Tết Độc lập ở làng Sen

Thuyết minh viên Nguyễn Thị Kim Thanh truyền tải câu chuyện gắn bó về cuộc đời của Bác qua những kỷ vật
Thuyết minh viên Nguyễn Thị Kim Thanh truyền tải câu chuyện gắn bó về cuộc đời của Bác qua những kỷ vật
TP - Mùa Thu năm nay, cả nước kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh 2/9 và tưởng nhớ 51 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già dân tộc đi về thế giới Người Hiền. “Hằng năm, dịp mừng Tết Độc lập, con cháu gia đình lại sum họp, nấu bữa cơm chung và thắp nén tâm nhang dâng lên Bác. Đó cũng là truyền thống gia đình tôi gìn giữ từ nhiều đời nay”, cụ Viện chia sẻ.

Thu đến, nhớ Bác khôn nguôi

Trong tà áo dài cánh sen thướt tha, mềm mại, thuyết minh viên Nguyễn Thị Kim Thanh giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng, sâu lắng truyền tải câu chuyện gắn bó về cuộc đời của Bác qua những kỷ vật. Chị là một trong những nữ hướng dẫn viên trẻ tuổi nhất kể chuyện Bác Hồ tại khu di tích Kim Liên. Cha chị vốn là một trong những người đầu tiên đi tìm tòi, nghiên cứu những kỷ vật gắn bó với Bác khi sinh ra và trưởng thành ở Kim Liên.

Từ ngày còn nhỏ, cô bé Thanh được người cha truyền dạy nhiều câu chuyện về cuộc đời của Bác. Có những đêm, chị cùng cha thức trắng để ghi chép những số liệu, thông tin liên quan đến Bác hay kỷ vật của Người còn lưu lại ở Khu di tích Kim Liên. Sự đam mê, “lửa nghề” của người cha như đã ngấm vào máu thịt của cô bé Thanh. Năm 25 tuổi, chị Thanh quyết định thi tuyển làm người thuyết minh tại Khu di tích Kim Liên. Vượt qua hàng trăm thí sinh, chị trúng tuyển, thực hiện được ước mơ ấp ủ của mình.

Tết Độc lập ở làng Sen ảnh 1

Ngôi nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nơi Bác từng có tuổi thơ gắn bó

Đến nay, hơn 10 năm gắn liền với công việc thuyết minh, chị Thanh dường như không nhớ nổi mình đã đón bao nhiêu đoàn khách tới thăm. Chỉ biết sự xúc động, những giọt nước mắt lăn trên gò má của du khách khi nghe những câu chuyện xúc động về Người là động lực để chị thêm yêu gắn bó với nghề. Chị kể chuyện về cuộc đời Bác và gia đình Bác bằng chất giọng xứ Nghệ nhẹ nhàng, lúc nâng như câu hát, lúc nhẹ như hơi thở, lúc nghẹn lại như kìm nén giọt nước mắt. “Cũng tại căn nhà nhỏ này, cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng bạn bè thường bàn luận thâu đêm về thơ văn, việc nước. Dù còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung được cha cho đứng bên cạnh. Vừa giúp cha lấy nước, thuốc… cậu bé Cung vừa lắng tai nghe những câu chuyện của các cụ thân sĩ. Cũng từ đó, tình yêu quê hương đất nước, khát vọng giải phóng dân tộc nhen nhóm trong tâm trí Người”, giọng chị rưng rưng.

Bao nhiêu năm theo đuổi nghề kể chuyện Bác Hồ, những trang sách, mẫu chuyện, kỷ vật hay những chi tiết nhỏ nhất gắn liền với cuộc đời Bác như ăn sâu vào trí óc, tâm khảm chị. Những câu chuyện của Bác đều khiến chị cảm động, để rồi mỗi lời nói chị phát ra để lại cảm xúc khó tả cho người nghe. Điều đặc biệt với nghề kể chuyện Bác Hồ là mỗi thế hệ đến đây lại có một bài thuyết minh với lời dẫn khác nhau. “Có những lần tôi kể chuyện cho các cựu thương binh trở về thăm quê Bác, họ bật khóc. Tôi cảm nhận được tình yêu của họ dành cho Bác sâu sắc đến nhường nào. Nhiều cựu binh mang trên mình thương tật của chiến tranh, có người mất đi một phần cơ thể nhưng vẫn lặn lội hàng ngàn km đến đây. Tâm nguyện của họ chỉ mong được một lần về thăm quê Bác”, chị Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ.

Nghe thuyết minh viên kể chuyện, ông Nguyễn Công Tráng (76 tuổi, tỉnh Hà Giang) đứng thẫn thờ, nhìn xung quanh ngôi nhà của Bác. Đây là lần thứ 2 về thăm Hoàng Trù, Làng Sen, nhưng cảm xúc vẫn lắng đọng, lâng lâng khó tả. “Tôi sức khỏe không được tốt, là thương binh, dù đường sá xa xôi nhưng vẫn cố gắng cùng con cháu trở về quê Bác một lần nữa. Đây cũng là tâm nguyện của tôi trước khi về bên kia thế giới. Trở lại làng Sen, nghe chuyện về Người tôi thấy tâm hồn mình như được soi rọi, thanh thản và tốt đẹp hơn”, ông Tráng xúc động nói.

Làng Sen tỏa nắng

Trên con đường dẫn vào Làng Sen xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) tràn ngập sắc đỏ của cờ và biểu ngữ. Hàng xà cừ xanh mát vươn mình trong nắng vàng chiều thu như vẫy chào du khách. Trong đoàn người về làng Sen, khuôn mặt ai nấy hiện lên nét vui tươi, phấn khởi như ngày Bác Hồ đọc lời Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào mùa Thu năm 1945.

Cũng vào những ngày này, người dân Kim Liên lại gác hết công việc, bày biện mâm cỗ làm giỗ Bác và ăn mừng Tết Độc lập. Mâm cỗ cũng chẳng phải cao lương mỹ vị, chỉ đơn giản là đĩa xôi gà, ít hoa quả là sản vật của quê hương được dâng lên Người với tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn. Hằng năm, mỗi dịp Quốc khánh, người già, người trẻ tại làng Sen lại rủ nhau nô nức dọn vệ sinh, trang hoàng lại nhà cửa, các tuyến đường, lỗi ngõ đón cái Tết lịch sử của dân tộc. Cờ đỏ, biểu ngữ được trang trí rợp các con đường, trong khu di tích, trước cổng mỗi ngôi nhà…

Tết Độc lập ở làng Sen ảnh 2

Ngôi nhà quê ngoại Làng Trù, nơi Bác cất tiếng khóc chào đời

Sống gần một thế kỷ, cụ Nguyễn Thị Viện (94 tuổi) đã chứng kiến lớp lớp thế hệ con cháu thành danh trên mảnh đất làng Sen từng nghèo khó, lam lũ. Cụ cũng như những lão làng ở đây, chỉ mong người dân quê mình dù rạng danh nơi đâu cũng khiêm tốn, bình dị như lối sống của Người. Những đứa trẻ từ nhỏ đã được ông bà, cha mẹ, giáo dục rèn luyện, noi gương Bác từ những điều hay, lẽ phải. Để rồi, khi trưởng thành, thế hệ trẻ có thể hiểu được những giá trị tốt đẹp trong lịch sử, biết ơn thế hệ cha ông ta đã phải đánh đổi bằng trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu cho nền hòa bình của dân tộc. “Mỗi mùa Thu đến lại nhớ Bác khôn nguôi, người dân chúng tôi tự hào khi được sống trên mảnh đất nơi Người sinh ra. Hằng năm, dịp mừng Tết Độc lập, con cháu gia đình lại sum họp về nhà, nấu bữa cơm chung và thắp nén tâm nhang dâng lên Bác. Đó cũng là truyền thống gia đình tôi gìn giữ từ nhiều đời nay”, cụ Viện chia sẻ.

Thu đến, hàng cây cổ thụ nơi làng Sen ngả vàng, những bông sen cuối mùa vẫn kiên nhẫn tỏa hương trong nắng vàng rực rỡ. Từng dòng người nối bước nhau trên tay nâng niu những bó hoa tươi dâng Bác với lòng biết ơn vô hạn. Quê Bác bình dị như bao miền quê khác trên đất nước Việt. Nơi đó có những mái nhà tranh dưới lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè cùng tiếng ru ầu ơ của mẹ. Có giếng Cốc, cây đa và đặc biệt ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nơi gắn bó với tuổi thơ của Bác vẫn còn nguyên vẹn sau bao thăng trầm lịch sử.

Căn nhà nơi Bác từng sống rất đơn sơ, bình dị nằm khép mình bên hàng rào hoa râm bụt xanh tươi. Mảnh đất Kim Liên đã nuôi dưỡng, hình thành nên tư tưởng yêu nước, thương dân, ý chí giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành thời niên thiếu. Ngôi nhà là món quà dân làng tặng cụ Nguyễn Sinh Sắc sau khi đậu Phó bảng ở Khoa thi hội Tân Sửu (1901).

“Có những lần tôi kể chuyện cho các cựu thương binh trở về thăm quê Bác, họ bật khóc. Tôi cảm nhận được tình yêu của họ dành cho Bác sâu sắc đến nhường nào. Nhiều cựu binh mang trên mình thương tật của chiến tranh, có người mất đi một phần cơ thể nhưng vẫn lặn lội hàng ngàn km đến đây. Tâm nguyện của họ chỉ mong được một lần về thăm quê Bác”.
 Chị Nguyễn Thị Kim Thanh

MỚI - NÓNG