“Tarzan Việt Nam” sống trong rừng suốt 40 năm lên báo Mỹ

'Tarzan Việt Nam' Hồ Văn Lang. Ảnh: Alvaro Cerezo.
'Tarzan Việt Nam' Hồ Văn Lang. Ảnh: Alvaro Cerezo.
Tờ New York Post của Mỹ vừa đăng bài viết về anh Hồ Văn Lang hay còn được gọi là "Tarzan Việt Nam," người sống trong rừng suốt 40 năm.

Lấy vỏ cây, lá cây làm quần áo, bắt chuột từ một chiếc bẫy rừng phức tạp để ăn, người đàn ông này trông chẳng có vẻ gì giống với Alexander Skarsgård, nam diễn viên người Thụy Điển đã đánh cắp trái tim nhiều fan hâm mộ trong bộ phim Tarzan mới. Nhưng Tarzan đời thực này lại sở hữu những kỹ năng "siêu phàm" - tờ báo này mở đầu bài viết.

Xây nhà trên cây, chế tạo công cụ từ mảnh bom, bắt dơi chỉ trong nháy mắt, anh Hồ Văn Lang, 44 tuổi, đã dành 40 năm sống như một “người rừng” giữa sự biệt lập của núi rừng.

Và giờ đây, anh Lang đã hòa nhập lại với cuộc sống văn minh, dù vẫn rất lưu luyến cuộc sống nơi hoang dã.

Anh Lang dành phần lớn cuộc đời mình trong những cánh rừng hẻo lánh nhất Việt Nam, ở huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, sau khi cha anh là ông Hồ Văn Thanh, 85 tuổi, rời bỏ xã hội văn minh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vào năm 1972. 

Cha của anh Lang là một cựu chiến binh. Ông đã quyết định bỏ trốn cùng 2 người con trai sau khi một quả bom Mỹ lấy đi mạng sống của vợ và 2 người con khác của ông.

Họ từng xây nhà gỗ, lấy nước từ sông, kiếm ăn trong rừng: hoa quả, mật ong và thịt của các loài động vật trong rừng như khỉ, rắn, thằn lằn hay ếch.

Cùng với em trai mình, anh Lang dành phần lớn cuộc sống của mình trong rừng cho tới năm 2013, khi những người dân địa phương tìm thấy gia đình anh, họ đã thông báo cho chính quyền địa phương và đưa gia đình anh Lang hòa nhập lại với cuộc sống văn minh. 

Theo Alvaro Cerezo, người đã lên đường tìm kiếm anh Lang và gia đình vào tháng 11/2015, cha anh Lang có “một nỗi sợ sâu sắc về việc quay trở lại [cuộc sống văn minh] bởi ông không tin rằng cuộc chiến đã kết thúc.”

“Họ luôn trốn đi khi nhìn thấy có người từ xa.”

Trong một bộ phim tài liệu mới, theo chân anh Lang trong suốt quá trình tái hòa nhập với xã hội hiện đại của anh cũng như tìm về quá khứ săn bắt và hái lượm của anh, Cerezo đã thuyết phục anh Lang trở lại núi rừng lần đầu tiên kể từ khi biết tới cuộc sống văn minh, và dành vài ngày để dạy anh các kỹ thuật sống sót trong rừng.

Đoạn phim theo chân một ngày leo núi để tới nơi ở cũ trong rừng của anh Lang, đồng thời trình bày những kỹ thuật anh đã sử dụng để sống sót lâu như vậy trong rừng.

Kỹ năng đặt bẫy của anh Lang rất ấn tượng. Anh đã bắt và ăn một con chuột và một con dơi trong 5 ngày trở lại núi rừng. Phần mà anh thích nhất của con chuột là phần đầu.

Sự tách biệt của anh Lang với thế giới đã khiến anh gặp vô số khó khăn khi cố gắng hòa nhập với xã hội hiện đại; anh không hiểu tiếng Việt, không có khái niệm nào về thời gian ngoại trừ mặt trời, và vẫn rất bối rối trước khái niệm về điện.

Trước khi được người dân địa phương phát hiện, anh Lang thậm chí không biết tới sự tồn tại của giới nữ, bởi cha anh chưa từng nói với anh.

“Điều càng ngạc nhiên hơn là ngày nay, dù đã có thể phân biệt được nam và nữ, anh ấy vẫn không hiểu được sự khác biệt cơ bản giữa họ,” Cerezo cho biết.

“Tôi có thể xác nhận rằng anh Lang chưa từng có một chút ham muốn tình dục nào và bản năng sinh sản của anh chưa từng xuất hiện trong tâm trí anh dù theo phương diện nào đi nữa.”

Anh Lang được coi là một “đứa trẻ trong hình hài người đàn ông trưởng thành.” Em ruột của anh, anh Trí, cho biết, “anh Lang không hiểu được rất nhiều khái niệm xã hội cơ bản.”

“Anh Lang đã dành cả cuộc đời mình trong rừng. Do đó tâm trí anh ấy chỉ như một em bé,” em trai anh cho biết.

“Nếu tôi yêu cầu anh Lang đánh ai đó, anh ấy sẽ làm vậy rất thẳng tay. Anh ấy không hiểu được sự khác biệt giữa tốt và xấu. Anh Lang chỉ là đứa trẻ. Anh ấy không biết gì cả. Hầu hết mọi người đều hiểu điều gì là tốt, điều gì là xấu, nhưng anh trai tôi thì không.”

“Nếu tôi yêu cầu anh Lang đâm ai đó bằng dao, anh ấy sẽ làm thế mà không nghĩ ngợi gì, và người đó có thể chết.”

Nhưng dù anh Lang chỉ có khả năng trí tuệ hạn chế, Cerezo cho biết anh là một trong số những người hiền hòa nhất mà anh từng gặp.

“Lang có lẽ là người dễ thương nhất mà tôi từng gặp trong đời, anh ấy chỉ không biết cái gì là sai, cái gì là đúng.”

Nhưng bất chấp những lo lắng rằng anh Lang có thể “giết ai đó” theo yêu cầu, Cerezo cho biết anh Lang “đang thích nghi với cuộc sống mới một cách hạnh phúc.”

Anh cho rằng thế giới hiện đại quá “ồn ào,” nhưng anh đặc biệt bị ấn tượng bởi lần đầu tiên anh đi xe hơi (anh được đưa tới bệnh viện khi lần đầu tiên được phát hiện) và anh thích nhìn thấy “động vật tỏ ra thân thiện với con người.”

“Trong rừng, các con vật luôn chạy xa khỏi tôi,” anh cho biết. Cerezo cũng cho biết anh Lang đang sống một cuộc sống có ý nghĩa và yêu cuộc sống “chủ yếu vì sự tự do mà anh đang tận hưởng. Anh đã sống gần như một nô lệ cho cha mình trong những năm sống trong rừng.”

“Năm đầu tiên là khó khăn nhất với Lang vì các vấn đề sức khỏe do một loại virus và các vi khuẩn mới đối với cơ thể anh.”

Trong khi đó, cha của anh Lang tiếc là không trong trạng thái tốt lắm. Tin rằng cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, cụ thường ngồi co một mình trong góc phòng.

“Nỗi ám ảnh lớn của cụ là trở lại rừng vào một ngày nào đó,” Cerezo cho biết.

Theo Theo Vietnam+
MỚI - NÓNG