Tàu đi, sóng bỗng dâng cao

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều 3/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi rời đảo Đài Loan (Trung Quốc) sang thăm Hàn Quốc rồi tới Nhật Bản. Chiều 5/8, Trung Quốc tuyên bố áp dụng lệnh trừng phạt với quý bà hồng Pelosi (bà mặc bộ đồ hồng ấn tượng khi thăm Malaysia và Đài Loan) cùng các thành viên trong gia đình bà. Việc áp đặt biện pháp trừng phạt (nhiều khả năng là phong tỏa tài sản, từ chối cấp thị thực) sẽ tạo tiền lệ với các chuyến thăm của quan chức Mỹ tới Đài Loan.

Cùng ngày, Bắc Kinh tuyên bố ngừng hợp tác với Washington trong 8 lĩnh vực (gồm 3 hủy 5 hoãn), trong đó có hủy liên lạc cấp tư lệnh chiến khu, hủy họp công tác của Bộ Quốc phòng hai nước, hủy cơ chế tham vấn an toàn quân sự trên biển; đình chỉ đàm phán về biến đổi khí hậu, hợp tác phòng chống ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, hồi hương người di cư bất hợp pháp và hỗ trợ tư pháp hình sự.

Nhiều khả năng, trước mắt Trung Quốc duy trì tam chiến (chiến tranh chính trị-tâm lý-thông tin) với hai nội dung chính. Một là, tiếp tục chỉ trích Mỹ can thiệp công việc nội bộ của nước khác, áp dụng tiêu chuẩn kép, phá hoại đoàn kết, hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực. Hai là, tiếp tục cảnh báo, đe dọa các lực lượng “Đài Loan độc lập”, hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Đài Loan, Hong Kong, Tây Tạng, Tân Cương.

Cả về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, Trung Quốc sẽ tăng cường tập trận, hoặc đơn giản là điều tàu chiến, máy bay qua eo biển Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông. Ngày 4/8, Nhà Trắng thông báo, Hải quân Mỹ sẽ đưa tàu chiến, máy bay chiến đấu đi qua eo biển Đài Loan trong khoảng 2 tuần tới. Cùng ngày, Hải quân Mỹ thông báo tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đang có mặt trên Biển Đông, khu vực gần Philippines.

Gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu sang Đài Loan cát tự nhiên vì trong các loại cát tự nhiên có cát thạch anh - nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất chất bán dẫn, trong khi tập đoàn Đài Loan TSMC là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, là con gà đẻ trứng vàng của kinh tế Đài Loan. Ngày 3/8, báo Trung Quốc dẫn lời ông Ngụy Kiến Quốc, Phó giám đốc Trung tâm Trung Quốc về giao lưu kinh tế quốc tế, cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, cho rằng, hiện nay, mỗi năm Đài Loan tiêu thụ khoảng 90 triệu tấn cát tự nhiên, trong đó 1/3 đến từ Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, Cục Khai khoáng Đài Loan nói Đài Loan chỉ nhập 70.000 tấn cát tự nhiên từ Trung Quốc đại lục năm 2020 và 170.000 tấn năm 2021. Năm ngoái, Đài Loan nhập khẩu 540.000 tấn cát tự nhiên, chỉ chiếm 0,75% nhu cầu của hòn đảo này.

Ngày 3/8, tại Đài Loan, bà Pelosi gặp Chủ tịch TSMC Mark Liu. Nội dung cuộc gặp không được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng bà Pelosi đã thuyết phục ông Liu đẩy nhanh kế hoạch xây nhà máy chip trị giá 12 tỷ USD ở bang Arizona của Mỹ (hiện nay, TSMC có công ty con WaferTech ở bang Washington).

Ở chiều ngược lại, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ sớm dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu từ Đài Loan hàng trăm loại thực phẩm, chủ yếu là trái cây (cam, quýt, dứa, mãng cầu…) và hải sản (cá mú, cá hố, cá thu…) vì các mặt hàng này không đặc hữu, không độc quyền, hiệu quả trừng phạt về mặt kinh tế không cao, không bền vững. Khi tuyên bố đình chỉ nhập khẩu, Trung Quốc chỉ lấy lý do an toàn thực phẩm (kiểm soát dịch hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) và kiểm soát dịch COVID-19.

Sóng đánh rát mặt Đài Bắc nhưng Washington chắc chắn sẽ cung cấp kem dưỡng da để bù đắp. Ít nhất là thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu-phát triển, thiết kế, sản xuất chip. Theo kế hoạch, ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học (Hạ viện Mỹ đã thông qua và bà Pelosi ký ngày 29/7). Theo đó, trợ cấp 52 tỷ USD và ưu đãi thuế, tín dụng cho các nhà sản xuất bán dẫn của Mỹ. Trong chuyến thăm Đài Loan, bà Pelosi cho rằng, Đạo luật CHIPS và Khoa học tuy được thiết kế để tăng khả năng của các hãng chip Mỹ, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, nhưng cũng mở ra cơ hội hợp tác với phía Đài Loan.

Về an ninh-quốc phòng, bất chấp Bắc Kinh kịch liệt phản đối, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Bắc nâng cao năng lực phòng vệ, trong đó có việc mua bán vũ khí “khủng”. Ngày 3/8, trùng thời điểm bà Pelosi thăm Đài Loan, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ họp bàn Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022. Theo đó, Washington sẽ “cung cấp cho Đài Loan vũ khí mang tính chất phòng thủ” và duy trì năng lực quân sự cần thiết của Mỹ để đảm bảo “tương lai của Đài Loan sẽ được xác định bằng các biện pháp hòa bình”. Trong đó, chỉ riêng Chương trình hỗ trợ an ninh sẽ cung cấp 4,5 tỷ USD hỗ trợ Đài Loan trong 4 năm để mua vũ khí từ Mỹ, củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ và cho phép khả năng tương tác tốt hơn giữa hai lực lượng.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.