Thách thức gia đình trẻ thời đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả từ trái qua: chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn; TS Khuất Thu Hồng chia sẻtại diễn đàn. Ảnh: Xuân Tùng
Các diễn giả từ trái qua: chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn; TS Khuất Thu Hồng chia sẻtại diễn đàn. Ảnh: Xuân Tùng
TP - Tại Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới”, các khách mời, diễn giả đã chia sẻ những thống kê về tác động của dịch COVID-19 đến cuộc sống của các gia đình; đồng thời trao đổi, tư vấn những giải pháp vượt qua khó khăn.

Ngày 7/11, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty CP Vàng Bạc đá quý Phú Nhuận tổ chức Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Gấp đôi cuộc gọi đến đường dây nóng về bạo lực

Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) cho biết, những tác động xấu của dịch COVID-19 đến đời sống người dân, thể hiện rõ nhất ở những người có thu nhập vừa và thấp; trong đó nhiều gia đình trẻ vốn tính bền vững chưa cao vì kỹ năng, kinh nghiệm, việc làm, thu nhập không ổn định, không có tích lũy.

"Cuộc sống nhiều hộ gia đình bị đảo lộn, việc sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ. Nhiều công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp, không khí gia đình nặng nề, căng thẳng, phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp và có nguy cơ bạo lực gia đình gia tăng", ông Quý nhận định và dẫn ra một số kết quả khảo sát, nghiên cứu của nhiều cơ quan, đơn vị.

Theo ông Quý, báo cáo về “tác động xã hội của đại dịch COVID-19 đối với Việt Nam và các khuyến nghị chính sách chiến lược” của Liên Hợp Quốc công bố tháng 8/2020 cho thấy, dịch COVID-19 tác động toàn diện đến các khía cạnh của đời sống gia đình, từ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc đời sống tinh thần, đến lao động, việc làm, thu nhập, đặc biệt là tình trạng trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ có nguy cơ bị bóc lột và bạo hành cao hơn. Phụ nữ và trẻ em được xác định là nạn nhân chính của bạo lực hoặc xâm hại trong gia đình. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, "Ngôi nhà Bình yên" đã tiếp nhận gấp đôi số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng về bạo lực mỗi tháng.

Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chỉ ra, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến phần lớn trẻ em gặp khó khăn, áp lực trong học tập; tỷ lệ không nhỏ trẻ chưa có kiến thức, hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn, gặp áp lực do bị mắng và bị đánh, cảm thấy bố mẹ không gần gũi, không quan tâm.

Hãy tìm giải pháp, cơ hội để vượt qua

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn tâm lý đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng cho rằng, đầu tiên cần thay đổi nhận thức, tư duy và đảo cách nhìn. Dịch COVID-19 mang đi nhiều thứ của chúng ta, nhưng sau những đợt dịch, giãn cách khiến chúng ta bình tĩnh, sống chậm hơn, nhìn nhận rõ hơn giá trị của gia đình, điều chỉnh nhiều thói quen không tốt để có sức khỏe tốt hơn, sử dụng thành thạo thiết bị công nghệ...

“Thảm họa để lại rất nhiều cái lợi nên mỗi gia đình, mỗi cá nhân hãy tự cứu mình trước khi chờ đợi chính sách vĩ mô; thay đổi nhận thức, tư duy, nhìn nhận cuộc sống một cách nhẹ nhàng, tích cực hơn", ông Đoàn nói.

Theo ông Đoàn, thời gian này hãy tổ chức đời sống theo “thời chiến”, đối diện với những khó khăn. Ở nhà, con nghịch thay vì quát ầm ĩ, nay nhận ra trẻ con nô, nghịch là khỏe, con bày trò là thông minh. Dù ở nhà với nhau nhưng hãy tạo cho nhau "không gian riêng", đừng giám sát nhau, "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", để “cái khó ló cái khôn”.

Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, bạo lực gia đình gia tăng bởi khi phải ở nhà với nhau 24/24 giờ thì khó tránh khỏi va đập. Tuy nhiên, bà Hồng cho rằng đây cũng là cơ hội để các gia đình trẻ gắn kết và hiểu nhau hơn, để cùng nhau vượt qua khó khăn.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội khuyên các bố mẹ hãy dành thời gian nói chuyện với nhau, cùng chơi với con để tăng sự kết nối trong gia đình. Các gia đình trẻ bị mất việc làm không nên chờ đợi hết dịch, hay đợi đến khi có công việc ổn định; "đừng khoanh tay mà hãy tìm giải pháp, cơ hội để vượt qua"...

Bà Hồng gợi ý, nhiều gia đình trẻ đã làm những công việc không chính thức như tự sản xuất các mặt hàng ăn uống phục vụ khu dân cư, kinh doanh trực tuyến... và tạo ra nguồn thu nhập khá thường xuyên. Hoặc các bạn có thể học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức trong thời điểm chưa thể triển khai công việc.

MỚI - NÓNG