Các đối tượng gây án người nước ngoài và những chiếc xe chờ thuê trên đường Trần Khát Chân (An ninh Thủ đô). |
Lưu manh “tây”
Theo một cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, trong 3 tháng trở lại đây, đơn vị này và các Phòng Quản lý xuất nhập cảnh địa phương đã làm thủ tục buộc xuất cảnh đối với khá nhiều công dân ngoại quốc, chủ yếu đến từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, do hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản.
Dịp tháng 7 vừa qua, cơ quan này đã buộc xuất cảnh đối với 2 “ông tây” là Gheblehvardi Rasoul và Yazdan Manesh Yousef, quốc tịch Iran, do vi phạm pháp luật Việt Nam. Thủ đoạn của 2 “ông tây” này là đến một số cơ sở cho thuê xe ô tô tự lái, thuê chiếc “xịn” nhất rồi đi gây án. Địa điểm 2 “ông tây” chọn là xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm. Đầu tiên, họ vào một cửa hàng tạp hóa mua 2 chai nước suối. Lợi dụng sơ hở của người bán hàng, 2 “ông tây” đã tráo đổi được 1 triệu đồng.
Tiếp tục lên xe đến một cửa hàng tạp hóa cách đó khoảng vài chục mét, họ vào mua 2 vỉ pin dùng cho máy ảnh. Nghi ngờ hành vi của 2 vị khách “tây”, người chủ cửa hàng vừa bán pin, vừa nhìn chằm chằm vào thao tác đôi tay của khách và đã phát hiện 2 “ông tây” định tìm cách rút lõi 5 triệu đồng. Ngay lập tức, 2 “ông tây” bị người dân đưa đến cơ quan công an xử lý.
Hoạt động phạm tội chuyên nghiệp và có hệ thống phải kể đến nhóm các “ông tây” cũng mang quốc tịch Iran, gồm Majid Solati, 24 tuổi; Salemi Mortiza, 28 tuổi, và Ali Heidar, 42 tuổi. Sau thời gian khá dài lập chuyên án truy xét, Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Công an Hà Nội và Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khám phá được nhóm tội phạm ngoại này. Hầu hết các vụ việc nhóm 3 đối tượng trên đều thực hiện ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chúng thuê xe ô tô tự lái từ Hà Nội. Bị hại đầu tiên của nhóm đối tượng này là anh Dương Văn Bích, nhà ở xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên. Hôm đó, anh Bích đang cân hàng phế liệu trước cửa thì thấy một chiếc xe ô tô 4 chỗ màu xám sang trọng dừng đỗ trước cửa nhà.
Cửa kính bên ghế phụ được hạ xuống, và một khuôn mặt “tây” hiện ra, vẫy vợ anh Bích ra gần cửa xe rồi rút một nắm tiền cầm tay với ý đổi loại tiền 500.000 đồng. Thấy vậy, anh Bích bảo cậu con trai 15 tuổi tên Chung cầm chìa khóa lên nhà mở két sắt lấy tiền cho khách. Người đàn ông nước ngoài thấy vậy mở cửa xe đi theo. Khi két sắt vừa mở, cháu Chung lôi ra một tập tiền gồm nhiều mệnh giá khác nhau liền bị người nước ngoài giật loại tiền 500.000 đồng đút vào túi quần. Khi cháu Chung hô hoán, đối tượng này vơ tất cả số tiền trong két cho vào bụng rồi chạy xuống tầng 1. Bị nhiều người truy cản nhưng y vẫn kịp vùng chạy ra phía xe ô tô của đồng bọn chờ sẵn ở phía ngoài. Kiểm tra, anh Bích phát hiện số tiền bị mất khoảng 28 triệu đồng.
“Đau” không kém anh Bích là chị Nguyễn Thị Thức, chủ cửa hàng photocopy ở xã Đạo Đức, Bình Xuyên. Lần ấy, chị Thức gặp một người nước ngoài ngồi trong xe ô tô 4 chỗ bước ra, tay cầm một nắm tiền Việt mệnh giá 10.000, 20.000 đồng nói những câu lơ lớ: “Có 100.000, 200.000 không?”. Chị Thức hiểu họ đang cần đổi tiền chẵn liền quay vào nhà đổi giúp. Khi người phụ nữ vào nhà, tên này cũng đi theo. Vừa lục, hắn vừa khua chân, múa tay khiến chị Thức rối lên. Đúng lúc này, người hàng xóm sang chơi đã hô hoán. “Ông tây” lao ra phía ngoài ô tô của đồng bọn chờ sẵn. Khi định thần, chị Thức phát hiện mất 21 triệu đồng.
Vi phạm “tiếp tay” cho sai phạm
Không ít đối tượng thuê ô tô tự lái ở Hà Nội vào tận các tỉnh phía Nam để gây án. Hiện tượng này chúng tôi ghi nhận được qua tiếp xúc với một số cơ sở cho thuê ô tô tự lái ở đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng. Đơn cử như cơ sở cho thuê ô tô Lâm Anh (số 389 đường Trần Khát Chân) bị “dính” phải ông “tây” người Iran mang xe vào Đồng Nai để gây án. Văn phòng cho thuê ô tô tự lái Hưng Phúc (số 393 Trần Khát Chân), từng phải vào tận Sóc Trăng để nhận lại ô tô do khách “tây” vứt lại sau khi lừa đảo, tráo đổi tiền…
Một tâm lý phổ biến ở nhiều cơ sở cho thuê ô tô tự lái, là rất thích cho “tây” thuê xe. Như lý giải của chủ văn phòng Hưng Phúc, thì “khách Tây thuê xe thường đảm bảo, không đem xe ô tô đi thuê thế chấp hiệu cầm đồ. Thứ hai, cho “tây” thuê xe thường được giá hơn so với khách “ta”.
Cũng chính vì điều này mà nhiều cơ sở đã không biết, hoặc cố tình vi phạm những quy định của pháp luật trong trường hợp cho người nước ngoài thuê xe ô tô tự lái. Những cơ sở mà chúng tôi tiếp xúc cho biết, thường lần đầu tiên khi khách “tây” đến thuê xe, họ yêu cầu khách cho xem và photocopy hộ chiếu của khách. Có cửa hàng còn yêu cầu khách cho xem giấy phép lái xe quốc tế kèm bản dịch công chứng của Việt Nam. Và tất cả đều cho rằng, những giấy tờ đó là đủ để cho khách “tây” thuê xe. Khi đã trở nên quen thuộc, những lần thuê sau, khách “tây” chỉ cần đặt cọc, thế chấp là được giao xe.
Nhận xét về phương thức giao dịch đơn giản trên, chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội khẳng định, “chưa đủ các yêu cầu mà pháp luật đặt ra, và chưa đảm bảo yếu tố an toàn cho chính chủ cơ sở cho thuê ô tô tự lái”. Trước hết là hộ chiếu của khách. Việc khách “tây” chủ định dùng hộ chiếu giả để thuê xe ô tô tự lái là không khó; và các cơ sở cho thuê xe cũng chẳng có thiết bị, kỹ năng để nhận biết sự thật - giả của cuốn hộ chiếu khách đưa ra.
Đại diện Phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết, pháp luật đã quy định rất rõ đối với trường hợp người nước ngoài được phép lái xe ô tô tại Việt Nam. Khách du lịch nước ngoài vào du lịch Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc tế hay quốc gia (do nước ngoài cấp) còn giá trị sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe phải làm thủ tục xin đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam. Và chỉ khi đã có giấy phép lái xe do cơ quan chức năng Việt Nam cấp đổi, những vị khách “tây” mới được lái xe.
Lâu nay giao dịch của các cơ sở cho thuê xe ô tô tự lái đã vi phạm quy định của NĐ 34/CP, “giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông”. Vi phạm ấy, trong chừng mực nào đó, đã tiếp tay cho tội phạm nước ngoài nói riêng gây án.
Theo Hoàng Quân
An ninh Thủ đô