Thâm nhập hội 'chờ ngày tận thế'

Thâm nhập hội 'chờ ngày tận thế'
Nhiều bạn đọc ở TPHCM phản ảnh hiện có một nhóm người kêu gọi mọi người bán đất, nhà cửa, bỏ học... đến với nhau chờ ngày tận thế và được lên thiên đàng! Thực tế ra sao?
Bà Lệ thuyết phục phóng viên Tuổi Trẻ vào hội “chờ ngày tận thế” tại công viên văn hóa Phú Nhuận (ảnh chụp chiều 11-10) - Ảnh: H.L.
Bà Lệ thuyết phục phóng viên Tuổi Trẻ vào hội “chờ ngày tận thế” tại công viên văn hóa Phú Nhuận (ảnh chụp chiều 11-10) - Ảnh: H.L..

“Không làm lễ nhập hội sẽ bị xe cán chết!”

Phóng viên thâm nhập và lần ra nơi tập trung của nhóm người này tại 53/10A Phan Đăng Lưu, phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM. 

Chiều 6-10, chúng tôi tiếp cận được bà Lệ - một trong những người chiêu dụ mọi người vào hội “chờ ngày tận thế”. Bà Lệ nói, đây là “hội khổng lồ” bên Hàn Quốc nhưng thỉnh thoảng người Hàn Quốc mới xuất hiện, chủ yếu giao cho người VN quản lý.

“Khắp Sài Gòn đều có trung tâm của hội để hướng dẫn, truyền bá cho các thành viên nhưng không phải ai cũng vào được. Nhiều người bán hết nhà cửa, bán đất để được nghe hội giảng” - bà Lệ khẳng định.

Bà Lệ dẫn chúng tôi đến 53/10A Phan Đăng Lưu. Bên ngoài căn nhà này có đề bảng “Trường âm nhạc nghệ thuật Hướng Dương”, bên trong xe gắn máy dựng san sát nhau, tại lầu hai, lầu ba, nhiều người lên xuống nhộn nhịp, hàng chục người đang chụm đầu vào bàn học bài giảng của hội...

Bà Lệ bảo tôi: “Anh là người tốt đó. Nếu biết hạ mình vào hội sẽ được ban phước, không cần phải làm lụng nhiều”. Sau hơn một giờ nói chuyện, bà Lệ yêu cầu chúng tôi phải làm lễ gia nhập hội và cùng một cộng sự kéo chúng tôi vào... nhà vệ sinh.

Bà Lệ hối: “Cởi đồ lẹ lên để làm lễ, chỉ mười phút thôi” rồi giúi vào tay chúng tôi bộ đồ ngủ. Chúng tôi tỏ ý chưa hiểu, yêu cầu giải thích thêm thì ba, bốn người ở đây xúm lại bảo: “Cứ làm lễ trước, hiểu sau. Lâu lắm mới hiểu”.

Chúng tôi thắc mắc về cách thức làm lễ, bà Lệ và nhiều người tỏ ra khó chịu nói: “Đổ nước lên đầu, sau đó ăn uống tượng trưng cho máu và thịt...”. Khi chúng tôi từ chối làm lễ vì phải về nhà có việc gấp, bà Lệ chạy theo kéo lại: “Hội đã chọn em. Em mà không làm lễ sẽ bị quỷ sa tăng bắt. Ra đường xe cán chết ráng chịu”.

Ngày 11-10, chúng tôi liên hệ với bà Lệ để giới thiệu thành viên mới, bà Lệ hẹn chúng tôi tại công viên Phú Nhuận, buộc phải ăn bánh bột nhờn nhợn, uống nước lọc ngây ngấy mới chịu tiếp chuyện. Chúng tôi nói bị thất tình, bà Lệ cười phán: “Hội có hàng chục người chưa chồng được ban phước lộc”. Chúng tôi hỏi lộc gì, bà Lệ bảo: “Tôi bị xe đụng nhiều lần cũng không sao, vết thương mau lành kỳ bí lắm”.

Bà Lệ kêu chúng tôi đi làm lễ nhập hội cho kịp “giờ linh”, chúng tôi nấn ná thì bà nói: “Quỷ đang ám cậu, phải làm lễ ngay, biết đâu cậu không qua khỏi ngày mai!”. Bà Lệ còn bảo nếu cần bà sẽ dẫn chúng tôi đến nhà trọ của bà ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn để làm lễ trong... nhà vệ sinh.

“Vào hội không làm cũng có ăn”(?)

Theo bà Lệ, nhiều người đóng phí vào hội để “giành suất” chờ ngày tận thế... lên thiên đàng, trong đó có nhiều người bán nhà cho hội là chuyện bình thường. Bà Lệ nói: “Sắp tận thế đến nơi, bán mà ăn chứ để làm gì” rồi kể những người tham gia hội này phải đóng 10% thu nhập một tháng. Chúng tôi thắc mắc nếu vào hội mà bán nhà, bán cửa, không làm việc thì lấy tiền đâu đóng cho hội, bà Lệ gạt tay, cười nói: “Hội sẽ ban phước, như tôi đây không làm mà vẫn có tiền tiêu thoải mái”.

Chiều 6-10, tại 53/10A Phan Đăng Lưu chúng tôi gặp gần chục em học sinh của một trường THCS ở Hóc Môn miệt mài nghe người của hội này giảng. Một em nói với cha mẹ rằng thầy cô chưa biết các em hay bỏ học để đến đây nghe giảng.

Chị S. - một người bán nước ở hẻm Đặng Thai Mai, P.7, Q.Phú Nhuận - kể: “Con gái tôi đã nghe theo lời họ làm lễ nhập hội. Họ bảo không phải vất vả làm ăn, cứ chịu khó lên nghe hội giảng sẽ có ăn”. Còn anh L.T.K. - ngụ xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, bảo tuần trước bà Lệ đi cùng một người đàn ông đến tận nhà dẫn anh vào nhà vệ sinh, đổ nước lên đầu, lẩm bẩm như “lên đồng” để làm lễ.

“Họ nói chuyện nhảm nhí, mọi người tin theo sẽ phải bỏ học, bỏ công ăn việc làm, rất phiền phức” - anh K. cảnh báo.

Chúng tôi được biết bà Lệ 57 tuổi, thường trú tại P.5, Q.3, sống bằng nghề buôn bán. Khoảng năm 2004, bà đến Hóc Môn thuê nhà trọ tạm trú và làm nghề nấu ăn.

Ông Ngô Giang Hoàng Hân - phó chủ tịch UBND P.7, Q.Phú Nhuận - cho biết địa chỉ 53/10A Phan Đăng Lưu là cơ sở dạy nhạc Hướng Dương được Sở Kế hoạch - đầu tư cấp phép với nội dung kinh doanh dạy nhạc. Việc nhóm hội nói trên hoạt động tại đây phường không biết và chưa nghe báo cáo. Tới đây, phường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của quận kiểm tra để có hướng xử lý.

Không được cấp phép

Ông Nguyễn Hoàng Giang - phó trưởng Ban tôn giáo TP.HCM - cho biết qua xác minh, kiểm tra sơ bộ trong hồ sơ lưu thì địa chỉ 53/10A Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận không được cấp phép hoạt động tôn giáo. Chuyện những người trong hội nói trên truyền bá cho người khác những thông tin thất thiệt, không được kiểm chứng một cách khoa học, gây hoang mang trong người dân thì tùy mức độ tác hại, ảnh hưởng tới đâu, chính quyền xử lý tới đó.

Theo ông Giang, tất cả các tôn giáo hợp pháp tại TP khi rao giảng đều khuyên răn, giáo dục tín đồ lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần tương trợ, tương thân tương ái, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp. Chưa thấy tôn giáo nào hợp pháp mà truyền bá thông tin sắp đến ngày tận thế làm hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Theo H.Lộc - S.Bình
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.