> Khó khăn còn rất lớn, không thể chủ quan
Nông sản là một trong nhóm hàng chủ lực. Ảnh minh họa. |
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2011 dù gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, nguồn vốn đầu tư, nhưng ngành nông nghiệp vẫn phát triển toàn diện, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Năm nay, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 5,2%, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,3%. Sản lượng lúa năm 2011 đạt kỷ lục từ trước tới nay với 42,2 triệu tấn, tăng 2,2 triệu tấn so năm ngoái, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gần 7,2 triệu tấn gạo. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 25 tỷ USD, tăng gần 30% (khoảng 5 tỷ USD) so năm ngoái.
Tuy nhiên, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, dù đạt được những kết quả khá ấn tượng, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đang chậm lại. Chúng ta làm số lượng ngày càng nhiều, nhưng giá trị gia tăng chưa cao, nghĩa là làm nhiều nhưng được ít tiền. Đây là thách thức của ngành trong thời gian tới”- ông Phát nói.
Theo Bộ trưởng Phát, sắp tới sẽ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, tập trung vào thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp. Trong từng lĩnh vực tìm ra cây, con có có lợi thế, giá trị gia tăng cao nhất để tập trung đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn có xác nhận để nâng cao giá bán.
Ông Phát cũng cho rằng, việc tái cơ cấu đầu tư ngành cũng dựa trên những ưu tiên trên. “Điều chỉnh cơ cấu đầu tư không phải là chia lại ngân sách nhà nước, mà ưu tiên hơn cho khối tư nhân, hợp tác công tư (ppp), trong đó phân công rõ vai trò của nhà nước, tư nhân để hợp tác. Mục tiêu năm 2012, toàn ngành phấn đấu tăng trưởng GDP của ngành là 2,5%-2,6%.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, sắp tới, bộ cần có thống kê những chỉ tiêu về năng suất, hiệu quả cụ thể của từng cây, con trong từng vùng, và thu nhập của người dân tại địa phương đó, để có đánh giá, tìm ra cách làm mang lại hiệu quả nhất. Trong tái cơ cấu ngành, cần lựa chọn và tập trung ưu tiên cho các nhóm sản phẩm chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao...
Phó thủ tướng cũng yêu cầu, cần nghiên cứu kỹ thị trường Trung Quốc, vì đây là thị trường rất lớn, tiềm năng.