Tâm điểm của cuộc tổng tuyển cử năm nay xoay quanh số phận của chính đảng mới có mối liên hệ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hiện đang sống lưu vong. Chính đảng mới này, với tên gọi đảng Ái quốc Thái (Thai Raksa Chart), đang khiến dư luận chú ý khi nhanh chóng chỉ định Công chúa Ubolratana Rajakanya, chị gái của đức vua Maha Vajiralongkorn, làm ứng viên tranh cử chức Thủ tướng vào hôm 8/2 vừa qua, bất chấp những phản đối từ Hoàng gia Thái Lan.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan sẽ họp vào hôm thứ Hai này (11/2), trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi đảng Ái quốc Thái nên giải thể, vì các thành viên trong Hoàng tộc Thái Lan từ lâu vẫn được coi như thần thánh và gần như xa rời các hoạt động chính trị.
Những lời kêu gọi trên một lần nữa cho thấy cựu Thủ tướng Thaksin vẫn là một hình ảnh phân cực tại đất nước này: Dù liên tiếp chiếm được hàng triệu phiếu bầu từ khu vực nông thôn với các chính sách phúc lợi cởi mở, song ông Thaksin vẫn gây mâu thuẫn với các tướng lĩnh quân đội bảo hoàng của Thái Lan, những người vẫn coi ông như một mối nguy hại tới quyền lực của mình.
Dù vậy, động thái mới đây của đảng Ái quốc Thái có thể sẽ gây tức giận đối với cả những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin, và tiếp tục củng cố địa vị của Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-Ocha, người đã lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự năm 2014 nhằm lật đổ Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu Thủ tướng Thaksin, và hiện vẫn nhận được sự ủng hộ từ Thượng viện được quân đội chỉ định của Thái Lan.
“Thời điểm phía trước sẽ rất đáng sợ,” ông Punchada Sirivunnabood, phó Giáo sư khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn tại trường Đại học Mahidol, Thái Lan, cho biết, “Những sự kiện gần đây cho thấy sự phân cực chính trị ở Thái Lan vẫn còn tồn tại, và nó ngày càng bén rễ sâu hơn tại đất nước này.”
Cựu Thủ tướng Thaksin và các đồng minh thân cận của mình vốn dành chiến thắng trong toàn bộ các cuộc Tổng tuyển cử từ năm 2001, và chỉ bị cách chức bởi tòa án quốc gia hoặc lực lượng quân đội. Những cuộc lật đổ như thế này thường kéo theo một vòng xoáy bất ổn tại Thái Lan với các cuộc biểu tình diễn ra liên miên, đôi khi có cả đụng độ đẫm máu.
Nhóm Hiệp hội Bảo vệ Hiến pháp Thái Lan hiện đang lên kế hoạch gửi thỉnh nguyện thư lên Ủy ban Bầu cử, yêu cầu giải thể đảng Ái quốc Thái vì đã vi phạm các điều khoản cấm sử dụng các thành viên Hoàng gia cho chiến dịch tranh cử.
Phía đảng Ái quốc Thái đã đáp trả bằng việc gửi thư lên Hội đồng Bầu cử nhằm ngăn chặn ý định tái tranh cử của Thủ tướng Prayuth, do lo sợ ông sẽ tiếp tục có thêm quyền hành lớn trong tay giống như ở thời điểm hiện tại.
Thủ tướng Prayuth hôm thứ Sáu vừa qua (8/2) đã đồng ý ra tái tranh cử, với tư cách ứng viên của chính đảng có lập trường ủng hộ Chính phủ quân sự đương thời. Theo ông Titipol Phakdeewanich, giảng viên chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani phía Đông Bắc Thái Lan, các sự kiện diễn ra trong những ngày vừa qua sẽ càng thúc đẩy thêm nhiều người ủng hộ Thủ tướng Prayuth bỏ phiếu cho ông.
“Họ sẽ cảm thấy đây là điều cần phải làm để tiếp tục đẩy hai anh em Thaksin và Yingluck ra khỏi đất nước này,” Ông Titipol cho biết.
Những bất ổn của nền chính trị Thái Lan giờ đã lan sang cả nền kinh tế của nước này, vốn đang phải chịu ảnh hướng từ những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nó còn đến trước cả thời điểm diễn ra các sự kiện lớn, bao gồm lễ đăng quang của nhà vua vào tháng 5 tới, và hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á diễn ra tại Thái Lan trong năm nay.