Tết này mẹ vắng nhà

 Minh họa: Đỗ Đức
Minh họa: Đỗ Đức
TP - Thuở nhỏ ở làng, Tết đến chị em tôi thường bắc thang trèo lên chiếc ban công vẩy ra từ mái nhà ngói mong xem được chút ánh sáng loé lên như chớp nháy từ phía chân trời “Hà Nội bắn pháo hoa rồi kìa”. Bây giờ, trên tầng ba ngôi nhà mới dựng từ nếp nhà cũ, chị em tôi chỉ việc ngồi ngắm pháo hoa làng trên xóm dưới đì đùng.

Mới năm ngoái chứ đâu xa, về quê ăn Tết Việt trong ngôi nhà mới khang trang, tôi cứ lo đón năm mới không còn thứ cháy cơm ủ bếp rơm hay bánh chưng thơm nồng mùi củi lửa. May quá, chị gái tôi còn giữ lại cái chái bếp trước nhà để chị Tính (chị họ và cũng là người trông nom nhà cửa ở quê giúp gia đình tôi) luộc khoai nấu cháo mỗi khi điện đóm phập phù. Nhưng Tết ấy không lạnh, nắng hanh hao khiến tôi trằn trọc trên giường. Lại còn tiếng khóc tỉ ti từ dưới nhà vọng lên và giọng ru à ơi não nề “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan/Mẹ mày đi cấy đồng xa chưa về...” làm tôi tỉnh cả ngủ.

Quái, nhà mình có đứa trẻ con nào nữa thế? Mẹ tôi và chị gái xuỵt xuỵt “Con Bống đi xuất khẩu lao động Đài Loan rồi. Hai đứa lớn gửi bà nội còn đứa nhỏ nhất mới lên ba gửi bà ngoại. Chị Tính cứ tha lôi nó khắp làng trên xóm dưới. Đêm nào nó cũng khóc đòi mẹ”.

Tôi lạ gì Bống, đứa con gái duy nhất của chị Tính. Nó kém tôi dăm ba tuổi, gọi tôi là cô. Cái thời mẹ nó không chịu nổi người chồng rượu chè cờ bạc bê tha, cắp con về lại làng cũ sống tạm ở cái chòi như lều vịt trong góc sân hợp tác xã gió lùa tứ bề, nó gặp tôi đã quấn lấy đòi chơi cùng rồi.

Ừ, thế mà cái Bống ngày xưa của tôi giờ đã là công nhân xuất khẩu lao động ở tận Đài Loan. Tôi bảo chị Tính “Chồng nó đi lao động bên Đài rồi thì vợ nên ở nhà vừa chạy chợ vừa nuôi con. Tham lam, cùng nhau đi, nhìn bầy con tan tác thế sao đành”. Chị Tính thở dài “Nhưng chạy chợ buôn rau dưa hoa quả bây giờ không ăn thua nữa cô ơi. Người ta mở mấy cái siêu thị to đùng đầu làng rồi, mất hết khách. Đương còn sức, đi mấy năm dành dụm tiền mang về, cũng là để cho con”.

Còn nhớ năm đầu tiên tôi từ châu Âu về ăn Tết Việt, con Bống nằng nặc mời xuống xem cái nhà ba tầng nó cất lên hoành tráng giữa chợ làng. Xuống mà ngỡ ngàng, quy mô buôn bán của vợ chồng nó không chỉ trái cây rau dưa nữa mà còn sắm mấy cái tủ đá bán bia hơi, phục vụ đá bào cho công nhân khu chế xuất ăn nhậu rào rào. “Mời cô lên từng trên xem, đây là phòng cho thằng Luân, kia là phòng con Ngân. Con Thắm còn bé vẫn ngủ chung với mẹ, lớn lên sẽ ngủ ở từng ba”, con Bống ngọng líu ngọng lô mời tôi tiếp tục “nhà tầng tour”. Ôi đến lạ cái nhà tầng hơn tỷ bạc của nó. Cầu thang gỗ, nền đá hoa mà chẳng có lấy một cái giường, cái bàn. Phòng nào cũng một đệm mút cáu bẩn nằm sóng xoài trên sàn, vài thùng carton đựng quần áo cả bẩn lẫn sạch úi xùi một xó. Con Bống cười hì hì “Thì cô tính, nhà cháu buôn bán đến chín mười giờ đêm mới hết khách. Rồi phải đợi nửa đêm rình được người ta về nhà ngủ để đến đòi nợ khách mua chịu. Ngả lưng một hai tiếng vợ chồng đã giục nhau dậy phóng xe ra chợ Long Biên cất hàng hoa quả buổi sớm. Có được ngủ đâu mà cần giường”.

Giờ thì đứa con gái út của Bống đang ngồi trước mặt tôi, người bé choắt và mềm oặt như dải khoai. Từ khi chào đời, nó ở viện nhiều hơn ở nhà, giờ mẹ lại đi xa, ngày cũng như đêm nó i ỉ khóc hành bà ngoại, bắt đền bà ngoại sao lại tách anh em nó ra. Kể cũng tội, anh chị em đang gắn bó, chẳng phải mồ côi mà bỗng tan đàn xẻ nghé.

Sáng Ba Mươi Tết tôi xuống chợ làng dưới tranh thủ mua thêm mấy mớ rau, nắm mùi già về đun nước tắm. Hai ba cái siêu thị quê bày bán từ bia lon bánh mứt kẹo xuất khẩu đến bánh nếp bánh tẻ người làng gói ký gửi đón lõng hết khách ngay từ đầu chợ. Công nhân các nhà máy ở huyện cũng là trai làng dừng xe máy mua sắm rào rào. Đi tiếp vào giữa chợ, ngôi nhà ba tầng của Bống trông đã nhàn nhạt màu sơn. Không còn những tủ đá và bom bia hơi trào ra thứ mùi cay cay  lâng lâng say nữa. Trước cửa nhà, mẹ chồng Bống ngồi buồn thiu đuổi ruồi bu đen trên cái mẹt bày mấy trái cam ủng, mớ cải héo.

Đến cuối chợ mua mớ xu hào tôi bỗng nghe tiếng chào hỏi đon đả “Cháu chào bà trẻ. Bà đi chợ ạ?”. Con Ngân đang lấp ló sau gốc đào lớn. Tôi ngẩn người, con bé mới mười một tuổi mà ra dáng thiếu nữ lắm rồi, má căng tròn đỏ ửng lên vì nắng, mắt đen láy, tóc dày dài bóng mượt vấn vít bờ vai. “Sao không về nhà, đứng đó làm gì? Anh Luân đâu?”, “Anh ấy đi chơi điện tử từ sớm rồi. Cho cháu theo bà lên làng trên chơi với em Thắm nhé”. Ừ, bà cháu mình cùng đi. Đi được một đoạn, tôi hỏi “Ngân, sao cứ la cà ngoài đường thế?” “Cháu sợ ở nhà lắm. Bao nhiêu sữa tươi, quần áo mới mẹ cháu gửi tiền về để bà nội mua cho chúng cháu dùng thì các anh chị con nhà chú bác giành uống hết, mặc hết. Cháu mách bà nội thế nào cũng bị các anh chị ấy cho ăn đòn thù”...

Chiều Ba Mươi Tết sầm sập đến. Làng xóm không còn cái kiểu bận đồng áng đến mấy vẫn dành hẳn cả ngày cuối năm để rửa lá dong đãi gạo nếp bắc nồi luộc bánh chưng, í ới gọi nhau mổ lợn giã giò kí cốp như xưa. Nay thanh niên ai cũng lên đời công nhân, tan ca vội vã rẽ vào siêu thị mua sẵn mấy cái bánh chưng, vài hộp kẹo. Nhanh nhanh cho xong cái Tết. Bác Thuần quần xắn móng lợn đem biếu mẹ tôi lít rượu nếp tự tay nấu lấy. Ngồi chưa ấm chỗ bác đã đòi về tranh thủ tát mấy chục gầu nước ruộng mạ “Năm nay nắng nhiều, mạ già sớm, chắc Mùng Hai Tết ra đồng cấy rồi”, “Bác bảy mươi tuổi còn cấy hái làm gì cho mệt. Nhà vừa có con dâu mới, bảo nó làm cho”. Nghe mẹ tôi hỏi, bác Thuần bĩu môi “Nó sắp đi lao động Nam Phi rồi. Bây giờ có đứa nào chịu làm ruộng. Tôi là nông dân cứ phải chắc chân mấy sào ruộng, không bỏ được”.

Tiễn bác Thuần ra cổng, mẹ tôi quay lại giục đun nước mổ gà đãi bà cháu chị Tính bữa ăn cuối năm. Hai bà cháu ríu rít đun nước lá mùi tắm táp sạch sẽ. Cái Bống gọi điện về dặn mẹ phải mặc quần áo mới cho con Thắm rồi đưa nó về bên nội đoàn tụ cùng anh chị đón Tết. Con Thắm nghe vậy sướng rơn, gọi dạ bảo vâng, loáng cái ăn xong bát miến gà rồi bá cổ bà cõng về nhà ăn Tết. Đêm ấy bà ngoại nó cũng về lại căn nhà nhỏ mới dành dụm được tiền cất lên ở đầu làng. Qua giao thừa, tôi phân vân nghĩ hết pháo hoa rồi đi ngủ chắc con Thắm không khóc đòi mẹ đâu nhỉ? Nhưng nhỡ nó khóc, con Ngân liệu có biết hát ru em? Hát thì hát vậy chứ chúng nó biết mẹ chưa về không phải vì đi cấy đồng xa. Mẹ đang còng lưng bên lò nấu sắt trong nhà máy ở tận Đài Loan, xa xôi lắm Tết này không về. 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.