Bản Cú, xã Thiết Ống vài ngày nay đi đến con ngõ nào cũng gặp người chít khăn tang. Cái lạnh cắt da thịt giữa ngày đông khiến cho bản Mường càng thêm u ám. Các cụ cao niên trong làng bảo rằng, chưa bao giờ xứ Mường nơi đây phải đón nhận nỗi đau lớn đến thế.
Tiếng khóc của những người vợ mất chồng, cha mẹ mất con khiến xóm làng không ai có thể cầm lòng. Không ai bảo ai, hầu hết bà con nghỉ việc đồng áng rồi phân công nhau lo hậu sự cho những người trai đinh vắn số.
Trong số công nhân tử nạn khi mỏ đá Đồng Than đổ sụp, anh Đinh Văn Hoàng (34 tuổi) có hoàn cảnh éo le nhất. Hoàng cưới vợ hơn 10 năm nhưng chưa có con. Người thân cho hay, vì muốn dành dụm tiền đi chữa bệnh hiếm muộn nên ít tháng trước, Hoàng rời làng đi làm thợ đá thuê và dặn dò vợ dành dụm tiền ra năm đi bốc thuốc kiếm mụn con nối dõi. Ý nguyện của vợ chồng chưa thành thì anh mãi mãi ra đi để lại người vợ cô độc.
Nằm ngay bên cạnh cỗ quan tài chồng, chị Tư (vợ Hoàng) khóc cạn dòng nước mắt. “Anh ơi, mới hôm nào còn dặn làm đến Tết về rồi vợ chồng bốc thuốc chữa bệnh sinh con, nhưng anh nói mà anh không giữ lời...”, tiếng khóc người vợ như hờn trách số phận. Khi dân làng buộc cỗ quan tài vào hai cây luồng đi khuất về phía sườn núi cũng là lúc chị ngất lịm.
Bà Hà Thị Dung cho hay, vụ sập mỏ vừa qua đã cướp đi hai đứa cháu họ trong gia đình là Trương Văn Danh (33 tuổi) và Đinh Văn Hoàng. “Hai đứa không sinh cùng ngày nhưng lại làm chung một giỗ. Đúng là tai ương...”, nói đến đây, bà bật khóc.
Bà Dung tâm sự, cả hai cháu đều rất nghèo nên rủ nhau xuống các khu mỏ ở Yên Lâm làm thuê. Mỗi ngày ông chủ trả lương 180.000-200.000 đồng. “Hôm nghe tin, người bản Cú chết hết cả rồi, cả họ ai cũng rụng rời chân tay”, bà Dung nói.
Cái chết đường đột của đứa con trai Trương Văn Danh khiến ông Trương Văn Đức chết lặng. Suốt ngày ông ngồi thu mình trong căn nhà tranh mái lá xác xơ. Ông Đức cho biết, gia đình là hộ cận nghèo, không được ăn học đến nơi đến chốn nên Danh phải xa nhà làm thuê để chăm lo cho hai đứa con mới đang học mẫu giáo.
“Cách đây hai tháng, trong lần về thăm nhà nó còn nói nhà mình nghèo nên con phải cố gắng làm kiếm tiền nuôi con ăn học cho bằng người, rồi còn phải sửa sang lại ngôi nhà tranh đã xuống cấp. Ai ngờ nó mãi ra đi", người cha tâm sự.
Từ khi nghe tin dữ về chồng, chị Túc (vợ anh Danh) liên tục ngất xỉu, người thân phải túc trực bên cạnh. Thi thoảng hồi tỉnh, người vợ trẻ choàng vội dậy đi quanh bàn thờ ngắm nhìn di ảnh chồng. Thấy mẹ phủ phục bên quan tài, hai đứa con của chị là Lam và Lâm chạy vào ngơ ngác rồi đòi điện thoại của mẹ để gọi bố về. Chứng kiến cảnh ấy, không ai cầm được nước mắt.
Ông Phạm Ngọc Tưởng, trưởng bản Cú cho biết, đây là đầu tiên trong bản có ba người chết cùng một ngày là Trương Văn Danh, Đinh Văn Hoàng, Phạm Văn Trường. Họ đều trẻ tuổi, là trụ cột trong gia đình.
“Hôm nay chúng tôi phải chia người đi đào huyệt, chia thời gian để đi đưa các nạn nhân về nơi an nghỉ cuối cùng”, ông Tưởng nói. Ngoài ba người trong bản, trong xã còn có ba người khác là Hà Văn Đức (37 tuổi), Trương Văn Phi (23 tuổi), Lê Văn Quảng (35 tuổi) người ở bản Chiềng và bản Hang.
Trước đó, khoảng 10h ngày 22/1, nhóm lao động của doanh nghiệp Tuấn Hùng đang làm việc tại mỏ đá ở xã Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa) thì bất ngờ hàng nghìn khối đá lớn nhỏ từ độ cao cả trăm mét ở lưng chừng núi lăn xuống. Nghe tiếng động lớn, công nhân bỏ chạy tán loạn, nhưng chỉ vài người thoát nạn. Ba người ngồi trong xe tải chở đá và 5 người làm việc gần đó bị vùi lấp.
Sau gần 30 tiếng nỗ lực tìm kiếm, đến 17h ngày 23/1, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy nạn nhân cuối cùng. Khi được đưa ra ngoài, thi thể nạn nhân đều dập nát, biến dạng do bị đá tảng hàng chục tấn đè lên.
Đại tá Lê Trung Hiếu, người phát ngôn Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan điều tra đang khẩn trương làm rõ nguyên nhân xảy vụ sập mỏ đá thảm khốc làm 8 người chết. Hiện công an chưa khởi tố vụ án.