Tất niên trên mắt biển Tiên Sa

Tất niên trên mắt biển Tiên Sa
TP - Đấy là nơi cô độc nhất thành phố, xuân này không có tiếng trẻ con đòi phong bao lì xì, không có nồi bánh chưng chiều 30 Tết, chỉ có những anh “lính” ở lại với ngọn hải đăng.

> Song Tử Tây yên bình giữa trùng khơi
> Nơi mũi đất gần nhất với Hoàng Sa

Mâm cơm chiều 24 Tết

Trời Đà Nẵng những ngày giáp Tết hửng nắng, nhưng đường lên ngọn đèn biển Tiên Sa (bán đảo Sơn Trà) vẫn lạnh bởi sương núi xuống. Lên trạm hải đăng Tiên Sa lúc giữa trưa, gặp mọi người đang quây quần bên mâm cơm tất niên.

“Không bày vẽ nhiều, nhưng cũng phải có không khí động viên anh em ở lại làm nhiệm vụ”, Trạm trưởng Bùi Công Phương nói. Không thể hội tụ đông đủ trong cả dịp Tết, nên bữa cơm chiều 24 tháng Chạp được anh em coi như bữa tất niên.

Giữa mâm là đĩa thịt gà luộc, đĩa xôi, chiếc bánh chưng và mấy lon bia của các đơn vị lên thăm Tết biếu. Anh em tự bắt gà nuôi làm thịt, nấu xôi, cúng quảy, bày biện không thua gì phụ nữ. Đĩa trái cây cúng tất niên cũng toàn cây nhà lá vườn, mấy quả cam sành hái non, chùm quất chưa kịp chín.

Sáu người bên mâm cơm là trạm trưởng, ba công nhân gác đèn và hai anh lính ở ngọn hải đăng ngoài đảo Cù Lao Chàm ghé thăm.

Anh Trịnh Xuân Tất, một “lão làng” ở trạm chia sẻ: “Ai chẳng mong có bữa cơm tất niên ở nhà, nhưng gắn với cái nghiệp canh đèn rồi thì còn ăn tất niên xa nhà nhiều lắm”. Trong bữa cơm, các anh hàn huyên đủ chuyện. Tin vui báo ra từ quê của một người là tin vui của cả trạm, việc khó của một người là tất cả cùng lo.

Trạm trưởng chia sẻ: “Tết ở đây quạnh quẽ lắm, có mấy người lên thăm đâu, nhưng chúng tôi cũng chuẩn bị chu đáo tất cả để anh em không thấy tủi thân khi xa nhà”.

Hàng đu đủ trồng ở khu hậu cần “trọc lóc” không còn một lá, quả bị khoét nửa, quả trầy trật, đấy là do đàn khỉ, voọc trên núi về phá. Những cây ổi, cây na hai bên đường xuống ngọn hải đăng cũng chỉ còn những quả khô quắt. Nhưng nhờ có lũ khỉ phá phách ấy mà trạm bớt quạnh quẽ.

Trừ các lão làng, ở trạm có bốn thanh niên. Đinh Văn Tùng và Phạm Văn Phấn ở Hải Phòng được phép về quê đón Tết nên hai chàng “lính” trẻ chưa gia đình ở lại trạm càng buồn hơn.

Lê Văn Phương (28 tuổi, quê Đồng Hới, Quảng Bình) đón xuân đầu tiên trên ngọn hải đăng, một mùa xuân ở nơi biệt lập với phố phường nhộn nhịp: “Cỡ chừ ở quê là vui lắm, mạ nấu bánh chưng, em gái đi học xa cũng đã về, cả nhà rộn ràng đón Tết. Năm ni ở đây vừa xa nhà, vừa hiếm thấy người và xe cộ nên chẳng cảm nhận được không khí Tết là bao”.

Không điện, không sóng điện thoại. Những hôm nhớ nhà anh phải chạy lên phía núi cao cách trạm hơn 6 cây số mới bắt được sóng điện về nói chuyện với gia đình.

Từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng trạm cho chạy máy nổ mới có điện, được xem truyền hình. Thỉnh thoảng “thèm” ngắm phố, ngắm người quá, các anh lại tranh thủ giờ nghỉ chạy xe mấy chục cây số xuống phố chơi.

Anh Hồ Hữu Hải kiểm tra hệ thống đèn phụ ở bên ngoài tháp
Anh Hồ Hữu Hải kiểm tra hệ thống đèn phụ ở bên ngoài tháp.

Hồ Hữu Hải quê Thanh Hóa, đã ngoài 30 tuổi. Hỏi anh tính năm nào cưới vợ, Hải nói: “Cái nghề này, có cô nào dám theo, mà lỡ theo rồi thấy mình đi biền biệt cũng bỏ”.

Đây là cái Tết thứ ba anh Hải đón xuân bên ngọn hải đăng. Những năm trước, anh luân phiên đi khắp các tỉnh miền Trung, năm được về, năm ở lại gác đèn. Quãng đời trai trẻ của anh cứ thế gắn với chân trời góc bể, làm một “đèn sĩ” âm thầm.

Nhắc chuyện người yêu, các anh hào hứng kể: Vài hôm trước có cô gái ghé trạm chơi, lâu ngày không tiếp xúc với phụ nữ thành ra ai cũng nhát. Cô ấy là khách mà ngồi ăn tự nhiên, tụi mình sân nhà mà ai cũng… thẹn, chắc ở trạm lâu quá không nói chuyện với phụ nữ nên miệng đóng băng hết rồi.

Cuối năm nhận đủ cả lương và thưởng nhưng chẳng ai buồn sắm cho mình bộ quần áo mới. Trên đầu giường mỗi người móc một bộ đồng phục công nhân, mấy chiếc áo phông để mặc lúc không trực. Anh Hải nói: “Có sắm sửa thêm cũng chẳng ai ngắm”.

Trái tim còn đập là còn ánh sáng

Bữa cơm tất niên của các anh em trong trạm. Ảnh: Thanh Trần
Bữa cơm tất niên của các anh em trong trạm. Ảnh: Thanh Trần.

Hải đăng Tiên Sa được Pháp xây từ năm 1894, là một trong mười ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam. Hơn 100 năm, “mắt thần” của biển vẫn sừng sững hiên ngang. Phòng điều hành, phòng ngủ trong trạm mang đậm kiến trúc của Pháp.

Ngày thường, trạm có ít nhất 6 người trực, mỗi người trực 6 tiếng, gồm bốn tiếng ban ngày và 2 tiếng ban đêm. Buổi sáng dọn vệ sinh công nghiệp, lau đèn, kéo bạt che đèn.

Buổi chiều kiểm tra trang thiết bị, thông số kỹ thuật. Hàng ngày phải báo cáo tình hình ở trạm một lần qua bộ đàm. Đứng bên đèn chính, anh Hải cẩn thận lau chùi và kiểm tra từng bộ phận.

Bên ngoài tháp là đèn phụ được bọc cẩn thận bằng vải trắng, dùng khi đèn chính gặp sự cố. Tất cả các thành viên ở trạm đều nâng niu hai ngọn đèn như báu vật.

“Công việc của chúng tôi tưởng như rất đơn giản nhưng lại đòi hỏi mình có tinh thần trách nhiệm cao. Chỉ cần gặp một chút sự cố là không thể lường hết hậu quả với tàu thuyền”, trạm trưởng Phương nói. Nhưng nghiệp gác đèn như là duyên số, mỗi lần được phép về thăm quê lại nhớ đèn, nhớ trạm da diết. Anh em kể vậy.

Không cô lập với đất liền, nhưng ở đây vẫn không có nước ngọt để dùng. Hai bồn chứa nước loại 10 nghìn lít đặt cạnh nhà bếp để trữ nước mưa. Mùa nắng, họ chắt chiu từng giọt.

Mùa nắng, nhiều ngày không thấy mưa thì phải cử nhau đi gánh nước ở suối cách trạm gần 5 cây số. Mùa mưa, họ chịu thêm cái lạnh cắt da cắt thịt của một bên là gió biển, một bên là sương núi.

Mỗi tuần, trạm nhận tiếp tế lương thực, thực phẩm một lần, nhưng cũng có khi đến chục ngày. Chiếc tủ lạnh nửa ngày chạy, nửa ngày ngưng do trạm chỉ dùng máy phát điện vào ban đêm nên đồ ăn không trữ được lâu, các anh tự tăng gia sản xuất để chủ động hơn trong những ngày hàng tiếp tế đến chậm.

“Như thế này là chúng tôi còn sướng quá, làm sao khổ bằng các chiến sĩ Trường Sa, họ sống trên nhà giàn, bốn bề là biển. Ở đấy nước ngọt không, rau xanh không, muốn vào đất liền đâu phải là dễ”, tất cả đồng tình.

Thấy chúng tôi xem bảng lịch công tác có ghi cụ thể ca trực của từng công nhân đèn biển, họ bảo đừng gọi là công nhân mà hãy gọi là những “người lính” canh đèn.

Bởi họ muốn mình được xem như những nguời lính hải đảo, và cũng bởi họ đang làm nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc. Có bao giờ, các anh thấy chán nghề gác đèn ở nơi heo hút này không ? Không, hễ còn người còn đảo, trái tim còn đập là còn ánh sáng!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.