Đưa công nghệ vào quản lý
Trên công trường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, chỉ trong 4 tháng trên cương vị nhà đầu tư chính, Tập đoàn Đèo Cả đã giúp thay đổi bộ mặt toàn công trường. Từ chỗ chỉ là các bãi đất hoang ngập nước, sau 4 tháng, đã cơ bản xong nền móng của tuyến đường dài 50km. Cái tên Tập đoàn Đèo Cả gắn liền với các công trình hầm dọc miền Trung, như hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2… Và không kém phần đặc biệt, là “giải cứu” thành công cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn sau hơn 7 năm đình trệ, để chính thức thông xe chỉ cách đây ít ngày. Đó là những công trình có tính lịch sử với ngành giao thông, ghi dấu đậm nét về ý chí, trí tuệ và năng lực chinh phục mọi khó khăn của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Tôi có dịp cùng đi với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng mới thấy hết được cách điều hành “mới lạ” trong doanh nghiệp này. Ngay cổng sân bay Cần Thơ, chiếc xe 45 chỗ chờ sẵn đón cả đoàn đi khảo sát tiến độ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Chiếc xe được thiết kế riêng trở thành văn phòng di động, với đầy đủ trang thiết bị, màn hình truyền hình ảnh trực tiếp từ công trường, máy tính kết nối với các văn phòng để họp trực tuyến. Với chút tò mò, nghi ngờ, tôi nghĩ chắc lại làm “màu mè” gì đây, vì lâu nay các lãnh đạo doanh nghiệp đều đi xe riêng, sau khi thăm công trình 1 lượt, sẽ về họp ở trụ sở điều hành. “Từ sân bay mà về khu điều hành mất gần 2 tiếng, nếu đi xe riêng không làm gì, lãng phí 2 giờ. Nên tôi sắm xe này để đưa tới các dự án, đi đến đâu họp đến đấy. Đặc biệt, đi dọc tuyến vừa kiểm tra vừa họp chỉ đạo, hình ảnh truyền trực tiếp từ flycam, so sánh với các hình ảnh trước đó để đánh giá tiến độ trực quan nhất. Thấy chỗ nào chưa ổn sẽ dừng lại để soi cho kỹ, gõ anh em làm cho chuẩn. Họp xong sớm thì làm việc khác, tiết kiệm thời gian cho mình và cho anh em”, ông Hoàng chia sẻ.
Tới đoạn dự án cần dừng xem trực tiếp, vừa bước xuống xe, tiếng flycam bay vè vè trên đầu, chẳng khác gì ở một sự kiện khởi công, khánh thành nào đó cần hình ảnh đẹp để truyền thông. Chủ tịch Đèo Cả lý giải, công trường trải rộng, nhiều đoạn không dễ tiếp cận, nên flycam được yêu cầu ngày nào cũng phải “bay” dọc dự án 1 lượt. Qua đó nắm tiến độ từng vị trí, giám sát các đơn vị thi công. Ông nào làm ăn bừa bộn, không đảm bảo vệ sinh môi trường là biết ngay. Trước giờ tôi chỉ nghĩ flycam chỉ để quay phim, chụp ảnh, như 1 thiết bị phục vụ cho những sản phẩm nghệ thuật, hay niềm đam mê của cá nhân nào đó, nay biết thêm tác dụng quản lý, giám sát.
Thành công đến từ mô hình quản trị
Tại khu điều hành dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đặt tại thị trấn Cái Bè (Tiền Giang), tôi thêm 1 lần bất ngờ vì ngay cổng vào là màn hình LED khổ lớn, với các thông tin dự án, cập nhật tiến độ để bất kể người dân nào cũng có thể theo dõi, giám sát. Thay vì cảnh tạm bợ, bừa bộn như bao công trường xây dựng khác, khu điều hành dự án này cây xanh phủ bóng, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Các khối phòng ngủ bằng container được cải tạo lại, lắp giường tầng, tủ cá nhân, điều hoà cho 6 người, và có thể tháo rời, tái sử dụng.
Đặc biệt, về quản trị, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, bên cạnh thu hút đội ngũ nhân lực trẻ có trình chuyên môn, chuyên nghiệp, tập đoàn còn hình thành tổ chuyên gia thường trực. Tổ này là những chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm, từ lĩnh vực giao thông tới xây dựng, tài chính, pháp lý, kiểm toán, truyền thông, kể cả lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước đã nghỉ hưu. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng chăm lo cả tới đời sống tinh thần, tâm linh cho cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực được lập kế hoạch chi tiết cho từng bộ phận, từng đối tượng và từng nhân sự cụ thể, gồm cả lãnh đạo cấp cao. Đèo Cả phối hợp cùng một số trường đại học lớn trên cả nước tổ chức các lớp đào tạo riêng cho nhân sự tập đoàn, ngoài các môn học cơ bản, còn có các bài học được đúc kết từ thực tiễn do lãnh đạo tập đoàn trực tiếp biên soạn và giảng dạy. Đèo Cả có hẳn “chiến lược con người”, với các quy hoạch nhân sự để đào tạo, bồi dưỡng, tin tưởng và giao trách nhiệm. Tại doanh nghiệp này, việc một nhà khoa học được thuê quản lý công ty con là bình thường, để khoa học cũng phải có tư duy doanh nghiệp, phong cách của một doanh nhân.
Tại các dự án, giám đốc điều hành không có quyền quyết định về tài chính và nhân sự, các vấn đề đó sẽ do Phó Chủ tịch phụ trách vùng của Tập đoàn quyết định. Hai bên sẽ hỗ trợ, giám sát lẫn nhau, hạn chế sai sót. Ban điều hành Dự án tổ chức thực hiện, Ban Kiểm soát nội bộ kiểm tra và Ban Cố vấn giám sát toàn bộ, tất cả vì một mục đích đảm bảo hoàn thành mục tiêu, chất lượng và tiến độ… Trong suốt một ngày, kể cả trong bữa cơm, Chủ tịch Đèo Cả Hồ Minh Hoàng say sưa nói về các công trình, các dự án, các mục tiêu trong tương lai của tập đoàn. Phân tích, phản biện, thậm chí là “phê phán” về những bất cập trong cơ chế, chính sách, thể chế liên quan đến sự tồn tại và phát triển và hoạt động của doanh nghiệp đầu tư. Thậm chí, còn phê bình nhân viên chậm chạp, hay chuẩn bị bữa ăn thừa thãi gây lãng phí. Đó là một doanh nhân với sự thẳng thắn đến mức “quyết liệt”, một “thái độ” không dành cho người yếu bóng vía. Tuy vậy, sau cùng, tiến độ và chất lượng công trình chính là thước đo duy nhất để khẳng định giá trị doanh nghiệp, tạo niềm tin của xã hội và sự tồn tại của doanh nghiệp, doanh nhân.
Ngành giao thông trước đây cũng có nhiều tổng công ty, ban quản lý dự án hùng mạnh, “lẫy lừng”. Vậy nhưng, sau cổ phần hóa không ít đã rơi vào trạng thái “suy kiệt”, một nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT ví von, những đơn vị này đã thành các doanh nghiệp “hoàng hôn, chiều tím”. Tất cả nằm ở tư duy, có dám làm, dám thay đổi. Cùng 1 chiếc ô tô, 1 flycam, với nhiều người chỉ là công cụ đi lại, giải trí, nhưng với người biết thay đổi, nó trở thành công cụ quản trị hiệu quả.
trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo tại công trường