Thảm cảnh làm thuê xứ người

Thảm cảnh làm thuê xứ người
TP - Từ đầu năm 2011 đến nay, Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận gần 500 người xuất cảnh trái phép bị lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả. Đa số là nông dân, muốn kiếm tiền nơi đất khách, nhưng rốt cuộc trở về trắng tay.

Bị quỵt lương, ép bán dâm

Trở về nhà được gần một tuần, Hoàng Thị Xam, 17 tuổi, dân tộc Nùng, trú tại làng Nà Sla, Thạch Đạn, huyện Cao Lộc vẫn không muốn ra khỏi nhà. Cô ngượng với bạn bè, người thân vì bây giờ, cô không có một xu dính túi, số tiền nợ trước khi xuất cảnh sang Trung Quốc vẫn đeo đẳng.

Nhà Xam nghèo, ruộng nương ít, tháng trước có người rủ sang bên kia biên giới làm việc lương cao. Vừa đến Bằng Tường (Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây), cô bị những người mặc sắc phục ập đến, mang về trụ sở. Sau một thời gian dài bị thẩm vấn, giam cầm, lao động công ích trong các trang trại có người canh gác nghiêm ngặt, Xam bị trao trả về Việt Nam vì tội nhập cảnh trái phép.

Vi Văn Hưng (SN 1992), trú tại thôn Còn Háng, xã Bảo Lâm, Cao Lộc cùng 48 thanh niên trong xã được một đầu nậu dẫn đường đến một chợ lao động sát biên giới Việt - Trung. Các ông chủ người Trung Quốc đến kiểm tra sức khỏe, thỏa thuận việc làm.

Hưng được một người to béo, mắt híp nhận vào làm việc tại nhà máy bóng điện Hồng Quang, tỉnh Hồ Nam với lời hứa được trả lương từ 1.000 đến 1.500 nhân dân tệ/tháng. Lao động liên tục từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, sinh hoạt kham khổ gần 2 tháng nhưng không được nhận lương.

Vào một buổi chiều, đám công nhân chuẩn bị về nghỉ, bỗng nhiên ông chủ chạy đến, bảo: “Chạy đi! Công an đến bắt người”. Hưng hốt hoảng chạy lên mé rừng, tìm đường về quê. Hưng hiểu, đó là mánh khóe của ông chủ nước ngoài, nhằm quỵt lương công nhân.

Nếu lực lượng chức năng nước sở tại bắt được, không những toi công, còn bị tra khảo, tịch thu đồ trang sức, của cải mang theo người. Trong số 48 người trong làng cùng đi, nhiều người không trốn được, hiện nay không rõ phiêu bạt nơi nào, Hưng nói.

Hoàng Thị T. (trú tại huyện Lộc Bình) nghe theo một người lạ mặt, vượt biên sang Ái Điểm để chặt mía thuê. Sau hai ngày phồng rộp chân tay vì lao động cực nhọc, cô bị ông chủ bắt ép vào phòng riêng, giở trò đồi bại. Hôm sau, có những người đàn ông to béo đến xem mặt, bắt đi sâu vào một thị trấn nhỏ. Tại đây, cô bị ép làm gái bán hoa. Một hôm, do có sự xô xát của khách làng chơi với bảo kê, T trốn thoát về Việt Nam.

Liều mình như chẳng có

Theo số liệu của các ngành chức năng Việt Nam, hiện có khoảng 4.000 công dân, chủ yếu là người lao động tỉnh Lạng Sơn, sang bên kia biên giới tìm việc. Mặc dù đã có những bài học, rủi ro, song số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê không giảm, có chiều hướng gia tăng.

Ông Vi Văn Dũng, Bí thư xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, cho biết: Vào thời điểm giáp hạt, khô hạn, hầu hết ruộng đồng đều bị bỏ không, người dân không có nghề phụ, tiện chân sang bên kia biên giới, mong kiếm ít tiền về trang trải trong cuộc sống.

Vào tháng ba, các thôn bản giáp biên thiếu vắng người trong tuổi lao động. Nhiều người cố tình vượt biên, chấp nhận sự rủi ro, thậm chí có người vừa được trao trả về Việt Nam vài ngày lại tiếp tục khăn gói quay trở lại Trung Quốc.

Anh Lý Văn Khánh ở thôn Phai Sen, xã Tú Đoạn hai lần bị bắt, giam giữ tại Trung Quốc. Sau khi được trao trả về, đến lúc nông nhàn, anh lại cùng vợ sang Trung Quốc làm thuê, để lại 3 con nhỏ cho ông bà nội trông giúp.

Theo đánh giá của các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, tại địa bàn sát biên giới xuất hiện một số người Việt Nam bắt tay với một số công dân Trung Quốc vận động, tài trợ tiền, hướng dẫn người dân làm thủ tục hộ chiếu và thị thực xuất cảnh du lịch, sau đó đi sâu vào nội địa Trung Quốc để lao động làm thuê.

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh sang Trung Quốc lao động trái phép, Công an Lạng Sơn đã tổ chức tuyên truyền, vận động, đồng thời cảnh báo về những rủi ro trong quá trình lao động trái phép ở nước ngoài.

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, tăng thời gian tiếp công dân, tổ chức làm thêm ngày thứ bảy để đáp ứng nhu cầu làm thủ tục cho dân. Các cấp chính quyền có hình thức tuyên truyền phong phú, thu hút được sự chú ý của nhân dân. Các cuộc họp dân ở thôn, bản có sự hiện diện của người từng xuất cảnh sang Trung Quốc, từ đó có những cái nhìn toàn diện, khách quan về vấn đề.

Hiệp định tạm thời giữa chính phủ Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 11-1991 quy định: Công dân cư trú tại các xã biên giới khi sang Trung Quốc phải làm giấy thông hành, nếu đi sâu vào nội địa thì phải làm hộ chiếu.

Đối với những trường hợp vi phạm, sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. Trường hợp bị cơ quan chức năng nước bạn phát hiện, bắt giữ thì sẽ phải chấp hành các hình phạt của nước sở tại, phải lao động công ích trước khi được trao trả về Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.