Telehealth giúp bác sĩ không còn phải nói: Giá như…

Khám chữa bệnh từ xa đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh.
Khám chữa bệnh từ xa đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh.
Dịch COVID-19 rồi sẽ được khống chế trên bình diện toàn cầu, nhưng thói quen, hành vi của người dân đã và sẽ thay đổi. Với khám chữa bệnh từ xa tại Việt Nam với nền tảng Telehealth do Viettel phát triển có thể là một ví dụ.

“Tôi xem telehealth như một thần hộ mệnh cho bất cứ ai có một đứa trẻ cần được chăm sóc đặc biệt”, Bobbi Hook nói.

Bobbi Hook sống ở California. Bà có một cháu trai, Maurice – 13 tuổi, bị bại não. Nếu không có telehealth, Bobbi sẽ phải lái xe trong vòng 3h để đưa Maurice đến khoa thần kinh thuộc UC Davis Health. Maurice thường xuyên cần được bác sĩ chăm sóc để kiểm soát những cơn động kinh.

Bobbi luôn giữ khuôn mặt cười, mắt lấp lánh khi nói về telehealth. Bởi nó đã giúp cho Maurice, đứa trẻ được bà gọi là tình yêu lớn, được khoẻ mạnh.

Telehealth – khái niệm bao hàm các hoạt động y tế (truyền thông, đánh giá đo lường, chăm sóc sức khoẻ lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh) từ xa không phải là khái niệm mới trên toàn cầu. Ngay tại Việt Nam, telehealth cũng đã xuất hiện trên dưới 10 năm.

Tuy được nhìn nhận là rất cần thiết ở các nước đang phát triển, do thực trạng hạn chế tiếp cận cận dịch vụ y tế hay chi phí khám chữa bệnh đắt đỏ nhưng hình thức này vẫn chưa quá phổ cập, ngay cả ở những nước phát triển.

Andrea Green, bác sĩ nhi tại Trung tâm Y tế ĐH Vermont (Mỹ) cho biết chưa bao giờ sử dụng telehealth trước COVID-19. Phải đến khi hàng loạt phòng khám phải đóng cửa, người dân thực hiện giãn cách xã hội, các bác sĩ mới “cầu viện” đến hệ thống này.

Điều này có điểm giống và khác với Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, bệnh viện đã triển khai chính thức hệ thống khám chữa bệnh từ xa hôm 29/5. Nhưng điểm khác, hệ thống này là ấp ủ suốt thời gian dài của các bác sĩ, theo GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện. 6 tháng trước, chính các bác sĩ ở đây cũng không tin giấc mơ gần 20 năm của mình sẽ biến thành hiện thực nhanh như vậy.

Bác sĩ Lê Thanh Hải cho biết bệnh viện đã thai nghén, muốn xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa từ những năm 2000. “Đó là những ngày bệnh viện chỉ có điện thoại bàn để tư vấn”, ông kể.

Telehealth giúp bác sĩ không còn phải nói: Giá như… ảnh 1

Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị thứ hai triển khai Telehealth (hệ thống tư vấn, hỗ trợ khám chữa bệnh từ do) do Viettel Solutions phát triển

Tuy nhiên, vì nhiều lí do cả về công nghệ, tài chính lẫn chính sách, khám chữa bệnh từ xa vẫn là một giấc mơ xa. Kể cả giai đoạn 2017 – 2019, khi điều kiện cho phép hơn, việc khám chữa bệnh từ xa được tổ chức thường xuyên hơn thì bác sĩ Hải vẫn nói rằng “chất lượng âm thanh, hình ảnh chưa đạt yêu cầu” dù đã thử nghiệm nhiều đường truyền.

Bác sĩ Hải cho biết, việc triển khai hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa được khai trương hôm 29/5 có phần ủng hộ, hợp tác quan trọng của Viettel Solutions. Đây cũng là đơn vị cung cấp nền tảng Telehealth cho bệnh viện.

Bác sĩ Hải cho biết từ đầu năm, với sự hỗ trợ của Viettel thông qua hệ thống Telehealth, bệnh viện đã tiến hành hơn 20 cuộc hội chẩn từ xa, khoảng 20 lớp đào tạo. “Chúng tôi trực 24/24, luôn sẵn sàng kết nối với 28 bệnh viện cấp tỉnh, 18 bệnh viện cấp huyện và một số trung tâm y tế xã”, ông nói.

Các cấp độ hỗ trợ cũng tăng dần lên. Ví dụ trong 3 tiếng sáng ngày 29/5, các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ được cùng lúc 7 đơn vị, thậm chí cùng tham gia một ca mổ tim cách vài trăm km. Điều này trước kia là không tưởng vì hạn chế về công nghệ, kỹ thuật.

Hệ thống Telehealth của Viettel Solutions được ra mắt hồi tháng 4, khi Việt Nam đang trong tình trạng giãn cách toàn xã hội vì COVID-19. Nhưng CEO Viettel Solutions Nguyễn Mạnh Hổ cho biết dịch bệnh chỉ là yếu tố cộng lực để “đẩy” hệ thống ra thị trường.

Bản chất doanh nghiệp đã nhìn thấy sự cần thiết của ứng dụng công nghệ trong chăm sóc y tế cho người dân. Từ 5 năm trước, Viettel đã cùng các chuyên gia y tế nghiên cứu, phát triển Telehealth.

“Chất lượng hình ảnh phim chụp, dựng bằng mô hình 2D, 3D của chúng tôi tương đương với thế giới”, ông Hổ khẳng định. Ông cũng cho biết Viettel đang nghiên cứu, tìm cách để giảm chi phí các thiết bị trong khám chữa bệnh từ xa, giúp hệ thống được triển khai rộng khắp.

Bởi như bác sĩ Lê Thanh Hải nhận định, trang thiết bị là một trong những vấn đề khó khăn lớn, bên cạnh đường truyền dẫn đảm bảo. Với các bệnh viện tuyến trên có thể dễ dàng xử lý vấn đề này, tuy nhiên, tuyến dưới, đặc biệt các đơn vị vùng sâu, vùng xa, là một câu chuyện khác.

Hồi tháng 4, khi khai trương tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Telehealth sẽ được triển khai tại 14.000 cơ sở y tế trên cả nước.

Hậu dịch COVID-19, khám chữa bệnh từ xa chắc chắn sẽ trở thành phương tiện rất quan trọng trong y tế, bác sĩ Lê Thanh Hải nhận định.

Đặc biệt, trong tương lai, khi 5G phủ khắp thế giới và Việt Nam, khám chữa bệnh từ xa sẽ không chỉ dừng lại ở việc hội chẩn, cùng tham gia tư vấn trong ca mổ mà chính những bác sĩ đầu ngành, cách xa bệnh nhân hàng trăm, nghìn km, cũng có thể chính tay xử lý.

Còn ở hiện tại, Andrea Green cho biết các bác sĩ tại Trung tâm Y tế ĐH Vermont đã nhận ra Telehealth tuyệt vời như thế nào.

“Cha mẹ bọn trẻ không phải nghỉ làm để đưa con đến buổi khám. Những đứa trẻ dè dặt cảm thấy thoải mái hơn khi trả lời các câu hỏi về sức khoẻ tinh thần. Chúng lật máy quay lên trần nhà để che giấu sự bối rối khi cần thiết”, cô nói.

Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nhưng thói quen của người dân, bác sĩ đã thay đổi rất nhiều sau đó. Ngay cả với những người thừa nhận có một số hạn chế khi phải tương tác với chiếc màn hình cũng nói rằng, điều quan trọng nhất là bệnh nhân khỏi bệnh. Và với Telehealth, sẽ không còn những sự hối tiếc của bác sĩ khi ước rằng: Giá như tôi có mặt bên cạnh bệnh nhân sớm hơn.

MỚI - NÓNG