Tạo niềm tin để người dân, doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
TPO - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, kết quả quan trọng nhất đạt được trong năm 2019 là đã tạo được niềm tin của xã hội, niềm tin với người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc bỏ tiền ra đầu tư, kinh doanh.

Ngày mai, 30/12, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sẽ khai mạc với sự tham dự của các các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

Đánh giá về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong nă 2019, trước thềm hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, kinh tế, xã hội đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, nhất là những chỉ số vĩ mô. Ví dụ nợ công năm 2018 là 58,4 % thì đến nay giảm xuống còn 56,1 %. Tương tự, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài so với năm trước cũng đều giảm. Đặc biệt quan trọng là 12 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội đều hoàn thành và vượt.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, kết quả quan trọng nhất là đã tạo được niềm tin của xã hội, niềm tin với người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc bỏ tiền ra đầu tư, kinh doanh. “Trong lĩnh vực thể thao, chưa bao giờ chúng ta lại có những thành tích ấn tượng như vậy, lần đầu hai đội tuyển bóng đá nam và nữ vô địch SEA Games 30. Điều đó cho thấy khát vọng, tinh thần Việt Nam là vô cùng lớn trong việc bứt phá, vươn lên”, ông Dũng cho hay.

Bộ trưởng VPCP chia sẻ, khi tháp tùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi dự hội nghị, hoặc thăm các nước thì thấy vị thế của Việt Nam ngày càng nâng lên. Các nước ca ngợi Việt Nam rất nhiều trong đổi mới, trong phát triển kinh tế, xã hội.

Về nhiệm vụ năm 2020, ông Dũng cho biết, Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ tiếp tục đổi mới, cô đọng, ngắn gọn hơn, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra có trọng tâm, thể hiện vai trò kiến tạo của Chính phủ; chú trọng hiệu lực, hiệu quả thực thi gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, không trùng lặp với các Nghị quyết khác của Chính phủ; trong đó ưu tiên những nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển.

Nghị quyết cũng không đưa các nhiệm vụ, giải pháp, trùng với chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, cụ thể của các bộ, ngành, địa phương; chỉ đưa các nội dung thật sự cần thiết, cấp bách, cần sự theo dõi, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Ví dụ như bây giờ người dân đang quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm khí thải thì phải giao chỉ tiêu cụ thể các nội dung trên cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và thành phố Hà Nội. Đơn cử, như chỉ số bụi mịn của Hà Nội trong năm 2019 là 140- 150 thì trong năm 2020 phải làm sao giảm xuống chỉ còn 100. Như vậy, Hà Nội phải có giải pháp ngăn chặn các nguồn phát tán gây ô nhiễm. Cuối năm, Chính phủ sẽ kiểm tra và xem xét và đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể này”, ông Dũng cho hay.

MỚI - NÓNG