Táo quân 2013: Phơi trần giáo dục...'đá xoáy' The Voice

Táo quân 2013: Phơi trần giáo dục...'đá xoáy' The Voice
TP - Nhiều đất diễn và chạm tới bức xúc của dân năm vừa qua, Táo Dân sinh có thể coi tỏa sáng nhất đêm Táo quân 2013, tại buổi ghi hình tối 26-1 ở Cung Văn hóa Hữu nghị.

> Táo Quân 2013: Xuân Bắc lả lướt, Công Lý nam tính
> 'Đột nhập' hậu trường Táo Quân 2013

Mới về hình thức

Năm nay có ba buổi ghi hình bắt đầu từ đêm tổng duyệt 25-1. Vé Táo quân năm nào cũng sốt xình xịch, năm nay dù bán rộng rãi nhưng vẫn khan hiếm. Chỗ ngồi làng nhàng cũng bị phe vé quát 1 triệu đồng trở lên.

Gặp nhau cuối năm 2013 đánh dấu 10 năm Táo quân lên sóng VTV mỗi tối giao thừa. Sau lần mượn hình thức Idol để thi Hoa táo, năm nay là màn báo cáo sáng tạo theo phong cách huấn luyện viên The Voice. Sân khấu đầu tư kỹ lưỡng hơn năm ngoái, điểm nhấn là bốn chiếc ghế chính chủ theo thứ tự: Táo Giao thông, Văn thể, Dân sinh và Kinh tế.

Nỗ lực đổi mới nhưng Táo quân 2013 chưa hẳn hoàn hảo. Nhiều từ ngữ vẫn phải lôi ra dùng lại từ các năm trước: điên đảo, bầm dập cho ê chề ra. Chương trình gần 4 tiếng, lên sóng được biên tập gọn lại, hy vọng đạo diễn kịp trau chuốt những đoạn còn phô.

Dù các nhà làm chương trình chẳng thừa nhận đá xoáy The Voice, nhưng khán giả biết ngay những câu bông đùa gọi đúng bốn vị HLV The Voice.

“Em ơi về với đội anh” cùng với hành động khoe nhẫn kim cương, NSƯT Chí Trung gợi nhớ Mr. Đàm. “Đừng về với anh ấy Tào ơi, về với chị nhé”- giọng điệu và cử chỉ của Văn thể, sau còn thêm màn khóc lóc nữa quá đủ để nói về Thu Minh.

Tối 25, câu “Quốc Cường phải để cho Hà Hồ” đêm ghi hình sau được đổi lại thành: “Tào là phải để cho Dân sinh. Chị có khả năng biến những người có thân hình mảnh mai như em trở nên quyến rũ”.

Bốn chiếc ghế cùng với nút bấm cho các Táo được quyền đá đểu vấn đề của nhau, coi như một cách chữa đơn điệu. Thế nên mới có chuyện Táo Giao thông xin số tiền tí ti 100 ngàn tỷ đồng để xây bảo tàng giao thông theo phương châm cứ xây rồi nghĩ đến trưng bày sau.

Ý định xây xong sảnh bảo tàng cho thuê tổ chức đám ma, đám cưới khiến Nam Tào-Bắc Đẩu liên tưởng ngay đến dự án xây khu liên hiệp thể thao hoành tráng cho thuê làm nhà hàng, karaoke. Lại đá đểu Văn thể.

Ngay từ đầu, sau màn múa phụ họa của Bắc Đẩu cùng top múa của ca sĩ Mỹ Dung, Nam Tào-Bắc Đẩu có dịp tung hứng đủ thứ: Nào là phẫu thuật thẩm mĩ, chuyển đổi giới tính. Nào chuyện áo ngực có chứa chất lạ. Rồi quy định mỗi đám cưới chỉ mời 300 khách, khiến vị khách thứ 301- Nam Tào ấm ức chỉ kịp nhét phong bì qua khe cửa.

Nương nhẹ Tế-Thông

Mọi năm, Giao thông và Kinh tế bao giờ cũng được báo cáo sớm, nhiều đất diễn và đồng nghĩa nóng nhất buổi chầu. Ấy thế mà năm nay, Kinh tế né bằng bản báo cáo qua loa về nợ xấu, thất nghiệp, doanh nghiệp chết hàng loạt rồi lý luận “khủng hoảng chung chứ có phải riêng mình em đâu”.

Để minh họa cho thực trạng những con tàu lớn bị “cưa-cắt-bán phát một”, Quang Thắng cùng vũ đoàn trình diễn điệu nhảy flashmod kết hợp âm nhạc Hoang mang style (phỏng theo Gangnam style ).

Âm điệu “một năm kinh tế buồn” lặp đi lặp lại trong phần chầu của Quang Thắng. Chuyện doanh nghiệp không tiếp nhận được tiền vay vốn nên chết sặc, không kiểm soát được ngân hàng để nợ xấu kéo dài… là một phần bức tranh kinh tế cả nước năm qua.

Chẳng biết có phải dụng ý hay không, nhưng Ngọc Hoàng rồi hai vị hay vặn vẹo Nam Tào-Bắc Đẩu cho qua phần Kinh tế hơi sớm.

Vấn đề giao thông cũng nóng không kém trong năm qua, nhưng trong bản báo cáo đi quá sâu vào những chuyện đã cũ: tắc đường, tai nạn giao thông, xây cầu vượt, đường cao tốc vừa làm đã hỏng, hầm đường bộ thấm nước.

Màn báo cáo bằng thơ của Chí Trung có vẻ ảnh hưởng từ niềm say mê facebook, và đăng thơ con cóc hàng ngày của anh: “Nào ai vô cảm được đâu/ Vẫn vấn đề đó đau đầu bao năm/ Nói ra lại bảo chơi khăm/Dân ý thức kém tôi chăm thế nào”... Chuyện thu phí chồng phí, phạt vi phạm nhiều để bù ngân sách, giải quyết nạn tắc đường… được Táo Giao thông nhanh chóng ỉm đi với kiểu đánh lạc hướng: Gửi công văn sang Văn thể đề nghị công nhận tắc đường là di sản văn hóa thế giới, để phát triển du lịch mạo hiểm. Khi bị dồn đến bước đường cùng lại nghĩ ra đề xuất lưu thông theo 12 con giáp, ai tuổi gì ra đường giờ đó!

Nóng vấn đề dân sinh

Trước ngày ghi hình, NSƯT Minh Hằng bảo năm nay có nhiều đất diễn. Ấy thế mà lên sâu khấu, Táo Văn thể bị nhạt. Đủ thứ chuyện như quy định chấn chỉnh ăn mặc hở hang, trùng tu di tích lộn xộn được xướng lên không nhiều sáng tạo.

Được cái, Văn thể kịp gợi lại tình trạng cuồng thần tượng Kpop khi nhắc đến cuộc thi “Oppa và bố mẹ, bạn chọn ai”, hoặc giao lưu với thần tượng oppa, khiến Ngọc Hoàng nổi khùng: “oppa là cái gì thì mặc cha nó”.

Táo Thể thao bêu xấu cầu thủ phê thuốc trong vũ trường, cầu thủ rớt giá, rồi chuyện đá bóng phụ thuộc và hiệu lệnh của ông bầu: Gà cùng một mẹ, phải nắm tay nhau trụ hạng. Minh Hằng là một trong số nghệ sĩ được VTV tặng giấy khen đánh dấu quãng thời gian đóng góp cho Táo quân. Nhưng chị thiếu đi cái duyên đem lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả.

Thổ địa Tự Long và Chiếc khăn piêu

Tự Long với giọng hát ấm, bao giờ cũng được tung ra vào gần cuối chương trình để hâm nóng không khí. Vừa bước ra sân khấu, Tự Long kể câu chuyện anh em nhà nọ đánh nhau, lôi nhau ra tòa chỉ vì bố mẹ chia đất không đều- bằng giọng hát mộc trên nền ca khúc Chiếc khăn piêu. Trong số nghệ sĩ, phần của Tự Long bao giờ cũng đậm đặc âm nhạc nhất. Thổ địa kể tiếp tình trạng nhà nhà người người thi nhau đầu cơ đất, khiến nợ xấu gia tăng do bất động sản đóng băng trên nền nhạc Giăng câu. Ca khúc Chị tôi giờ được chế cho câu chuyện người nông dân bị lừa bán đất.

Ngược lại, Vân Dung năm nay vác bụng bầu lên chầu và gãi đúng chỗ ngứa. Phụ huynh chen lấn, xô đạp cửa trường nộp hồ sơ cho con hồi đầu năm trước sớm được tái diễn ngay cảnh đầu tiên khi Tào-Đẩu còn đang dở câu chuyện về chỉnh trang sắc đẹp.

Nhìn thẳng sự thật nên phần diễn của Vân Dung nhận được những tràng pháo tay, tràng cười sảng khoái nhất.

Mặt trái của giáo dục được phơi bày không thương tiếc: cải cách giáo dục liên miên, bệnh thành tích, giáo viên dạy thêm, khai tử một loạt trường đại học, cô giáo đánh học sinh.

Lý luận của Táo Dân sinh: “Ông Nát Bét, nhà sư phạm nổi tiếng về cải cách giáo dục nói rồi: Học sinh phải chạy điểm, chạy trường, sau này ra trường còn có kinh nghiệm chạy việc”. Nhạc chế ca khúc Ở trường cô dạy em thế tăng hiệu quả cho màn báo cáo ấn tượng.

Dân sinh tưởng được yên thân về chỗ, ai ngờ Kinh tế bấm nút mách tội khiến Ngọc Hoàng cùng Nam Tào-Bắc Đẩu lại lôi Dân sinh ra mổ xẻ.

Này thì nạn phong bì ngành y, này thì y đức khám chữa bệnh cho người dân.

Ngọc Hoàng sử dụng quyền lực cho Dân sinh nếm mùi, biến Táo thành dân thường vào bệnh viện khám bệnh. Màn tung hứng giữa Vân Dung và Xuân Bắc trong màn khám bệnh khiến khán giả cười nghiêng ngả.

Bệnh nhân vào bệnh viện, giờ không đưa phong bì nữa, thay vào đó là mua xèng rồi ném vào mồm bác sĩ máy (Xuân Bắc) với những câu trả lời như máy: Chào chị. Chị là bệnh nhân phải không. Tôi là bác sĩ chuyên khoa, tôi sẽ khám lại cho chị. Kiểu bác sĩ này xem ra tốn kém quá, bệnh nhân Vân Dung bị đau bụng, khám mãi không xong, lại còn phải ném xèng liên tục mà bác sĩ máy cứ lặp lại mấy câu được lập trình. Thêm vấn nạn bác sĩ ăn tiền hoa hồng các công ty dược phẩm- đau bụng nhưng lại kê thuốc đái dầm…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG