Thăm quê Hải Thượng Lãn Ông

Phòng chẩn trị y học cổ truyền Vân Quang của Lương y Nguyễn Đức Quang, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên
Phòng chẩn trị y học cổ truyền Vân Quang của Lương y Nguyễn Đức Quang, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên
TP - Các bác sĩ, lương y trên quê hương Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác hiện đang sống ra sao? Hậu duệ của ông có ai theo ngành y? Đó là những câu hỏi có phần tò mò khi chúng tôi về thăm quê hương đại danh y.

> 'Hoa Đà' trên Cao nguyên đá

Chiều muộn, tôi từ Hà Nội vượt cầu Vĩnh Tuy sang đường 5, tới thị trấn Như Quỳnh. Biết tôi muốn tìm về quê hương Hải Thượng Lãn Ông, hai vợ chồng lương y Trần Ngọc Tuấn - Nguyễn Thị Sánh cùng là Hội viên Hội Đông y huyện Văn Lâm nhận lời đưa tôi đến đền thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và cùng tôi tìm gặp những người hậu duệ của dòng họ Lê.

Tới đường rẽ vào thôn Liêu Xá gặp ngay tấm biển lớn vẽ chân dung Hải Thượng Lãn Ông với hai dòng chữ lớn: “Lương y phải như từ mẫu” - trích lời Hồ Chủ tịch và “Nghề thầy thuốc là nhân thuật” - trích lời Lê Hữu Trác.

Liêu Xá còn vương chút không khí của lễ hội truyền thống tưởng niệm Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác hàng năm được tổ chức trước ngày 15-1 âm lịch, ngày mất của Đại y tôn. Từ năm 2000 ngày lễ tưởng niệm này được chọn làm ngày truyền thống của những người làm công tác y dược học cổ truyền Việt Nam.?

Chúng tôi gặp ông Lê Hữu Khoát - hậu duệ của dòng họ Lê ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, là người trực tiếp trông nom đền thờ Hải Thượng Lãn Ông. Ông Khoát nói: “Danh thơm và gương sáng về y đức, y thuật của cụ Lê Hữu Trác không chỉ là niềm tự hào của dòng họ chúng tôi mà của toàn dân tộc Việt Nam”.

Tôi hỏi tại đây có hậu duệ của Lê Hữu Trác hoạt động trong các ngành y dược học không? Ông Khoát nói, đây là điều mà dòng họ chúng tôi rất băn khoăn mong mỏi và hy vọng.

Ông cũng cho biết, TS Lê Hữu Hưng, hậu duệ đời thứ 17 của dòng họ Lê Hữu Trác, là cán bộ giảng dạy bộ môn giải phẫu lâu năm của trường Đại học Y Hà Nội, và tham gia giảng dạy ở rất nhiều trường y khác.

Sau đó ông Khoát dẫn chúng tôi đi thăm viếng nhiều di tích quan hệ tới Đại y tôn Lê Hữu Trác:?Đền thờ tiến sĩ Lê Hữu Mưu (thân phụ Lê Hữu Trác). Tại đây còn sắc phong, câu đối, bia ký thế kỷ 18. Nhà thờ dòng họ Lê tại Liêu Xá.

Khu lăng mộ họ Lê xây dựng từ thế kỷ 18. Nhà lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông xây dựng trên nền đất cũ của gia đình năm 1990 - nơi còn lưu giữ khá nhiều pho sách cổ.

Sáng sớm hôm sau tôi xuống thăm Trạm xá xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ. Bác sĩ trưởng trạm đi vắng, đón tiếp tôi là một nữ y sĩ. Theo một bản báo cáo viết tay của trạm trưởng, xã Liêu Xá có gần 9.000 dân với gần 2.500 hộ.

Trạm y tế xã Liêu Xá được biên chế 6 cán bộ: 1 Bác sĩ; 2 Y sĩ; 1 Y học cổ truyền; 1 Nữ hộ sinh; 1 Điều dưỡng viên. Xã còn có 6 người phụ trách công tác y tế thôn. Từ năm 2008 đến nay, trạm đã khám và điều trị cho hơn 14.000 lượt người, bệnh nhân khỏi bệnh là 85%.

Tôi xin phép sang Trung tâm Y tế huyện Yên Mỹ, gặp bác sĩ, giám đốc Nguyễn Ngọc Long. Ông Long cho biết Trung tâm y tế huyện Yên Mỹ có 8 khoa phòng. Khoa Đông y của trung tâm đã có thêm những đầu tư về cơ sở vật chất, phòng khám và điều trị nội trú. Nhưng ở đây hiện vẫn thiếu bác sĩ Đông y, chỉ có y sĩ y học cổ truyền.

Qua ông Nguyễn Đức Quang, Phó chủ tịch Hội Đông y huyện Yên Mỹ, tôi được biết hiện nay Hội có 55 hội viên, có 16 phòng chẩn trị y học cổ truyền nằm rải rác ở các xã được cấp phép của Hội hoạt động rất đều.

Năm nay hội đề ra nhiệm vụ là đi chuyên sâu vào các hội thảo nhiều bài thuốc của các gia đình lương y giỏi để truyền thụ lại cho thành hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG