Chiếc Cát-sét oan nghiệt
Hồ sơ vụ án thể hiện: Vợ chồng anh Cao Hữu Xăm mở quán bán nước tại nhà ở thôn Ngọc Liễn, xã Đại Hà, huyện Đồ Sơn. Để hút khách đến quán, anh Xăm có tậu chiếc cát-sét 6060 để vừa nghe đài, vừa nghe nhạc. Vào thời điểm năm 1983, chiếc cát-sét trên là của hiếm, có giá khoảng 40.000 đồng (bằng cả một ngôi nhà hay một mảnh đất đẹp giá trị tới cả tỷ đồng như bây giờ). Bởi vậy, cứ tối đến mọi người quanh khu vực đến nhà anh Xăm uống nước và nghe đài trong không gian rất yên bình ở một vùng quê gần biển.
Cho đến 19h ngày 24-11-1983, bất chợt mấy người lạ bịt kín mặt lù lù xuất hiện trong quán nhà anh Xăm. Thấy điệu bộ bất thường của khách, vợ anh nhẹ nhàng mời họ vào nhà. Việc xoa dịu thái độ của những vị khách không mời mà vợ anh Xăm có nhã ý hoàn toàn có lý, bởi chúng đích thực là những tên cướp ghê gớm gồm: Vũ Ngọc Huy, sinh 1955; Nguyễn Dương Thẹ, sinh 1959; Nguyễn Dương Thọ và Nguyễn Văn Nguyên, sinh 1958, đều ở thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Đồ Sơn.
Mọi sự bắt đầu từ buổi sáng 24-11, khi Thọ và Nguyên đi Hải Phòng về, lúc ngang qua quán nước nhà anh Xăm, chúng thấy có chiếc cát-sét để ở bàn cạnh cửa sau nên về nói lại với Huy. Ý đồ ăn cướp nổi lên, Huy rủ Thọ và Nguyên, sau đó thêm Thẹ cùng đi ăn cướp chiếc cát-sét trên về bán lấy tiền ăn chơi. Ngay chiều hôm đó, chúng tập trung tại nhà Huy ăn cơm và chuẩn bị hành động. Thọ đưa cho Huy khẩu súng K.54 và 7 viên đạn. Huy đưa con lê 5 tác dụng cho Thẹ. Nguyên cầm chiếc kéo thợ may, Thọ dắt theo lê AK. Huy phân công: Thọ và Nguyên vào cửa chính, Thẹ và Huy vào cửa sau cướp tài sản. Chúng thống nhất: bằng mọi giá phải lấy được chiếc cát-sét.
Khi được gia chủ mời vào nhà, Thọ và Nguyên dớm dớ ở cửa chính nhằm đánh lạc hướng, còn tên Huy vừa cầm súng vừa giật chiếc cát-sét đưa cho Thẹ. Lúc này trong quán nhà anh Xăm rất đông người nên Huy nổ súng chỉ thiên hăm dọa. Sau khi cầm được cát-sét, Thẹ chạy trước, Huy, Thọ và Nguyên lần lượt theo sau. Căm phẫn trước hành vi trắng trợn của bọn cướp, anh Xăm cùng nhiều người bất chấp nguy hiểm đuổi theo chúng. Khi đến bờ mương cống Ngọc Liên, anh Xăm túm được tên Nguyên và cả hai lăn xuống mương. Lập tức Huy và Thọ quay lại giải cứu.
Huy rút súng bắn vào hông anh Xăm. Còn tên Thọ vung lê đâm nhiều nhát vào ngực làm anh Xăm gục xuống. Nghe tiếng súng nổ, tiếng la hét, nhiều người dân quanh đó đổ ra truy đuổi theo. Tên Huy liền dùng súng bắn lại mọi người cho đến khi hết đạn thì bị nhân dân bắt giữ; những tên còn lại đã chạy thoát. Riêng tên Thẹ sau khi gây án đã trốn vào miền Nam, sau đó tiếp tục phạm tội và cho đến ngày 10-5-1984 thì bị bắt. Sau đó, TAND TP đã xử phạt Vũ Ngọc Huy tù chung thân về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Tàng trữ vũ khí”, Nguyễn Dương Thẹ 16 năm tù về tội “Cướp tài sản”
Nạn nhân Cao Hữu Xăm được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do bị trọng thương nên đến 22h ngày 26-11-1983 đã chết. Vết thương do tên Thọ đâm vào vùng ngực anh Xăm đã quyết định sự chết của nạn nhân, còn vết thương do tên Huy bắn vào hông làm thủng vỡ xương chậu cũng là vết thương nguy hiểm khiến nạn nhân chết nhanh hơn. Đại tá Đào Đình Hưng cứ nhớ mãi ánh mắt của anh Xăm trước khi chết, khi anh thều thào nói về tên cướp bị anh tóm được lăn xuống mương, dù hắn có bịt kín mặt nhưng anh vẫn thấy hắn chột một mắt, người thấp bé, da đen…
Chuyên án 514G
Quả nhiên, sau khi bắt được Huy và Thẹ, chúng đã khai ra trong nhóm cướp có Nguyễn Văn Nguyên - kẻ bị chột mắt vì bị cò mổ. Có điều, sau khi gây án, Nguyên bỏ trốn biệt tích, còn gia đình hắn sau đó chuyển hết ra tỉnh Quảng Ninh sinh sống. Đại tá Hưng và các trinh sát hình sự ngày đó cũng đã lần theo dấu vết Nguyên nhưng chỉ đến thị xã Cẩm Phả thì đứt dấu. 31 năm đã trôi qua, dù đã trải qua nhiều cương vị công tác nhưng trong tâm trí đại tá Hưng vẫn còn nhớ mãi vụ án năm nao, vẫn còn trong ông canh cánh như một món nợ về việc chưa bắt được những tên cướp còn lại đang bỏ trốn. Chắp nối lại các dòng thông tin đã bị đứt quãng từ những năm xa xưa, thu thập thêm thông tin về Nguyễn Văn Nguyên và những quan hệ của hắn, ngày 4-5-2014, ông cùng BCH Phòng PC52 quyết định xác lập chuyên án 514G.
Bản án kết tội đồng bọn của Nguyên đã mờ nhòe theo thời gian
Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, rất thông thạo vi tính và địa bàn Cẩm Phả, hai trinh sát trẻ thiếu úy Phạm Đức Công và Đoàn Mạnh Cường được Ban chuyên án tung đi Quảng Ninh làm nhiệm vụ “phát quang” những bụi rậm đã che phủ mọi thông tin về “tên cướp chột mắt” 31 năm qua. Từ thông tin Nguyên sau khi gây án bỏ trốn ra Cẩm Phả đã đổi tên là Núi, vào học tại Trường công nhân kỹ thuật mỏ Q., trinh sát đã rà danh sách học viên từ năm 1983-1988, nhưng không có ai tên Núi và có độ tuổi của Nguyên. Muốn tìm ra manh mối Nguyên, cần phải dựa vào những quan hệ máu mủ ruột thịt, họ hàng của hắn. Lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Ban chuyên án, trinh sát đã tìm ra nơi cư trú của gia đình Nguyên năm xưa, đó là khu Cao Sơn, phường Cẩm Sơn, TP.Cẩm Phả ngày nay.
Tuy nhiên, mọi người trong gia đình Nguyên hiện giờ hầu như chẳng còn ai, cha mẹ, anh trai Nguyên đều đã chết; nghe nói chỉ còn người chị đã từng nuôi Nguyên ăn học tên là D. Việc truy tìm ra tung tích của bà D. là một kỳ tích đối với hai trinh sát trẻ. Họ lăn lộn, chịu khó đi chắp nối từng thông tin, kiên trì lần tìm đến từng người, luôn giữ thông tin với Ban chuyên án nhận chỉ đạo gỡ từng nút rối và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, giở hết “các bài” đã học trong trường, cuối cùng công sức của họ đã được đền đáp.
Trước kia, bà D. ở khu Thủy Sơn, sau đó mới ra khu Cao Sơn. Bà này làm công nhân ở Xí nghiệp mỏ đến năm 1993 thì nghỉ việc, quay ra buôn bán cá khô, mực khô. Chồng bà D. khi trước rất giỏi làm ăn, nuôi vợ và hai con trai, xây nhà cao cửa rộng. Cậy có của nên họ không quan hệ với ai, nhà lúc nào cũng cửa đóng then cài, do vậy hầu như hỏi người xung quanh nơi họ sinh sống không ai có thông tin gì khả dĩ giúp trinh sát tìm ra tung tích Nguyên.
Cũng vì cậy có của mà bà D. sa vào chơi lô đề, cờ bạc dẫn đến phá sản, chồng bà giận lắm nên cách đây 7 năm đã đâm đơn xin li dị. Do thời gian quá lâu, đúng là rất ít người biết Nguyên, nhưng khi mô tả về một người em của bà D. có đặc điểm chột mắt, thấp bé, da đen thì có vài người lớn tuổi sực nhớ “à” lên và cho biết: Năm 1983, Nguyên có ra đây vài lần, vào một buổi tối có gặp gỡ với bà D. thì thào chuyện gì đó. Bà này trong lúc sắp xếp hành lý cho em có đưa Nguyên 1 CMND mang tên Trần Văn Duy, sinh 1958, ĐKNKTT ở Thanh Miện, Hải Hưng.
Từ đó đến nay, mọi người không thấy Nguyên xuất hiện ở nhà bà D. nữa. Cách đây trên dưới chục năm, ba mẹ con bà D. có dắt díu nhau, nói đi miền Nam chơi, theo hành trình đến bến xe Đà Nẵng, rồi đi Tây Nguyên, đến khu vực nông trường 18 hay 19 gì đó; không biết có phải đi thăm Nguyên không? “Sớt” trên mạng, trinh sát biết đó là hai nông trường 718-719 ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắc Lắc.
(Còn nữa)
Theo Xuân Ngọc