Tất tả kiếm việc làm tết
> Sinh viên kiếm hơn 700 triệu đồng từ lập trình ứng dụng
> Làm gì vào kỳ nghỉ cuối năm?
> Việc cuối năm: 12.000 -15.000 đồng/giờ
Suốt buổi sáng, hai vợ chồng Phan Văn Cường và Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - đang là công nhân một công ty gỗ ở Bình Dương - quần xe khắp các công ty trong các KCX Linh Trung 1, 2, Bình Chiểu... tìm việc.
Nhưng đến cuối buổi vẫn chưa có lời hứa hẹn nào.
Vợ chồng Cường - Nguyệt đang có việc nhưng thu nhập quá thấp nên cận kề tết còn đi tìm việc. Ảnh: Tr.Cường. |
Khác với mọi năm, cuối năm là lúc công việc của công nhân ổn định vì có nhiều việc làm, thu nhập tương đối tốt, công nhân không “nhảy việc” vì còn đợi các khoản thưởng. Năm nay thì khác. Trên nhiều ngả đường, sau giờ vào ca của hàng trăm ngàn công nhân, vẫn còn những bước chân tất tả tìm việc.
Kiếm việc không dễ
Hai vợ chồng Cường - Nguyệt đang có việc nhưng thu nhập bấp bênh, lại không trông mong gì thưởng tết nên quyết định tìm công việc khác. Tình cảnh của hai vợ chồng cũng giống rất nhiều công nhân khác.
Ngồi bệt trên vệ đường đối diện Công ty Danu Vina, KCX Linh Trung 1, nhóm của Thương gồm sáu người buồn xo. Thương và các bạn trước đây làm công nhân ngành nhựa nhưng công ty vừa cắt giảm lao động. Dịp tết, phần lớn công ty ngành may mặc, da giày có đơn hàng tốt trong khi nhóm Thương không ai có tay nghề.
Cũng lao đao đi tìm việc cả tháng nay, chị Đặng Thị Hằng (huyện Bình Chánh) chưa kiếm được việc làm mới sau khi công ty giải thể. “Công ty ngừng sản xuất, mấy chục người bị cho thôi việc. Chưa có năm nào khó khăn như năm nay”, cô công nhân ngành dệt có 10 năm thâm niên tâm sự. “Cũng có nơi tuyển nhưng không đúng chuyên môn. Nếu không tìm được việc phù hợp thì đành chờ qua tết xem sao, còn khó khăn quá chắc về quê luôn”, chị nói.
Gặp Yến đang vội vã ngó bảng tuyển dụng tại Công ty DH ở KCN Sóng Thần, rồi tất tả lên xe đi tìm bảng tuyển dụng khác. Yến đang làm công nhân may nhưng công ty không có việc gần một tháng nay. “Công ty không có việc nhưng bắt ngồi trong xưởng, không cho ra ngoài. Mình phải nại lý do để ra ngoài đi tìm việc”. Nhưng Yến cũng chỉ đi tìm việc thời vụ vì “giờ công ty nào cũng khó khăn, thu nhập không tốt lắm, làm thời vụ cho khỏe, qua tết tính sau”. Nhiều bạn khác cũng như Yến, muốn làm việc thời vụ.
Một cán bộ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết trong năm 2012 lao động ít nhảy việc vì họ ý thức về khó khăn chung, nhưng vào dịp cuối năm do bí bách nên mới nhảy việc, nhiều công nhân trong số đó do công ty cho nghỉ vì thiếu việc hoặc doanh nghiệp giải thể. “Những người này cũng không trông mong gì thưởng tết vì doanh nghiệp đang rất khó khăn, thưởng chắc chắn không cao”, cán bộ này nói.
Lo cho năm sau
Nhiều công ty hoạt động cầm chừng trong năm nay nên thu nhập của người lao động cũng phập phù. Tết về ai cũng canh cánh nỗi lo chi tiêu. Nói về khoản thu nhập, khoản dành dụm được trong năm ai cũng tặc lưỡi: thôi thì chỉ trông chờ năm sau.
17h30, chị Trần Thị Sang, công nhân Công ty V-Flame & Glanz thuộc KCX Tân Thuận, tan ca, vội đạp xe về nhà. “Công ty mới tăng ca được mươi bữa nay thôi (ca làm bình thường nghỉ vào lúc 15h30-PV), mà tăng ca cũng ít. Còn trước đó có tuần làm 4-5 ngày, có khi nghỉ không ăn lương 70%”, chị Sang nói. Tăng ca trong những ngày này là mong mỏi của công nhân ở nhiều công ty và không phải công ty nào cũng có việc cho công nhân tăng ca. Sau giờ tan ca, chị Sang đạp xe ngay đến một quán cà phê phụ bán đến 23h30. Mỗi buổi làm thêm chị được 50.000đ. 12 năm làm công nhân, chị Sang nói đây là năm công ty khó khăn nhất và kéo dài nhất.
Tuy nhiên, không ít công nhân dự tính thay đổi để ứng phó được với khó khăn. Anh Nguyễn Quốc, công nhân một công ty ở Q.7, tính toán năm sau sẽ tìm việc ở một công ty khác. “Mấy tháng rồi công ty không có đơn hàng, thu nhập không đủ chi tiêu, thưởng tết cũng bèo lắm. Nếu trên này không có việc phù hợp sẽ xuống Bình Dương xem thử”, anh cho biết.
Nhiều người khác lại lựa chọn quay về quê để gầy dựng lại cuộc sống sau bao năm tha phương cầu thực. Hồng, Công ty Pou Yuen, cho biết cách đây hai tháng chồng Hồng - làm cùng công ty - đã về quê trông con. “Xưởng chồng em làm ít tăng ca nên thu nhập mỗi tháng không được bao nhiêu, lại sinh ra rượu chè do rảnh quá”, Hồng tâm sự. Tám năm làm công nhân, hai vợ chồng dành dụm xây được căn nhà cấp 4 ở quê. “Còn số tiền tích cóp, hai vợ chồng về quê làm vườn ao chuồng cũng đủ sống và có thời gian dạy dỗ con - đã gửi ông bà nội trông năm năm nay”, Hồng tính. Còn chị Trần Thị Kim Thảo, công nhân Công ty ĐB (Q.7), đã tính đến chuyện nghỉ việc về quê hẳn. “Làm ở đây cả tháng cũng chỉ dư hơn 1 triệu đồng, công việc lại nhiều áp lực. Ở quê nhận đồ về nhà may cũng có thu nhập lại gần gia đình” - chị nói.
“Về quê” là ý nghĩ của nhiều công nhân trẻ gốc ở tỉnh. Cũng có bạn tính đường đi học lại. Như Võ Thị Cẩm Tiên, hiện làm ở Công ty dệt Grvina, tính sang năm sẽ nghỉ làm để học văn hóa. Chị Tiên tâm sự: “Nhất định phải đi học lại, công việc cực nhọc quá mà làm cũng không có dư. Thôi đành chắt bóp dành dụm và chịu khó đi học lại, biết đâu sau này sẽ khá hơn”.
Ổn định việc để nhận thưởng Bà Nguyễn Võ Minh Thư, quyền trưởng phòng quản lý lao động, Ban quản lý các khu chế xuất & công nghiệp TP, cho biết cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp “chạy nước rút”, rất cần công nhân ổn định sản xuất. Mặt khác, cuối năm cũng là lúc doanh nghiệp tính toán chế độ thưởng tết, vì thế với những công nhân đã gắn bó suốt năm hoặc lâu hơn, không nên chuyển chỗ làm. Cũng theo bà Thư, trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp chỉ tuyển dụng những lao động có kinh nghiệm nên lao động tay ngang rất khó xin việc. |
Theo Tuổi Trẻ