Tây Hồ hướng đến 'Quận thông minh' vào năm 2025

TP - Cùng với phát triển kinh tế xã hội, giải ngân đầu tư công có chuyển biến, 6 tháng đầu năm quận Tây Hồ còn được đánh giá là đơn vị đầu tiên của thành phố chuyển đổi số thành công trên lĩnh vực thương mại khi thực hiện thanh toán “không dừng”, không dùng tiền mặt tại nhiều tuyến phố, khu vực mua bán và đỗ xe.

Quận đầu tiên có “Phường du lịch”

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, năm 2024 là năm thứ 4 quận thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội thành phố cũng là năm thứ 4 quận thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. “Đây là năm có ý nghĩa quyết định để triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ VI đã đề ra; UBND quận tiếp tục chú trọng và nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính và chuyển đổi số với tinh thần sâu sát, quyết liệt”, ông Khuyến thông tin.

Tây Hồ hướng đến 'Quận thông minh' vào năm 2025 ảnh 1

Quận Tây Hồ đặt mục tiêu là quận chuyển đổi số và có hạ tầng thông minh vào năm 2025

Để triển khai có hiệu quả các nội dung này, ông Nguyễn Đình Khuyến cho hay, ngày từ đầu nhiệm kỳ (thời điểm năm 2021), Quận ủy, HĐND và UBND quận đã thống nhất đưa ra phương châm thực hiện là “3 rõ”. Gồm: Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; Rõ thẩm quyền, trách nhiệm; Rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ. Phương châm này được quận áp dụng và triển khai trên tất cả các lĩnh vực công tác và đang cho hiệu quả rõ nét.

Tây Hồ hướng đến 'Quận thông minh' vào năm 2025 ảnh 2

Tây Hồ là quận đầu tiên triển khai thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt

Cụ thể, trên lĩnh vực quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách trong các năm qua năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, riêng giải ngân đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng quận luôn đứng top đầu của thành phố. Còn trong 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách quận ước đạt hơn 1.647 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch năm, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tốt. Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh, doanh thu thương mại, dịch vụ, du lịch đều tăng so với cùng kỳ. Việc triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế thuộc Chương trình 02 của Quận ủy đạt được các kết quả khả quan, trong đó đã khai trương điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống “Làm Giấy Dó” của vùng Bưởi xưa; Công tác quản lý Hồ Tây có nhiều chuyển biến tích cực, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị xung quanh hồ Tây được đảm bảo; công tác lập “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị khu vực Hồ Tây và phụ cận" được tập trung thực hiện bài bản, khoa học và chi tiết.

Tây Hồ hướng đến 'Quận thông minh' vào năm 2025 ảnh 3

Khu vực Hồ Tây và phụ cận vừa được cải tạo, chỉnh trang để phát triển du lịch

Với phường Nhật Tân, do sớm phát huy được các thế mạnh về cảnh quan tự nhiên, điểm thu hút du khách như thung lũng hoa, bãi đá tình yêu, vườn đào Nhật Tân, các hồ sen và tổ chức có hiệu quả không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn… nên vừa qua phường Nhật Tân đã được công nhận là “vùng du lịch” - “Phường du lịch” đầu tiên của thành phố Hà Nội.

Ứng dụng chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực

Nằm trong kế hoạch phát triển quận Tây Hồ theo đề án “Chuyển đổi số và xây dựng quận Tây Hồ thông minh” giai đoạn 2023-2025, trong 6 tháng đầu năm, quận tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung của đề án. Cụ thể, đã hoàn thành công tác lập báo cáo kinh tế kỹ thuật Dự án “Số hóa kết quả thủ tục hành chính quận Tây Hồ”; thực hiện có hiệu quả kế hoạch về triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia trong chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt.

Tiếp tục triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, siêu thị trên địa bàn quận và thí điểm một số tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận. Cấp chữ ký số cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn quận phục vụ công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số trên địa bàn quận theo kế hoạch.

Công tác Cải cách hành chính, chuyển đổi số theo Đề án 06 đạt được nhiều kết quả tích cực. Giao dịch hành chính giữa người dân với quận, phường đã được số hóa. Ngoài ra, quận triển khai có hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế số với 100% chợ, 21 tuyến phố trên địa bàn áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với đó, Tây Hồ cũng là quận đầu tiên triển khai thành công thí điểm thu phí “không dừng” tại các điểm trông giữ xe khu vực Phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc. Từ kết quả này, hiện thành phố đang triển khai rộng rãi ứng dụng thanh toán phí đỗ xe không dừng, dùng tiền mặt tại nhiều điểm đỗ xe ở quận nội thành.

Đề cập đến những công tác trọng tâm từ nay đến cuối năm 2024, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong các tháng cuối năm. Với một số lĩnh vực cụ thể, quận đặt ra mục tiêu như quyết liệt đẩy nhanh tiến độ GPMB triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, dự án dân sinh bức xúc (dự án xây dựng tuyến đường ngõ 343 An Dương Vương; dự án mương Thụy Khuê, dự án cải tạo môi trường hồ Tứ Liên); hoàn thành các dự án hạ tầng của thành phố trên địa bàn quận, dự án do quận triển khai để đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm; đặt mục tiêu 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn; công tác thu ngân sách, hoàn thành công tác đấu giá quyền sử dụng đất và giao đất theo kế hoạch, đôn đốc để thu tiền sử dụng đất tại 2 dự án Khu đô thị Nam Thăng Long và Tây Hồ Tây để đạt được kế hoạch dự kiến 4.000 tỷ đồng.

Với một số công trình hoàn thiện hạ tầng đô thị quận, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Hoàng Tuấn Anh cho biết, trong các tháng cuối năm, quận đặt mục tiêu hoàn thành dự án phát triển hạ tầng đô thị, trong đó có dự án cải tạo, mở rộng đường Xuân Diệu sẽ hoàn thành trong tháng 9; triển khai dự án đầu tư cải tạo đường Đặng Thai Mai theo hướng mở rộng mặt cắt ngang từ 11 mét hiện tại lên 93 mét để giảm ùn tắc giao thông, tạo một trục đường chính kết nối đường giao thông thành phố (trục Âu Cơ - Nhật Tân) vào Phủ Tây Hồ; Phối hợp với Ban QLDA đầu tư công trình giao thông Hà Nội hoàn thiện dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nhật Tân trong quý IV/2024; chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng đường, trường, trạm tại các phường còn lại để hoàn thành các tiêu chí theo tiêu chuẩn quốc gia.

MỚI - NÓNG