Tên phố có chú giải ở Hà Nội: Lẽ ra phải làm từ lâu

Phố Lê Thạch Ảnh: Hồng Vĩnh
Phố Lê Thạch Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Một bạn đọc Tiền Phong đã thốt như vậy “Lẽ ra phải làm lâu rồi mới đúng” - với việc Hà Nội đang tiến hành gắn biển phụ tên phố trên đó chú giải tiểu sử, công trạng của danh nhân, lịch sử của địa danh...

> Biển phố Hà Nội, hơn một dòng tên

Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội (ảnh) giải đáp thêm về nét mới này của Thủ đô.

Phố Lê Thạch Ảnh: Hồng Vĩnh
Phố Lê Thạch. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Những ngày qua, người dân Hà Nội tỏ ra quan tâm việc một số biển tên phố có chú giải công trạng của danh nhân, lịch sử văn hóa của địa danh. Việc này mới chỉ ở giai đoạn thí điểm, thưa ông?

Việc chú giải diễn ra ở 30 tuyến phố thuộc các quận trên địa bàn Hà Nội, không phải là 10 phố và chỉ thuộc quận Hoàn Kiếm như một số báo đã đưa. Sau khi thí điểm 30 phố sẽ rút kinh nghiệm, điều chỉnh và làm tiếp, mục tiêu là làm ở tất cả các phố.

Có biển chú giải tên phố nhưng có biển lại là tên đường, chẳng hạn không phải là phố mà là đường Điện Biên Phủ?

Phố hoặc đường căn cứ vào tên mà Hội đồng nhân dân đặt. Ví dụ phố Lý Thường Kiệt nhưng đường Liễu Giai, là do qui định trước đó của thành phố.

Được biết FPT là đơn vị thực hiện dự án này. Vì sao lại FPT mà không phải đơn vị khác, hoặc chính Sở VHTTDL Hà Nội đứng ra?

Hiện FPT đang xin làm thí điểm, là đơn vị bỏ tiền, còn Sở là một trong những cơ quan tham mưu. Chủ trương của thành phố là tuyên truyền giới thiệu lịch sử tên đường, tên phố, tên công trình công cộng để nhân dân hiểu biết thêm. Chủ trương này Hội đồng nhân dân thành phố và Thành ủy đã có từ lâu.

Với xu hướng xã hội hóa văn hóa, giáo dục, y tế, việc FPT đứng ra trực tiếp thực hiện là hợp lý thôi. Kinh phí, ngân sách của thành phố không thể làm được tất cả các việc, đã từng làm những việc như đặt tên, viết tờ rơi, giới thiệu về các phố trên đài phát thanh và truyền hình, còn những việc khác thì kêu gọi tất cả các đơn vị tham gia.

TPHCM cũng từng có đợt dạy “dân ta biết sử ta” trên đường phố nhưng chưa thường xuyên?

TPHCM cũng làm nhưng làm cách khác. Họ in băng rôn và tờ phướn giới thiệu tên đường phố ở một số điểm. Hà Nội thì làm theo cách: gắn biển phụ giới thiệu về phố ấy, và có ý nghĩa lâu dài hơn, không chỉ tuyên truyền nhất thời trên băng rôn.

Biển phụ này nhằm mục đích nói ngắn gọn nhất về lịch sử, ý nghĩa của tên đường phố. Theo qui định của nhà nước, tên đường phố là do Hội đồng nhân dân thông qua và Sở Giao thông vận tải- trước kia là Sở Giao thông công chính, gắn biển. Bây giờ các cơ quan khác làm cái việc giới thiệu kỹ về tên đường phố, về lịch sử, văn hóa để người dân hiểu.

Việc giới thiệu lịch sử, văn hóa của từng phố đã được những cơ quan thuộc thành phố như báo Hà Nội Mới, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội và của từng phường làm nhưng rõ ràng hạn chế hơn, nay gắn biển phụ cũng là một cách và cách nào tốt thì làm.

Ông Phạm Quang Long
Ông Phạm Quang Long.

Qui chuẩn của việc chú giải này thưa ông? Ví dụ có danh nhân đề năm mất, có người không?

Một hội đồng tư vấn của thành phố đã được lập ra để xem xét về nội dung, kích thước, qui cách chú giải các biển tên phố. Quá trình thử nghiệm 30 đường phố này, vừa làm vừa chọn phương án tốt nhất, có thể có chỗ này chỗ kia chưa hoàn toàn chuẩn thì vừa làm vừa điều chỉnh, và sẽ điều chỉnh đấy.

Hội đồng tư vấn gồm một số nhà quản lý trong lĩnh vực giao thông, ví dụ Sở Giao thông vận tải; một số nhà quản lý văn hóa, ví dụ Sở VHTTDL; một số nhà khoa học, chuyên gia, một số đại diện cơ quan quản lý công quyền như Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Hội đồng nhân dân thành phố...

Vậy là Hà Nội sẽ chú giải tất cả các phố lớn nhỏ, tên đất tên người? Với những đại danh thì có lẽ dễ dàng, còn những phố mang tên những người không nhiều người biết- chẳng hạn liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ?

Sau việc rút kinh nghiệm qua 30 phố, sẽ cố gắng chú giải tất cả các tên phố, cả danh nhân, địa danh.

Mỗi tên phố ở Hà Nội gắn với một ý nghĩa văn hóa lịch sử, vậy phải làm sao ý nghĩa văn hóa lịch sử ấy đến với mọi người. Và cũng không hy vọng thông tin đầy đủ đâu nhưng tôi nghĩ việc này kích thích người ta. Những người đã hiểu sẽ tìm hiểu kỹ hơn. Những người chưa biết sẽ biết một số thông tin, và có ham muốn biết nhiều hơn.

Tên phố có chú giải ở Hà Nội: Lẽ ra phải làm từ lâu ảnh 3

Nhiều người thích thú với chủ trương này, vấn đề là chú thích thế nào cho hay. Ví dụ có ý kiến cho rằng với một số danh nhân từng có lập ngôn lừng lẫy như Trần Bình Trọng chẳng hạn thì có thể đưa cả lập ngôn ấy vào tên biển?

Đấy cũng là một cách. Đang giai đoạn thí điểm mà, sẽ tìm cách. Giống như từ điển ấy, có từ điển danh ngôn, từ điển tiểu sử, từ điển công trạng…với mục tiêu khác nhau. Chỉ có từ điển tường giải và từ điển bách khoa mới giải thích tất cả.

Tên phố không đặt mục tiêu từ điển bách khoa hay tường giải nhưng cũng phải hướng đến nội dung làm sao thông tin ngắn nhất nhưng phải được những điều cơ bản nhất, đáng nhớ nhất, đầy đủ nhất về đối tượng ấy, nhân vật ấy, đường phố ấy, lịch sử ấy.

Ông nhận được phản hồi thế nào về việc này?

Mọi người đều tán thành. Có người hoan nghênh và hoàn toàn không có ý kiến gì, có người bảo cần điều chỉnh và tôi cũng thấy thế. Ví dụ phố Điện Biên Phủ ghi đây là một địa danh thuộc tỉnh Lai Châu, nơi diễn ra chiến tranh trong thời kỳ chống Pháp. Nhưng tỉnh Lai Châu nay đã chia thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, và Điện Biên Phủ hiện thuộc Điện Biên chứ không phải thuộc Lai Châu, nên phải điều chỉnh.

Còn thông tin thứ hai không hề sai nhưng có những người muốn biết Điện Biên Phủ như một địa danh mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc thì sẽ phải chú dẫn kiểu khác. Hội đồng sẽ phải xem xét sau khi thí điểm, điều chỉnh chỗ này chỗ kia.

Một việc nhận được sự đồng thuận cao, chắc không mấy khó khăn?

Có chứ. Chỉ vài thông tin ngắn, phải chọn cái gì tiêu biểu nhất, hiệu quả nhất, hay nhất (hay ở đây là chất liệu thông tin) mà lại thỏa mãn được nhiều người nhất, thì tất nhiên là khó.

Cảm ơn ông.

“Ý tưởng hay dù muộn”

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, vừa qua đời được ít ngày, từng kịp phát biểu về vấn đề này trên một báo mạng, đại ý: Trước giờ ta vẫn nói về việc vinh danh tiền nhân, nhưng vẫn thiếu sót, nay đã đến lúc phải sửa.

Đây là ý tưởng hay, mà cũng không cần nhiều đâu, mỗi biển chỉ cần 2- 3 dòng, ví dụ “Tô Hiến Thành là danh nhân đời Lý, đã có công bảo vệ biên giới…” để người dân ít ra của phố ấy người ta còn biết mà tự hào.

 

“Không có khái niệm về Nguyễn Xí và Lê Thạch”

Tên phố Hà Nội có nhiều điểm thú vị, chẳng hạn các vị anh hùng liên quan đến nhau, cùng thời với nhau thì nhất định được “ở” gần nhau: Yết Kiêu- Dã Tượng; Trần Quang Khải- Trần Nhật Duật; Lê Thái Tổ- Lê Lai- Lê Thạch…vân vân.

Dạo qua một vòng, thấy một số biển tên phố khá ngắn gọn đủ ý: “Phan Chu Trinh (1872-1926), chí sĩ yêu nước, người mở đầu cho phong trào Duy Tân (có thể bỏ chữ “cho”), sáng tác nhiều thơ văn yêu nước”. Biển phố Lê Lai ghi: “Danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đã hy sinh để cứu chủ tướng Lê Lợi” (có thể bỏ chữ “đã”). Biển phố Lê Thạch song song phố Lê Lai: “Danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từng đánh thắng Mã Kỳ ở Nga Lạc”.

Chi tiết thứ hai chắc chắn không nhiều người biết. Một bạn gái phát biểu trên một clip khi được phỏng vấn: “Lê Thạch ạ? Em chưa nắm được”. Một nam thanh niên thì nói về Nguyễn Xí “em chưa có thông tin”. Rõ ràng việc chú giải tên đường phố ở Thủ đô là việc “lẽ ra phải làm từ lâu”. Một số du khách nước ngoài cũng kiến nghị có dòng tiếng Anh, vì họ “thực sự quan tâm đến lịch sử và văn hóa của thành phố này”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.