Tập đoàn Miền Trung 'ôm' loạt dự án khủng gây xôn xao
TPO - Thanh Hóa vừa giao 2,38ha đất cho Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung (Tập đoàn Miền Trung) để thực hiện dự án Khu dân cư đường CSEDP TP Thanh Hóa với mức đầu tư gần 220 tỷ đồng. Ngoài dự án này, doanh nghiệp này liên tục trúng thầu theo hình thức chỉ định tại nhiều dự án "khủng" khác tại tỉnh Thanh Hóa khiến dư luận xôn xao.
Dự án khu dân cư hơn 200 tỷ
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ định Tập đoàn Miền Trung (đại diện liên danh Tập đoàn Miền Trung và Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng số 18) thực hiện Dự án Khu dân cư đường CSEDP tại phường Đông Vệ và phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa với tổng chi phí gần 220 tỷ đồng (bao gồm chi phí GPMB).
Tập đoàn Miền Trung tiếp tục được Thanh Hóa giao 2,38ha đất để thực hiện dự án Khu dân cư đường CSEDP tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa.
Cụ thể, tại quyết định số 4554/QĐ-UBND ngày 15/11/2018, UBND tỉnh đã giao 23.805,4m2 (2,38ha) đất cho Tập đoàn Miền Trung để thực hiện dự án Khu dân cư đường CSEDP. Trong số 2,38ha đất trên có 1,16ha đất được giao có thu tiền sử dụng đất với thời hạn giao 50 năm nhằm sử dụng vào mục đích đất ở đô thị. Còn lại 1,22 ha giao để sử dụng vào mục đích đất cây xanh, nhà văn hóa, đất giao thông, đầu mối hạ tầng kỹ thuật với thời hạn giao đến ngày 30/11/2020. Theo quy hoạch chi tiết, các chức năng chính trong khu vực quy hoạch gồm: nhà ở chia lô đấu giá khai thác quỹ đất; đất cây xanh, nhà văn hóa; đất giao thông, đầu mối hạ tầng kỹ thuật. Trong đó khu đất ở được chia thành 110 lô đất. Trước đó, tháng 6/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định về việc phê duyệt phương án giá đất cụ thể làm căn cứ xác định tiền sử dụng đất nộp Ngân sách nhà nước tối thiểu để lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án Khu dân cư đường CSEDP TP Thanh Hóa.
Giá trị quyền sử dụng đất của dự án được xác định bao gồm: tổng doanh thu phát triển của dự án quy về thời điểm hiện tại là 278,3 tỷ đồng; tổng chi phí phát triển của dự án quy về thời điểm hiện tại là 214,1 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 2,6 tỷ đồng; tổng giá trị quyền sử dụng đất là 64,2 tỷ đồng; giá đất cụ thể sau khi trừ chi phí hạ tầng được làm tròn là 5,5 triệu đồng/m2.
Đến ngày 2/8/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 2764/QĐ-UBND phê duyệt hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức chỉ định thầu.
Sau đó, ngày 9/11/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định số 4283/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án và liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung và Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng số 18 được chỉ định làm nhà đầu tư.
Ưu ái nhà đầu tư?
Ngoài dự án trên, Tập đoàn Miền Trung còn độc lập hoặc liên danh với các doanh nghiệp khác trúng thầu theo hình thức chỉ định tại nhiều dự án”khủng”, thậm chí "siêu khủng" khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Có thể kể đến như: Dự án Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã tại phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa có vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng (cùng liên danh với Công ty Xây dựng lắp máy Trung Nam – Công ty Cổ phần Phát triển Hòa Bình); Dự án Khu dân cư phía tây đường Hải Thượng Lãn Ông, tại TP Thanh Hóa quy mô khoảng 30ha (liên danh cùng với Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Minh Hương); Dự án Khu dân cư phía Tây Nam đường CSEDP thuộc Khu dân cư Tây Nam đường Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa với quy mô 19,6ha, tổng vốn đầu tư dự án là hơn 400 tỷ đồng (liên danh với Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Xuân Hưng, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Phúc Thành).
Việc Tập đoàn Miền Trung trúng thầu hàng loạt các dự án “khủng” tại Thanh Hóa mà đa số các sự án đều lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu đã khiến dư luận đặt câu hỏi liệu tỉnh Thanh Hóa có dành quá nhiều ưu ái cho doanh nghiệp này hay không?
Bên cạnh đó, Tập đoàn Miền Trung còn là cái tên tham gia đầu tư Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn theo hình thức BOT, với quy mô 4.111 tỷ đồng (liên danh cùng Tổng công ty 319 và CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi); dự án BT Thái miếu nhà Hậu Lê, có quy mô đầu tư khoảng 300 tỷ đồng tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa…
Việc Tập đoàn Miền Trung trúng thầu hàng loạt các dự án “khủng” tại Thanh Hóa mà đa số các sự án đều lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu đã khiến dư luận đặt câu hỏi liệu tỉnh Thanh Hóa có dành quá nhiều ưu ái cho doanh nghiệp này hay không?
Theo tìm hiểu của PV, Tập đoàn Miền Trung có địa chỉ tại số 479 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa với vốn điều lệ đăng ký 2.089 tỷ đồng.
Tập đoàn Miền Trung mang bản chất là một công ty gia đình, được sở hữu và chi phối bởi vợ chồng ông Mai Xuân Thực (SN 1954). Những năm gần đây, ông Thực đang từng bước thực hiện các hoạt động chuyển giao tập đoàn sang cho thế hệ thứ hai. Ông Mai Xuân Thông (SN 1979) – con trai ông Thực – hiện đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Miền Trung và sẽ là người nối tiếp cha trong sứ mệnh phát triển tập đoàn.
Ông chủ của Tập đoàn Miền Trung không những là một nhân vật tầm cỡ, có sức ảnh hưởng rất lớn đối với giới doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa mà còn có tiếng nói trong chính quyền. Theo đó, ông Mai Xuân Thông là Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là Tỉnh ủy viên Thanh Hóa nhiệm kì 2015 – 2020.
TPO - Trong các thầy, cô giáo được tôn vinh ở giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP. Đà Nẵng năm 2024, có nhiều tấm gương vừa xuất sắc trong hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học; vừa là cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt huyết.
TPO - Ngày 17/11, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và tổng kết đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 1.200 hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (đề án 766).
TPO - Ngô Xuân Mai (THPT Tứ Kỳ, Hải Dương) là nữ sinh đầu tiên đoạt vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25. Xuân Mai đã có trận đấu xuất sắc khi liên tục dẫn đầu đoàn đua và giành chiến thắng với số điểm cao.