Thái Bình lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc mua máy xét nghiệm

Hệ thống máy xét nghiệm của tỉnh Thái Bình bắt đầu được đưa vào hoạt động từ 1/4 - Ảnh: Hoàng Long
Hệ thống máy xét nghiệm của tỉnh Thái Bình bắt đầu được đưa vào hoạt động từ 1/4 - Ảnh: Hoàng Long
TPO - Liên quan đến dư luận về việc Sở Y tế Thái Bình mua máy xét nghiệm với giá cao, chiều nay, 29/4, thông tin từ sở này cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành về việc này. Đoàn đã bắt đầu làm việc với Sở Y tế Thái Bình và các đơn vị liên quan từ sáng 29/4.

Về quá trình mua máy, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình cho biết, chiếc máy xét nghiệm sở này mua theo Hợp đồng số 05/SYTTB-TAILOC/2020 cũng là máy Cobas 4.800 của hãng Roche (Thuỵ Sỹ) như của tỉnh Ninh Bình với tổng giá trị hợp đồng là 6,480 tỷ đồng.

Đến nay, máy xét nghiệm này đã chạy, xét nghiệm được hơn 2.000 ca về COVID-19. Qua kiểm tra, ngoài hệ thống xét nghiệm COVID-19, máy có thể xét nghiệm được các loại bệnh khác như HIV, Viêm gan B,C, ung thư... và chạy được hầu hết các loại kit bán trên thị trường.

Ông Dịu cho biết chiếc máy xét nghiệm của Thái Bình sau khi được hưởng ưu đãi, tài trợ đã giảm giá khá nhiều: "Đây là mức giá đã được đàm phán với đơn vị cung cấp. Nhà cung cấp còn chủ động bán giá ưu đãi, khuyến mại 5 năm bảo hành, kèm theo 1.300 bộ kit xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng. 1 năm bảo hành chi phí rất lớn, tương đương khoảng 5% hợp đồng. Cộng với chúng tôi đã kêu gọi đơn vị bán máy ủng hộ bằng tài trợ nên ngày 20/4, họ đã đồng ý giảm giá 10%. Đến nay, nếu tính tổng giá trị được chiết khấu, giá sản phẩm này ở mức trên 4 tỷ".

Thái Bình lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc mua máy xét nghiệm ảnh 1

Dư luận cho rằng giá máy xét nghiệm của Thái Bình và một só tỉnh cao hơn giá thực tế - Ảnh: Hoàng Long

Tuy nhiên, cũng theo Giám đốc Sở Y tế Thái Bình thừa nhận là đến nay, bản thân ông cũng không biết chính xác giá của loại máy này là bao nhiêu, việc mua máy xét nghiệm trên "do tình hình chống dịch cấp bách, không có nguồn tham khảo nên việc quyết định mua máy với giá trên chủ yếu dựa vào tham khảo giá từ các đơn vị đã mua máy trước đó như Bắc Ninh, Ninh Bình, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ".

"Ngay sau khi có xảy ra vụ CDC Hà Nội cũng như có thông tin về việc giá máy như trên là cao, Sở Y tế đã này đã có báo cáo gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình về toàn bộ quá trình tổ chức đấu giá, mua sắm thiết bị.

Cơ quan an ninh của Công an tỉnh Thái Bình đã đến làm việc, yêu cầu Sở cung cấp toàn bộ tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc mua sắm thiết bị máy xét nghiệm này. Hiện nay chúng tôi vẫn chưa thanh toán tiền mua máy với nhà thầu mà đợi kết quả của kiểm tra, điều tra của các cơ quan chức năng", Giám đốc Sở Y tế Thái Bình nói.

MỚI - NÓNG