Báo cáo của tỉnh Thái Bình cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, tại Thái Bình từ sáng ngày 15/10 đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ gần 100mm, cao nhất lên tới 164mm tại phường Quang Trung (thành phố Thái Bình), 143mm tại thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) và 133mm tại thị trấn Tiền Hải (huyện Tiền Hải).
Thống kê sơ bộ cho thấy, do ảnh hưởng của mưa lớn, tỉnh có trên 3.000ha lúa mùa bị gãy, đổ, có nguy cơ giảm năng suất.
Trong đó, thiệt hại nặng nhất là huyện Tiền Hải gãy đổ trên 1.700ha. Các huyện Thái Thụy gãy đổ khoảng 750ha lúa và ảnh hưởng gần 2.000ha cây vụ đông mới gieo trồng, huyện Kiến Xương gẫy đổ khoảng 500 ha lúa, huyện Đông Hưng gãy đổ khoảng 800 ha lúa và hoa màu…
Để cứu lúa, hoa màu, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình vận hành tối đa các trạm bơm tiêu ngập ở vùng trũng, mở các cửa đê xả nước, đồng thời tiến hành gặt khẩn trương sau khi hết mưa để cứu lúa. UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương thống kê đầy đủ, chính xác, đánh giá đúng diện tích bị thiệt hại năng suất nếu có để có cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Cuối ngày 16/10, báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định cho biết ảnh hưởng của bão số 7 từ đêm ngày 14/10 đến ngày 16/10 cũng gây mưa lớn không kém trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Lượng mưa bình quân toàn tỉnh Nam Định ngày 16/10 là 245,8mm; mưa to, lượng mưa lớn xảy ra ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh (Hải Hậu 317mm, Vụ Bản 268mm, Mỹ Lộc 256mm, Xuân Trường 241mm, Trực Ninh 238mm, Nam Trực 231mm…).
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa lớn kết hợp với thủy triều cùng với lũ trên các sông lớn dâng cao nên việc tiêu thoát nước gặp nhiều khó khăn làm nhiều diện tích lúa mùa và cây màu vụ đông mới gieo trồng bị ngập.
"Đến ngày 16/10, diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng là 5.370ha, trong đó có 1.426ha lúa mùa bị ngập sâu trong nước. Về cây vụ đông có 6.610ha bị ảnh hưởng, trong đó có 3.215ha bị thiệt hại 30 - 70% và 1.020ha bị thiệt hại hơn 70%, không có khả năng phục hồi", ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho hay.
Như vậy, tại 2 tỉnh trọng điểm về nông nghiệp ở phía Bắ này đã có tổng số gần 9.000 ha lúa mùa bị gãy đổ vì ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7.
Từ sáng 17/10, sau khi hết mưa, nông dân 2 tỉnh này đều ra đồng để gặt những phần diện tịch lúa bị gãy đổ, cố vớt vát được phần nào hay phần đấy.