Tập huấn bảo tồn di tích kiến trúc gỗ Hội An

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 7/6, tại TP Hội An, Cục Di sản văn hóa, Viện Bảo tồn di tích, Văn phòng JICA Việt Nam phối hợp Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An tổ chức chương trình tập huấn “Bảo tồn di tích kiến trúc gỗ Hội An - Việt Nam (Di tích Chùa Cầu là trường hợp điển hình)”.

Tham gia khóa tập huấn có các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện Sở VH-TT&DL, Trung tâm quản lý bảo tồn di tích các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, TT-Huế, Tiền Giang, TP Hà Nội; công ty hoạt động trong lĩnh vực tu bổ tôn tạo di tích.

Khóa tập huấn cung cấp các bài giảng về bảo tồn di sản kiến trúc gỗ, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo tồn di sản kiến trúc gỗ của các địa phương ở Việt Nam và kinh nghiệm từ Nhật Bản; khảo sát thực địa công tác tu bổ di tích kiến trúc gỗ tại Khu di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An, đặc biệt là tại công trình tu bổ di tích Chùa Cầu đang diễn ra.

Tập huấn bảo tồn di tích kiến trúc gỗ Hội An ảnh 1

Các đại biểu khảo sát thực tế tại công trường tu bổ Chùa Cầu, Hội An

Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới là quần thể di tích kiến trúc có nhiều yếu tố nổi trội toàn cầu, trong đó, những di sản kiến trúc gỗ là thành tố hữu cơ trong quần thể Khu phố cổ Hội An. Việc bảo tồn quần thể Đô thị cổ Hội An nói chung, bảo tồn di tích kiến trúc gỗ nói riêng ở Hội An đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, mẫu mực.

Theo ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, mục đích đầu tiên của gìn giữ, bảo tồn kho tàng di sản kiến trúc Việt Nam là duy trì tính chân xác về lịch sử, tình trạng nguyên vẹn di sản. Mỗi sự can thiệp phải dựa trên nền tảng cơ bản nghiên cứu chính xác và được đánh giá đầy đủ.

MỚI - NÓNG