> Ngân hàng cung ứng đủ tiền lẻ dịp Tết?
> Người Việt giàu nhất ở… thế giới bên kia
Kho ngân hàng “đầy ắp” tiền lẻ
“Kho ngân hàng hiện đầy ắp tiền lẻ chỉ qua mỗi lần lưu thông tại chùa chiền” - Thông tin được Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay chiều qua 11-1. Phó Thống đốc Tú khẳng định, việc sử dụng tiền lẻ đi lễ chùa là một tập quán tâm linh tốt đẹp của người dân.
Tuy nhiên tập tục này chủ yếu ở miền Bắc và đôi khi dẫn đến lãng phí. Đơn cử: Dịp “Tết đến, xuân về”, nhu cầu dùng tiền lẻ rất cao. Chỉ riêng một chùa nằm trong hệ thống Chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội), sau Tết năm ngoái đã có tới 6 tỷ tiền lẻ trong đó đa phần là mệnh giá 500 đồng.
Ngân hàng Nông nghiệp ở Hoài Đức phải đưa cả bộ máy đếm tiền vào đếm tiền, đi lại vận chuyển rất vất vả. Đáng lưu ý là số tiền này chỉ được sử dụng một lần rồi lại cất vào trong kho.
“Năm nào khi thu tiền về, chúng tôi cũng cố gắng đưa ra lưu thông nhưng hiện nay tại các thành phố lớn, các siêu thị, trung tâm thương mại họ ngại dùng mà thay vào đó toàn trả bằng kẹo. Việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ chỉ còn chủ yếu trong phía Nam do người dân trong đó còn hay sử dụng qua cầu, phà. Điều này dẫn đến còn tồn kho một lượng tiền lẻ mệnh giá thấp rất lớn và rất lãng phí”- ông Tú cho hay.
Liên quan đến nhu cầu tiền lẻ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ này, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trước thói quen sử dụng tiền mới để lì xì trong dịp Tết Nguyên đán của người dân, NHNN sẽ đưa ra một lượng tiền mới nhất định trên cơ sở doanh số thu - chi tiền mặt của từng chi nhánh.
“NHNN chủ trương sẽ cung cấp đủ tiền các mệnh giá vào nền kinh tế. Tuy nhiên năm nay do khó khăn của nền kinh tế, chúng ta sẽ gần như không phát hành thêm tiền lẻ mệnh giá thấp”.
Phó Thống đốc Tú nói đồng thời cung cấp thêm thông tin: “Chi phí in ấn vì mỗi đồng tiền mệnh giá 500 đồng (tiền cotton) in hết khoảng 1.000 đồng do giấy in, mực in đều nhập ngoại. Mức này chỉ thấp hơn chi phí in mệnh giá 5.000 đồng không đáng kể, trong khi đồng tiền kia được sử dụng rất hiệu quả. Như vậy, đó thực sự là một sự lãng phí lớn”.
9 ngày nghỉ - ATM có “cháy”?
“So với các năm trước, những năm gần đây, tiền mặt phục vụ Tết đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng về cơ cấu… Đến nay, lượng tiền mặt rất dồi dào, đủ tất cả các cơ cấu mệnh giá, đáp ứng đủ tiền cho dân chúng. NHNN sẽ cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông (không phân biệt tiền cũ, tiền mới) - ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ NHNN cho biết.
Cũng theo ông Thành, trước mắt, do nhu cầu thanh toán tăng đột biến vào những ngày áp Tết, NHNN đã ưu tiên điều chuyển tiền đến các tỉnh, thành phố lớn có mức thu - chi tiền mặt cao và tập trung nhiều các máy ATM như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…
Năm nay do tình hình chung, kinh tế khó khăn nên sử dụng tiền mặt chưa sôi động lắm. Nhưng dứt khoát trước Tết vài tuần, chắc chắn nhu cầu sẽ nhiều. NHNN đã đảm bảo các phương án dự phòng, dù tình huống nào cũng đáp ứng đầy đủ.
“Với 9 ngày nghỉ, chúng tôi tiên liệu nhu cầu ATM phải tích trữ rất nhiều, NHNN sẽ đáp ứng đầy đủ. Lượng tiền cho ATM thường mệnh giá lớn, vài trăm nghìn nhưng NHNN sẽ đảm bảo” - ông Thành nhấn mạnh.
Vị đại diện NHNN này cũng cho hay tiền in ra luôn trên cơ sở tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng đã tính toán để in lượng tiền mới nhất định và được phân bổ cho các nơi, đơn vị hợp lý.
“NHNN hiện đang quản lý một nhà máy in tiền quốc gia, và nhà máy này đủ sức in tiền tất cả các mệnh giá. 2 năm gần đây Việt Nam vẫn độc lập trong việc in tiền. Sắp tới, Chính phủ có thể cho mở rộng Dự án lớn xây dựng thêm một nhà máy đầu tư ở Láng Hòa Lạc (Hà Nội) để in tiền”- ông Thành nói.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: “Tiền mệnh giá thấp mới sử dụng vào nhà chùa một lần rồi lại quay trở ra kho ngân hàng rất lãng phí. NHNN mong người dân nên thay đổi văn hóa lễ chùa dùng nhiều tiền lẻ đặt ở khắp mọi nơi. Thay vào đó, có thể để tiền mệnh giá lớn hơn vào hòm công đức”. |