Thảm họa trượt lở đất đá: Cần cảnh báo hay cần quy hoạch?

Trượt lở đất đá là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn thương tâm tại miền Trung trong đợt mưa lũ vừa qua
Trượt lở đất đá là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn thương tâm tại miền Trung trong đợt mưa lũ vừa qua
TP - Các chuyên gia cho rằng, để tăng khả năng cảnh báo trượt lở đất đá đến từng khu vực một cách kịp thời nhất, có thể lắp các thiết bị quan trắc phát hiện trượt lở sớm.

Giúp cảnh báo sớm từng khu vực

Từ năm 2012, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”. Đến nay, đã xây dựng và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở 25 tỉnh và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá ở 15 tỉnh.

Dựa trên thông tin do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam cung cấp, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã cảnh báo trượt lở đất trước 3-6 giờ tại khu vực có nguy cơ cao. Tuy nhiên, cảnh báo này mới dừng lại ở cấp huyện, ví dụ huyện nào có nguy cơ cao, rất cao, chứ chưa chi tiết đến các điểm cụ thể. Vì vậy, hiệu quả cảnh báo được đánh giá chưa cao.

Theo ông Hoàng Kim Quang, chuyên gia về công nghệ viễn thám, để dự báo đến từng khu vực có nguy cơ cao, có thể sử dụng phương án lắp thiết bị quan trắc. Khi có dấu hiệu xảy ra trượt lở đất đá, thiết bị sẽ cảnh báo đến người dân để kịp thời sơ tán.

Trên cơ sở xác định các khu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở, kết hợp với điều kiện dân cư có sinh sống ở đó không, có thể lắp các thiết bị quan trắc cảnh báo trượt lở đất. Hệ thống quan trắc gồm các thiết bị như đo khí tượng, đo mưa, đo độ dịch chuyển, hệ thống định vị GPS. Khi khu vực quan trắc có bất thường sẽ báo động ngay cho trung tâm điều hành, cảnh báo đến người dân.

Ông Quang nói rằng, hệ thống quan trắc đồng bộ có thể rất đắt tiền và tốn kém. Việc lắp đặt trên diện rộng là không khả thi. Tuy nhiên, có thể “liệu cơm gắp mắm”, sử dụng các thiết bị quan trắc đơn giản với giá vài chục triệu đồng để cảnh báo nguy cơ trượt lở.

Theo TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” thực hiện từ miền Bắc đến Quảng Ngãi đã xác định được 15.000 điểm trượt lở đất đá, trong đó có 300-400 điểm trượt lở rất lớn. Đối với những điểm trượt lở đất đá rất lớn, Chính phủ đã có chương trình di dời người dân khỏi các khu vực này.

Ngoài ra, trong đề án, Bộ Tài nguyên & Môi trường xác định sẽ xây dựng khoảng 10 trạm quan trắc trượt lở. Để lắp đặt 10 trạm quan trắc này, các nhà khoa học sẽ khảo sát để lựa chọn vị trí phù hợp. Một số dự án hợp tác khoa học quốc tế cũng có kế hoạch xây dựng các trạm cảnh báo đa thiên tai, cảnh báo được cả lũ quét, sạt lở đất. Một số trạm đã được lắp đặt, như tại bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Tập huấn nâng cao nhận thức người dân

 Theo TS Hòa, hệ thống quan trắc mang lại hiệu quả cao nhưng sẽ khó triển khai diện rộng bởi giá thành cao, trong khi Việt Nam có tới 15.000 điểm có nguy cơ trượt lở đất đá. Vì vậy, bên cạnh việc quan trắc tại các khu vực trọng điểm, cần triển khai thêm một số giải pháp khác để nâng cao khả năng cảnh báo trượt lở đất đá.

“Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan. Tại các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao, các nhà khoa học sẽ xác định ngưỡng mưa sinh trượt lở đất đá. Sau đó, mỗi làng sẽ được trang bị một thiết bị đo mưa. Khi mưa đến ngưỡng sinh trượt lở, người dân phải sơ tán đến nơi an toàn. Từ đó giúp thiệt hại về người và của”, ông Hòa nói.

Ông Hòa cho rằng, tại các khu vực vùng núi ở Việt Nam có rất ít quỹ đất an toàn. Người dân vạt núi làm nhà thì dễ chịu tác động của sạt lở đất đá, làm nhà ven suối thì dễ bị lũ ống, lũ quét. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức, tập huấn người dân các kỹ năng đối phó thiên tai, thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập vào đầu mùa mưa bão. Tại các vùng có nguy cơ trượt lở cao, cần xác định một số vị trí tương đối an toàn để người dân có thể sơ tán khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

TS Trịnh Xuân Hòa cho rằng, về lâu dài, cần phải quy hoạch sử dụng đất gắn với mục tiêu bảo vệ rừng đầu nguồn cũng như trồng rừng ở những vị trí có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.