Thảm họa học sinh chết đuối

Thảm họa học sinh chết đuối
TP - Ngày càng nhiều vụ học sinh chết đuối rúng động tại nhiều nơi, kéo hồi chuông báo động về thảm họa chết đuối của trẻ em. Chủ trương “phổ cập” bơi lội cho học sinh ngay từ cấp tiểu học có từ 4 năm học trước, nhưng học sinh vẫn chết đuối ngày càng nhiều.

> Nhóm học sinh chết đuối khi chụp ảnh lưu niệm
> Buôn Đôn rúng động bởi nhóm học sinh chết đuối

Sát thủ sông nước

Tại Bình Định, vừa xảy ra hai vụ đuối nước làm 4 em nhỏ thiệt mạng. Sáng 2/5, hai chị em Lê Thị Thu Thảo và Lê Thị Thu Hiền (xã Phước Thắng, Tuy Phước, Bình Định) nghịch chơi ở con sông gần nhà, ngã xuống nước tử vong. Trước đó, chiều 1/4, em Đinh Quốc Khánh (12 tuổi, học sinh lớp 5 trường tiểu học số 2 Phước Sơn) và Nguyễn Thành Đạt (12 tuổi, học sinh lớp 6 trường THCS số 2 Phước Sơn, Tuy Phước) đuối nước khi ra sông bắt ốc.

Tại Ninh Thuận, chiều 18/4, được nghỉ học các tiết cuối, 6 học sinh Trần Gia Kỳ, Phạm Thị Tường Vy, Ngô Thị Cẩm Thy, Hồ Thị Bích Tình, Lê Phú Dương, Trần Văn Hải (học sinh lớp 7, trường THCS Huỳnh Phước, Ninh Phước) rủ nhau ra tắm sông và cả 6 em cùng chết đuối ở khu vực đập dâng thôn La Chữ.

Thống kê, mỗi năm tỉnh Nghệ An có hàng chục vụ tai nạn thương tích khiến nhiều học sinh tử vong. Nguyên nhân chủ yếu do “sát thủ” sông nước. Cuối tháng 4 vừa qua, tỉnh này có gần chục học sinh đuối nước.

Chiều tối 29/4, mấy em nhỏ Nguyễn Thị Hồng Trinh, Nguyễn Bá Nhật Đạt và Đậu Thị Bình (khối Tân Tiến, thị trấn Hoàng Mai, Quỳnh Lưu) rủ nhau nghịch nước ở một hồ nước phía sau nhà. Do xẩy chân, cả 3 bị chết đuối.

Trước đó, chiều 24/4, tại khu vực khe Nậm Càn, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn cũng xảy ra vụ đuối nước làm em Và Văn Lầu (15 tuổi) tử nạn. Cùng ngày, em Nguyễn Thị Thủy (lớp 11C6, trường THPT Sào Nam, Nam Đàn) cũng bị chết đuối khu vực hồ nước Ba Khe (Nam Đàn) khi đi dã ngoại...

Tại Quảng Ngãi, số trẻ chết đuối chiếm phần lớn trong các vụ tai nạn thương tích trẻ em. Theo ông Trương Đình Đức, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, riêng năm 2012, toàn tỉnh có 22 trẻ dưới 16 tuổi bị chết đuối. Trong số 22 trẻ chết đuối, chủ yếu ở độ tuổi 6-16. Do số em này hay tắm sông, suối khi chưa được trang bị kỹ năng đầy đủ.

Vẫn khó phổ cập bơi

Sau 3 năm kể từ khi Bộ GD&ĐT ban hành chủ trương dạy bơi để phòng chống đuối nước cho học sinh ngay từ cấp tiểu học, đến nay hầu hết các trường, địa phương đều gặp khó. Phần thì thiếu hồ bơi, phần do phụ huynh không mặn mà.

Gần một tháng khai giảng, các lớp dạy bơi cho trẻ CLB Bơi lặn Đà Nẵng (đường 2/9) thưa thớt người đăng ký. Tại bể bơi CLB bơi Phan Chu Trinh (Trường THPT Phan Chu Trinh), Trường THPT Lê Quý Đôn, ĐH TDTT Đà Nẵng, Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng thành phố… chưa thể mở lớp do thiếu học sinh.

Theo Trưởng bộ môn bơi lặn (Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV Đà Nẵng) Phan Thanh Toại, phụ huynh, học sinh vẫn có tâm lý chờ chính thức nghỉ hè mới đăng ký học bơi, trong khi kỹ năng này cần được rèn luyện, đào tạo thường xuyên, liên tục. Điều này dẫn đến cảnh quá tải các lớp bơi tập trung mùa cao điểm tháng 6-7, trong khi ngày thường vắng vẻ. Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ học bơi từ khi lên 5 tuổi, trung bình có 3 buổi học bơi mỗi tuần. Việc học bơi hiện nay mới mang tính phong trào.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay: Cái khó hầu hết các trường đều thiếu cơ sở, hồ bơi. Sở đang trình HĐND TP đề án xây dựng bể bơi trong hệ thống nhà trường.

Đồng Tháp mỗi năm gần 62 trẻ chết đuối

Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong 10 năm (2003 – 2012), tỉnh này có 619 trẻ từ 15 tuổi trở xuống chết đuối. Bình quân mỗi năm xấp xỉ 62 trẻ chết đuối. Chỉ trong quý 1/2013 đã có 11 trẻ lứa tuổi trên bị chết đuối. Đáng chú ý, những năm không xảy ra lụt nhưng số trẻ chết đuối vẫn cao.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.