy huyền thoại?

Chùa và xoài cùng nổi tiếng

Tọa lạc trên vùng đá toàn màu trắng thuộc thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An cách QL1A trên 500 mét, Chùa Đá Trắng với diện tích khoảng 5.000m² vốn đã nổi tiếng từ rất lâu.

Không chỉ vì cái bề dày lịch sử từ thời vua Quang Toản nhà Tây Sơn năm 1797, về con đường lát đá độc đáo, khu mộ tháp cổ kính theo kiểu phái Đại Thừa hay quả đại hồng chung nặng 330kg do Hoà thượng Pháp Ngũ đúc tại kinh đô Phú Xuân vào năm Duy Tân thứ 9. Nhắc đến chùa Đá Trắng là nhắc về một thứ xoài nổi tiếng đã đi vào ca dao, vào huyền tích.

Câu ca “Xoài Đá Trắng, Sắn Phường Lụa” (Phường Lụa là một địa danh gần đó của tỉnh Phú Yên) hay câu cửa miệng “Rủ lên Đá Trắng ăn Xoài/Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì…”. Những huyền tích về hành trình tiến vua cũng như sự “khó tính” của loại xoài này khiến nó nổi tiếng…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG