Nếu nhìn vào lịch sử ngành công nghiệp xe hơi Mỹ, có thể thấy 50 năm qua là thời gian để các hãng xe hàng đầu trong ngành như Ford, GM, Chrysler khẳng định tên tuổi. Khi đó, các hãng xe là những công ty nắm vững kỹ thuật sản xuất, các công ty mới gần như không thể tham gia vào thị trường.
Nhưng tới những năm 70, Toyota và Honda với triết lý làm ra những chiếc xe bền hơn, đáng tin cậy hơn, thị trường ô tô Mỹ đã có sự thay đổi. Ông Bob Lutz, cựu giám đốc điều hành GM, Ford đã trả lời trên trang Insider rằng: “Chúng tôi đã phải thiết lập lại hệ thống sản xuất theo phương pháp luận của Toyota”.
Những thương hiệu xe bị coi là “kém bền” hơn như Renault, Sterling đã phải chật vật để giữ vị trí trên thị trường. Các thương hiệu sau đó như Hyundai đã phải nâng chính sách bảo hành lên 100.000 dặm để chứng minh với khách hàng rằng xe của họ đã bền hơn.
Thế nhưng với Tesla, mọi chuyện đang diễn ra một cách ngược lại. Điều này có nghĩa là chất lượng và độ tin cậy của xe kém không phải là lý do khiến khách hàng không chấp nhận một sản phẩm. Thực tế thì từ lâu nay, nhiều nhà sản xuất ô tô điện đã không làm theo triết lý sản xuất xe của Toyota. Có thể họ phụ thuộc khá nhiều vào tự động hóa, hoặc việc hậu kiểm chiếc xe được thực hiện gấp hơn để tăng sản lượng.
Tuy nhiên với trường hợp của Tesla, hãng xe này lại liên tục tăng doanh số bán hàng, đồng thời điểm số về mức độ hài lòng của chủ xe cũng đứng đầu trong ngành ô tô. Ngược lại, điểm số trong khảo sát về chất lượng và độ uy tín của Tesla theo khảo sát của Consumer Reports lại thấp hơn nhiều đối thủ.
Theo ông Ed Kim, Phó chủ tịch của AutoPacific: Vẫn có những hãng xe thành công với những mẫu xe được chế tạo kém, nhưng chưa có hãng nào duy trì được thành công một cách ổn định như Tesla.
Như vậy, triết lý: “Chất lượng là vua” đã bị vượt qua bằng công nghệ tiên tiến và truyền cảm hứng cho các khách hàng sau đó đổi lại sự trung thành của họ. Tesla đã làm điều này bằng cách đi đầu ngành trong việc cập nhật cho ô tô từ xa, không dây hay sử dụng một màn hình lớn để kiểm soát mọi cài đặt chức năng, hoặc hỗ trợ tự lái.
Tesla model 3 chỉ dùng 1 màn hình duy nhất để hiển thị mọi thông tin, điều chỉnh mọi cài đặt của xe. |
Những chức năng thường được coi là “râu ria” đã được khách hàng đánh giá cao hơn các tiêu chuẩn thông thường của một chiếc xe như hiệu năng động cơ, cảm giác lái...
Bên cạnh đó Tesla còn sở hữu một tài sản vô hình khác là Elon Musk, một nhân vật không chỉ là CEO còn là đại sứ cho thông điệp thúc đẩy năng lượng sạch thay cho tối đa hóa lợi nhuận. Nhờ vậy khi khách hàng mua xe Tesla, họ cảm thấy rằng mình không chỉ sở hữu ô tô, họ coi rằng mình đang tham gia việc thúc đẩy công nghệ mới, bảo vệ môi trường.
Nhưng điều Tesla đang làm được không phải là không có vấn đề. Không có gì đảm bảo tình cảm của khách hàng với thương hiệu này sẽ lâu dài hay không. Chưa kể đến việc trong vài năm tới, sẽ có nhiều thương hiệu xe điện mới, nhiều hãng xe xăng tham gia làm xe điện. Khi đó khách hàng còn chấp nhận những lỗi của xe Tesla hay không?
Các hãng như Audi, Jaguar, Chevrolet đã bắt đầu làm xe điện nhưng họ vẫn chưa có được sự thành công như Tesla. Có thể về lâu dài, Tesla sẽ có thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm sản xuất, khách hàng của họ sẽ gặp ít vấn đề hơn. Trang Insider cho rằng để duy trì vị trí của mình trong ngành xe điện, Tesla chỉ cần giữ được CEO hiện nay để khách hàng tin tưởng, kết hợp với việc tiếp tục đưa ra nhiều sáng tạo mới trong công nghệ ô tô.