Trong vài tháng trở lại đây, Chiang Mai liên tục là thành phố đứng đầu trên bảng xếp hạng toàn cầu về ô nhiễm không khí dựa trên nền tảng IQAir, đứng trước Lahore, Pakistan và New Delhi, Ấn Độ.
Du lịch Chiang Mai vốn thu hút du khách bởi vẻ đẹp cổ kính và yên bình với núi non hùng vĩ, những ngôi đền tâm linh giữa thành phố hoa lệ. Nơi đây luôn là điểm đến hấp dẫn nhất của Thái Lan khi đã đón 10,8 triệu du khách vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan Phunut Thanalao Panich hôm 10/4, kể từ khi không khí chạm mức nguy hiểm đến sức khỏe của người dân, lượng đặt phòng khách sạn của thành phố đã sụt giảm tới 45%. Lượng đặt phòng bị suy giảm thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ 80% - 90% dự kiến trước kỳ nghỉ Songkran - Tết cổ truyền của người Thái vào tuần này.
“Ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc kinh doanh của chúng tôi. Không những không có khách du lịch, thậm chí nơi đây còn ô nhiễm tới mức không thể nhìn thấy quang cảnh”, Sunat Insao, 53 tuổi, người bán nước cam tại Chiang Mai cho biết.
Để giải quyết vấn đề chất lượng không khí đang xấu đi của thành phố, Bộ Y tế Thái Lan kêu gọi người dân tránh tham gia các hoạt động ngoài trời và đeo khẩu trang có thể lọc bụi để đảm bảo sức khỏe. (Ảnh: Reuters) |
Trong tháng 3, Chang Mai, thành phố lớn thứ ba của Thái Lan, đạt ngưỡng 289 trên thang chỉ số chất lượng không khí (AQI) của IQAir. Trong ngày 10/4, chỉ số chất lượng không khí tuy đã giảm xuống còn 171, nhưng vẫn cao hơn 19 lần so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Fernanda Gonzalez, 27 tuổi, du khách đến từ Mexico cho biết: “Tôi có thể cảm thấy bụi bám đầy trên mặt mình. Mỗi khi lau mặt và nhìn khăn giấy, tôi thực sự mới thấy không khí ô nhiễm tới mức nào”.
Các nhà chức trách khẳng định tình trạng này là do sự kết hợp giữa cháy rừng và đốt rơm rạ tại Thái Lan và các nước láng giềng. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết đang phối hợp với Lào và Myanmar nhằm nỗ lực giảm điểm nóng ở khu vực biên giới để kiềm chế khói mù.