Tết Việt ở Berlin

Tết Việt ở Berlin
TPO - Những ngày giáp Tết năm Tuất này, giữa cái lạnh tái tê tới âm mười mấy độ nơi xứ người, tôi không ngờ lại được đón một cái Tết nồng ấm quê mình ngay tại trung tâm thủ đô Berlin của nước Đức.
Tết Việt ở Berlin ảnh 1

Cũng đủ cả hoa mai vàng (tất nhiên là hoa nhựa), bánh chưng xanh, giò nem ninh mọc như ở nhà, và đặc biệt có cả một bàn thờ nghi ngút khói hương. Đó là buổi đón Tết sớm của hàng trăm người Việt quê Quảng Bình đang lao động, học tập tại nước Đức.

Lơ ngơ giữa Berlin đương trắng xóa một màu tuyết, giữa một mùa đông lạnh giá khắc nghiệt chưa từng thấy ở xứ này đã nửa tháng trời, lần đầu tiên tôi bắt gặp một không gian văn hóa thuần Việt đến thế.

Tiếng trẻ con chí chóe nô đùa, tiếng ồn ào chúc tụng, chuyện bàn ra tán vào, chuyện làm ăn được mất của hàng trăm người Việt xa xứ cứ râm ran khắp cả một hội trường rộng lớn.

Cái không gian náo nhiệt ấy bỗng như trầm hẳn xuống khi nén hương tưởng nhớ tổ tiên của những đứa con xa xứ được thắp lên. Bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” do chị Doãn từng là văn công quân khu IV những năm 1975-1988 thể hiện, thực sự đã làm nhiều người xúc động, da diết nỗi nhớ quê hương. Những bài thơ, câu hát về quê hương đất nước, về xứ Quảng cứ thế tiếp nối ngân vang trong cái Tết của người Việt nơi này…

Gọi là hội trường chứ ban ngày nơi đây chính là một kho hàng của Trung tâm thương mại quốc tế Thái Bình Dương do người Việt mình sở hữu. Đó là một chợ bán buôn lớn thứ hai sau khu chợ Đồng Xuân cũng đều tọa ở phần Đông Berlin của bà con ta.

Người Việt bên này hay gọi bằng chính địa chỉ của nó cho dễ nhớ : Mahnzahn 17. TTTM Thái Bình Dương có 192 gian hàng cho thuê, hiện đã kín chỗ tới 95%, anh Võ Văn Long quê Quảng Bình, một trong những ông chủ của TTTM này cho biết.

Được biết, anh Long cũng là người Việt đầu tiên ở Đức bỏ ra 2,5 triệu euro để xây dựng một khách sạn 3 sao (tiêu chuẩn châu Âu) ngay giữa thủ đô Berlin.

Cứ nhìn dãy xe hơi của người Việt mình đậu san sát ở các TT thương mại như Đồng Xuân, Thái Bình Dương…, trong đó không hiếm những chiếc Mercerdes, BMW đời mới sang trọng có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS, đủ biết nhiều doanh nhân Việt đã thành công nơi đây.

Bên mâm cỗ Tết xa xứ, anh Ngô Tùng Lâm sang Đức học nghề rồi làm đội trưởng từ năm 1982, hiện là Chủ tịch hội đồng hương xứ Quảng tâm sự : “Bên này người Quảng Bình riêng ở Berlin cũng cỡ 500-700, nhiều cháu sinh ra ở đây không biết tiếng Việt do bố mẹ bận đi làm quanh năm suốt tháng.

Tết Việt ở Berlin ảnh 2

Chúng tôi đứng ra tổ chức hội đồng hương để nương tựa vào nhau, để mở lớp dạy tiếng Việt, dạy văn hóa Việt cho các cháu và ủng hộ cho quê nhà”. Anh cho biết, tính trung bình thu nhập của người Việt mình bên này khoảng 1200-1500 euro/tháng, đa số là buôn bán nhỏ hoặc mở cửa hàng ăn, nhìn chung là cuộc sống tương đối ổn định.

Ngay trong năm 2006 này, hội đồng hương Quảng Bình sẽ quyên góp để mở lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em tại Berlin. “Mỗi khi bà con mình bên này gặp chuyện khó khăn hay ốm đau bệnh tật, chúng tôi đều cử người đến thăm hỏi động viên, quyên góp…”, anh Lâm nói.

Được biết, hội đồng hương Quảng Bình tuy mới thành lập chưa đầy 1 năm, song luôn có tấm lòng hướng về quê hương. Năm qua, hội đã quyên góp gửi về giúp gia đình anh Lương, chị Thuận có hoàn cảnh khó khắn ở Bố Trạch 1700 euro, tặng cháu Vũ Hoàng đoạt giải nhất cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” 800 euro…

Và ngay tại buổi đón Tết này, anh Trần Công Thành, phó chủ tịch Hội đồng hương đã đứng lên kêu gọi bà con ủng hộ cho làng trẻ em SOS Quảng Bình. Người nhiều thì 500-600 euro, người ít cũng 100 euro, tôi nhẩm tính số tiền ủng hộ ngay tại chỗ cũng phải tới một vài ngàn.

Người Việt tại Đức hiện có khoảng trên dưới 80.000 người, được chia làm 3 thành phần chính : Làm kinh doanh, làm cho các cơ quan, xí nghiệp của Đức và người thất nghiệp hưởng trợ cấp xã hội. Người Việt chưa có giấy định cư vẫn được chu cấp nhà ở, bảo hiểm y tế và tiền tiêu vặt khoảng 200 euro/tháng.

Kinh tế nước Đức năm qua bị suy giảm nên cũng ảnh hưởng tới chuyện làm ăn sinh sống của người Việt, song không lớn. Một phần do chính sách phúc lợi của Đức vẫn khá tốt, đủ đảm bảo cuộc sống tương đối cho ngay cả những người thất nghiệp.

Trên nhiều con phố của thủ đô Berlin, ta có thể dễ dàng bắt gặp những quán ăn hay cửa hàng bán hoa của người Việt mình. Thi thoảng, ở một vài bến tàu điện ngầm, nếu để ý vẫn có cảnh bán thuốc lá lẻ song không còn công khai như trước đây nữa.

Tại lối lên xuống ở một ga tàu điện ngầm hun hút gió lạnh, có lần tôi đã bắt chuyện với một đồng bào mình đứng bán hoa tươi. Anh lấy vợ người Đức và thuê chỗ giá 500 euro/tháng để có quyền đặt một quầy hoa nho nhỏ.

Anh tâm sự, đứng bán ở đây từ sáng sớm tới tận 9,10 giờ đêm cũng đủ ăn, cố gắng làm thêm vài năm nữa có chút vốn liếng sẽ về nước để sống, làm ăn ở xứ người đâu có biết Tết nhất là gì…

Và chỉ ngay sáng sớm mai thôi, tại nơi vừa tổ chức đón Tết này sẽ lại buôn bán ra vào tấp nập. Người Việt mình ở đâu cũng tần tảo, chịu thương chịu khó để mưu sinh, để hòa nhập và vươn lên nơi xứ người.

Tết ở đây chỉ thoảng qua như thế, dường như chỉ đủ để những người con xa xứ gặp nhau ôn cố tri tân và nhớ về cội nguồn.

Việt Hùng
Từ Berlin, Đức

MỚI - NÓNG