Để chống tham nhũng phải kiên quyết quy rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu từng cấp, từng ngành.
Kê khai tài sản phải tập trung vào cán bộ có chức, có quyền
Theo ông đâu là nguyên nhân khiến tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi?
Chúng ta có quyết tâm chính trị rất cao trong công tác này. Hệ thống luật pháp tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong triển khai tổ chức thực hiện thì lại chưa tốt.
Như tôi đã phát biểu tại diễn đàn QH, nếu quốc nạn mà không chống được thì nó sẽ hạ nốc ao quốc sách. Rất nhiều quốc sách tốt đẹp nhưng bị tham nhũng như hòn đá tảng chặn đường |
Còn hiện tượng né tránh, nể nang, dĩ hòa vi quý. Các cơ quan bảo vệ pháp luật một số vụ vào cuộc chậm. Phải nhận diện rõ tham nhũng thì mới chống được. Tham nhũng là ở những cán bộ có chức, có quyền, người nắm tài sản, vốn, tài nguyên nhà nước.
Tham nhũng cũng dễ phát sinh trong công tác tổ chức cán bộ. Công tác cán bộ phải dân chủ, công khai, minh bạch để tìm đúng người, đặt đúng vị trí.
Nhưng hiện nay có tình trạng thân quen, mà người dân hay nói "bằng lòng hơn bằng cấp"; "năng lực quan hệ hơn năng lực chuyên môn".
Luật lệ, tiêu chuẩn chúng ta đã có nhưng vấn đề là trong thực thi đã bị biến tướng.
Ví như chủ trương kê khai tài sản có từ lâu nhưng thực hiện chưa hiệu quả. Bởi trước khi kê khai thì nhiều tài sản đã bị chuyển cho các chủ sở hữu khác.
Một cán bộ có chức, quyền có thể có 3- 4 căn nhà nhưng đã được xẻ ra đứng tên người thân thì rất khó kiểm soát.
Dư luận cũng nói đến cán bộ gửi tiền tại ngân hàng nước ngoài. Nhưng để "chỉ tận mặt, đặt được tên" thì còn khó khăn. Đây là khâu của cơ quan điều tra chứ người dân không thể phát hiện được.
Trong dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) có mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả đảng viên đang công tác, ông nghĩ sao?
Nếu mở rộng quá, quy định tất cả đảng viên đều kê khai tài sản thì rất loãng, bởi rất nhiều cán bộ, đảng viên có thể nhìn thấy hiển hiện là không có tài sản gì lớn.
Đa phần cán bộ, đảng viên là những người làm công ăn lương, có một căn hộ tập thể, nhà nhỏ vừa đủ gia đình sống. Trong khi đối tượng cần kê khai là cán bộ có chức, có quyền, đặc biệt là những người làm việc trong các cơ quan dễ dẫn đến tham nhũng.
Chúng ta cần tập trung vào những đối tượng này hơn là mở rộng ra tất cả đảng viên phải kê khai. Nếu làm không tốt, mở rộng quá sẽ hòa cả làng, xóa nhòa ranh giới.
Do vậy, điều quan trọng nhất là phải nâng cao hiệu quả của việc kê khai tài sản. Thời gian qua, chỉ quy định giới hạn đối tượng phải kê khai mà còn làm chưa tốt bây giờ mở rộng đối tượng kê khai thì dẫn đến "hòa cả làng", không làm rõ được đối tượng cần giám sát.
Hiện Nghị định của Chính phủ mới quy định công khai bản kê khai tài sản tại cơ quan, đơn vị mà chưa công khai tại khu dân cư. Theo ông có nên mở rộng việc công khai để người dân có điều kiện giám sát?
Tôi nghĩ cần công khai ở nhiều góc độ khác nhau. Việc công khai bản kê khai tài sản tại cơ quan là rất tốt. Anh làm ở cơ quan nhiều năm thì cán bộ, công chức sẽ biết anh có tài sản gì, hằng ngày đi làm bằng phương tiện nào.
Ngoài ra, cần công khai tại khu dân cư, người dân ở nơi cán bộ cư trú hơn ai hết hiểu gia đình, vợ, chồng, con cái họ đi lại bằng ô tô hay xe máy, nhà to hay bé. Tôi cho rằng, cần công khai như khi lấy ý kiến cử tri trước bầu cử đại biểu QH và HĐND. Càng công khai càng tốt chứ không có vấn đề gì cả.
"Quốc nạn" không chống được sẽ hạ nốc ao quốc sách
Đối với việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm của cán bộ không giải trình được, ông có đồng ý với đề xuất tịch thu tài sản này?
Nguyên tắc là người có tài sản phải giải trình được nguồn gốc. Có thể tài sản do bố, mẹ để lại, người thân, con cái gửi từ nước ngoài về. Tuy nhiên, nếu không giải trình được cần nhiều hướng xử lý. Nếu có dấu hiệu tham nhũng thì mới xử lý theo pháp luật hình sự.
Trường hợp chưa giải trình được hoặc giải trình sau mà vội tịch thu và tước đoạt quyền sở hữu tài sản thì phải cân nhắc cẩn trọng. Tài sản chỉ bị tịch thu khi có bằng chứng người sở hữu do tham nhũng mà có.
Nếu chưa chứng minh được thì không có căn cứ pháp luật nào để kê biên, tịch thu tài sản. Việc xem xét kỷ luật người không giải trình được tài sản cũng phải tùy theo mức độ vi phạm, có thể xử lý kỷ luật trọng Đảng hoặc kỷ luật hành chính.
Một quy định rất mới trong dự thảo luật là tạm thời đình chỉ công tác hoặc chuyển sang vị trí khác với cán bộ có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ công tác xác minh?
Bộ Luật Hình sự đã quy định những biện pháp để tạo điều kiện cho công tác điều tra. Đối với những người qua điều tra thấy có nhiều dấu hiệu, bằng chứng liên quan đến tham nhũng thì để tạo thuận lợi cho điều tra, có thể tạm thời đình chỉ công tác hoặc chuyển sang vị trí khác.
Tuy nhiên, việc này cũng phải rất cẩn trọng bởi chúng ta dễ từ cực này chuyển sang cực khác, không điều tra đúng sẽ làm oan sai, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cán bộ. Cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm với đề nghị của mình.
Theo ông phòng, chống tham nhũng có vai trò thế nào trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI?
Điều này có vai trò quyết định. Chúng ta xác định tham nhũng là "quốc nạn" chứ không phải là "tỉnh nạn", "địa phương nạn" nữa. Nếu không chống "quốc nạn" triệt để thì không thể nào làm trong sạch bộ máy, phát triển kinh tế- xã hội được.
Như tôi đã phát biểu tại diễn đàn QH, nếu "quốc nạn" mà không chống được thì nó sẽ hạ nốc ao quốc sách. Rất nhiều quốc sách tốt đẹp nhưng bị tham nhũng như hòn đá tảng chặn đường.
Ví như, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ muốn phát triển phải có nguồn lực, vốn, đất đai những tham nhũng chặn hết thì không còn nguồn lực. Trong công tác bổ nhiệm cán bộ cũng tương tự như vậy.
Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu
Tại kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII, ông đã có bài phát biểu mạnh mẽ về phòng, chống tham nhũng, ông nhận được phản hồi gì từ cử tri?
Đã có hàng nghìn cuộc điện thoại, nhắn tin của bạn bè, cử tri và cả những người tôi không biết, bày tỏ rất ủng hộ, cho rằng đại biểu đã nói lên được tiếng nói của cử tri và nhân dân.
Nhưng cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn: cảnh báo như thế là tốt rồi nhưng quan trọng là có xoay chuyển được tình thế không, có chuyển biến không?
Về giải pháp phòng, chống tham nhũng, cử tri và nhân dân đã góp ý gì, thưa ông?
Cử tri cho rằng phải kiên quyết, quy rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu từng cấp, từng ngành. Không để như ở Vinashin, Vinalines, hỏi trách nhiệm để thất thoát, thua lỗ, Bộ Tài chính bảo không phải tôi, Bộ KH&ĐT, GTVT cũng bảo không phải tôi.
Như vậy thì không được. Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về công sản và tài chính công thì phải biết chứ. Bộ KH&ĐT khi cấp phép cũng phải thẩm định chứ?
Cử tri cũng góp ý, phải làm mạnh từ trên xuống. Phải làm rõ được những người không chỉ có dấu hiệu tham nhũng mà còn vô cảm với tham nhũng, có trách nhiệm liên đới trong quản lý, lãnh đạo.
Cám ơn ông!
Hà Nhân