Theo báo cáo nhanh của thành phố Thái Nguyên, hiện nay, mực nước trên sông Cầu tại các trạm thủy văn Gia Bẩy (thành phố Thái Nguyên), Chã (thành phố Phổ Yên) đang lên nhanh và xuất hiện lũ. Tại trạm thủy văn Gia Bẩy vào lúc 7 giờ hôm nay (23/8), mực nước đạt 2.434cm, thấp hơn so với mức báo động I là 66cm và đang có xu thế tăng nhanh. Tại hồ Núi Cốc trên sông Công, mực nước tại hồ là 4.663cm, cao hơn mức báo động I là 63cm.
Trong 12 đến 24 giờ tới, lũ tại trạm thủy văn Gia Bẩy được dự báo sẽ ở mức báo động II, nước hồ Núi Cốc ở mức báo động II và chịu ảnh hưởng theo chế độ vận hành xả lũ.
Như vậy, với diễn biến thời tiết phức tạp, trên địa bàn Thái Nguyên có nguy cao xảy ra ngập lụt ven sông, sạt lở bờ sông và ngập úng ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê ven sông, suối và những điểm xung yếu như bờ taluy cao, bãi thải, khu vực dân cư sống ở ven sông…
Nhiều ô tô bị ngập ở trên đường phố thành phố Thái Nguyên. |
Nhiều phố phường "biến thành sông". |
Nước ngập việc đi lại rất khó khăn. |
Mực nước lũ trong các sông lên cao có thể gây ngập lụt sâu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và vùng dân cư trong tỉnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các huyện vùng núi là rất cao. Tình trạng ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, vùng đô thị có thể xảy ra, đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân, nhất là tại các huyện Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ…
Nhiều đoạn qua đập tràn rất nguy hiểm. |
Lực lượng cảnh sát giao thông có mặt xuyên đêm để phân luồng giao thông. |
Trước diễn biến thời tiết phức tạp, hồ Núi Cốc xả lũ từ 10 giờ 30 phút ngày 23/8, theo quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước, cũng như để chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt.
Trước đó, theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, gần 8 tháng qua, tại Thái Nguyên, mưa bão đã khiến 3 người chết; 3 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính trên 56 tỷ đồng.