Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc Nghệ An nhận xét rằng: "Quan trọng nhất là ngày 30, mùng Một, nhưng vui lại là ngày mùng Hai, ngày con gái về bên ngoại. Năm nào không được về quê (dù là quê mình hay quê bạn) coi như không có tết. Thế mới biết linh hồn Tết ở nông thôn! Nhà thờ, đền chùa, họ hàng...đều tập trung tại quê. Vì thế, ở quê vui, gần gũi, đùm bọc, sẻ chia hơn ở thành phố! Ngày tết ở quê mới có tiếng lợn kêu, gà oác oác. Về quê mới được sum họp họ hàng. Mọi tình thân của gia đình cũng được quy về một mối tại thôn quê".
Năm nay nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc không thể cập nhập mạng xã hội trong ngày đầu năm vì mạng điện thoại ở quê của cô rất chập chờn và bạn bè của cô chỉ nhìn thấy hình ảnh đồng ruộng đang lên xanh.
Nhà thơ Phan Huyền Thư rất đảm đang với công việc của một người dâu hiếu thảo còn nhà phê bình Trần Đình Sử thì bận rộn với rất nhiều học trò tới chúc Tết đầu xuân.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã kịp khai bút đầu xuân:
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Ta đang lên cơn sốt?
Chiều đông xối nắng hè
Trái đất đang nhào lộn
Hay Ông Giời ngủ mê?
Bao nhiêu con sông quê
Phơi đáy trong mùa lũ
Đến cả người bạn hiền
Cũng thoắt thành quỷ dữ ...
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc cũng khai bút với những câu thơ trong bài NHƯ CÁNH CHIM MÙA XUÂN:
Tinh khiết và bao dung
Mùa xuân vừa mang về điều giản dị ấy
Nhân loại được tạo ra từ những thứ giống như ban mai và bóng đêm
Song cũng có thể tất cả đã khởi nguồn từ mùa xuân.
Thời khắc của những luồng sinh khí của trí tuệ và lòng trắc ẩn
Cất lên bản tình ca cổ xưa.
Mỗi nhà văn nhà thơ một tâm trạng, nhiều người thậm chí không có một dòng tin mới trên trang cá nhân của mình nhưng không khí xuân vẫn tràn ngập đây đó trong tâm hồn các nhà văn Tết Kỷ Hợi.