Tây hát trong đêm nhạc giỗ Trịnh Công Sơn

Tây hát trong đêm nhạc giỗ Trịnh Công Sơn
TP - Ca sĩ Ánh Tuyết mang hai chàng trai, một người Anh, một người Mỹ ra Hà Nội hát nhạc Trịnh cùng chị nhân ngày giỗ lần thứ 11 của nhạc sĩ. Chương trình sẽ diễn ra tại rạp Công Nhân vào tối 30 và 31-3.

>Giang Trang - Lênh đênh nhớ phố

Chị nghĩ sao nếu ai đó cho rằng Ánh Tuyết đang dựa vào “yếu tố nước ngoài” để gây chú ý?

Tôi lại nghĩ rằng tôi đang giúp các bạn đó đến gần với những người yêu nhạc Việt Nam. Người yêu nhạc Việt Nam nên cảm nhận tình cảm của hai người nước ngoài này khi họ hát những ca khúc Việt Nam một cách rất chân thành. Có thể ban đầu khán giả sẽ đến vì tò mò nhưng khi đã đến, nghe và xem họ hát rồi, tôi tin chắc khi ra về sẽ đọng lại trong khán giả sự hài lòng, cảm mến.

Nghĩa là chị còn những kế hoạch lăng-xê khác cho hai giọng ca này?

Tôi không có định lăng-xê, hãy để tự nhiên. Tôi chỉ làm hết trong khả năng mình có và họ có.

Có vẻ chị đánh giá về chuyên môn của 2 ca sĩ này hơi quá cao?

Cao lắm thì không phải, vì họ không phải ca sĩ Việt Nam mà cũng chưa phải ca sĩ ở nước họ, nhưng tôi đánh giá cao họ ở tâm hồn lớn. Họ nói được tiếng Việt một cách rành rõi. Họ hát một cách nhuần nhuyễn, thấu hiểu nội dung ca khúc Việt Nam. Có thể nói khi hát ca khúc Việt Nam, họ tìm hiểu sâu và kỹ nội dung ca từ, điều tác giả muốn nói hơn nhiều một số ca sĩ Việt Nam. Đó là điều đáng trân trọng.

Để họ hát được như hôm nay, có bàn tay mài giũa của chị?

Trong quá trình họ hát ở ATB, tôi có góp ý. Hơn một năm qua, Kyo đã tham gia với ATB. Còn Lee - tôi đã tổ chức cho ít nhất hai show riêng và lần vừa rồi hát chung với Kyo, Richard Fuller và với tôi. Sau chương trình đó, tôi thấy khán giả rất hài lòng, khen ngợi, yêu mến ba ca sĩ này. Mới đây xem qua một số chương trình nhạc Trịnh ở Hà Nội, thấy họ cứ sắp hàng ca sĩ sao lên hát rồi đi xuống, không có một dụng ý hay sự biên tập chặt chẽ, xuyên suốt, tôi mới nảy ra ý định làm chương trình nhạc Trịnh.

Vậy chương trình của chị sẽ xuyên suốt bằng yếu tố nước ngoài?

Không phải, mà bằng cái tâm những người hát nhạc Trịnh. Tất cả những người tham gia đều có nỗ lực nhất định, hát bằng sự yêu mến, bằng nhiệt huyết của họ. Việc kết hợp người nước ngoài hát song ca, tam ca, hợp ca cũng không phải đơn giản.

Vì sao chị không đem Richard Fuller ra Hà Nội dịp này?

Tại Ca khúc Da vàng mình chưa xin phép được, mà ông ấy thì nhuần nhuyễn về mảng đó. Ông hát những bài đó rất hay, nghe thấm thía lắm, có những lần tôi ngồi nghe mà rớt nước mắt. Tôi không nói hay, dở mà sự rung động tâm hồn, sự hết lòng. Và họ đứng hát một cách nghiêm cẩn. Tôi nể cái đó.

Chị giới thiệu thêm về những người nói tiếng Anh hát tiếng Việt này?

Họ có điểm chung là đều có công việc chính liên quan đến ngành sư phạm. Lee là con “đại gia” bên Anh, ham hát. Anh có thể ôm đàn hát sáng đến đêm khắp nơi ngoài công viên, hè phố. Những nơi có trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật bảo tới hát, Lee tới hát liền, không quan tâm tiền bạc. Lee rất tình cảm, nhẹ nhàng, lên sân khấu nhìn lãng tử. Còn Keyo muốn trở thành ca sĩ ở Việt Nam, hiện đang đi hát ở nhiều phòng trà tại TPHCM. Họ cố gắng lắm. Hiện Kyo đang học Thanh nhạc ở chỗ tôi. Lee thì đang tập trung học tiếng Việt trước, và ôm mộng làm album nhạc Trần Tiến.

Kyo York sinh năm 1985, nguyên kỹ sư Công nghệ Thông tin, từng làm việc cho Apple ở New York, Mỹ. Anh sang Việt Nam trong một dự án dạy tiếng Anh miễn phí của ĐH Princeton tại Hậu Giang. Hiện Kyo ở TPHCM, dạy tiếng Anh và đi hát ở các phòng trà: ATB, Đồng Dao, Sax n’ Art Jazz Ckub, Lio, Yesterday...?Anh từng song ca trên sân khấu với Tuấn Ngọc, Siu Black...?

Lee Kirby sinh năm 1979, tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, đang làm giám đốc tuyển sinh khu vực châu Á cho trường Cao đẳng của bố ở Anh. Anh sắp xếp mỗi năm khoảng 4 tháng ở Việt Nam để học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa, tranh thủ đi du lịch và chỉ nhận lời đi hát vào cuối tuần.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG