>> Quảng Nam: Lở núi, chôn vùi hàng chục phu vàng
Đến 10 giờ hôm qua (7/11), đội cứu hộ mới phát hiện được thi thể thứ ba là bà Trương Thị Oanh (50 tuổi, quê Quảng Nam) nhưng phải đến 13 giờ mới đưa được thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát, sình lầy.
Thảm cảnh phu vàng
11 trong số 13 người thiệt mạng đã xác định được danh tính. Trong đó có 3 chị em ruột Đỗ Thị Lới (30 tuổi), Đỗ Thế Tiền (27 tuổi), Đỗ Thế Hậu (25 tuổi); 2 anh em ruột Đỗ Thế Tứ (17 tuổi), Đỗ Thế Hòa (16 tuổi); và Hoàng Văn Côi (34 tuổi) đều quê xã Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Những nạn nhân còn lại là vợ chồng ông Đỗ Phùng Quang (54 tuổi) - Trương Thị Oanh (50 tuổi), Trương Văn Dũng (49 tuổi, em ruột bà Oanh) và Võ Minh Vương (16 tuổi) đều trú tại xã Tam Thái (huyện Phú Ninh, Quảng Nam). Mới có 3 thi thể được tìm thấy là của vợ chồng ông Quang bà Oanh và của anh Hoàng Văn Côi. |
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 11, gần một tuần qua tại huyện Bắc Trà My liên tục có mưa lớn, gây ngập lụt, sạt lở đất, cô lập hầu hết các xã vùng núi cao.
Khoảng 22 giờ ngày 5/11, một khối khổng lồ trên 100.000 m3 đất đá và cây to đã bất ngờ đổ sập xuống cùng với nước xối xả vùi lấp toàn bộ 3 lán trại của những người khai thác vàng sa khoáng trái phép đang nghỉ đêm tại đây.
Diện tích vùi lấp rộng đến hàng chục hécta. 13 người bị chôn vùi vĩnh viễn. Hai người bị thương nhẹ (trong số 7 người sống sót cùng quê Thái Nguyên và ở cùng một lán) vội cắt rừng về báo tin thảm họa cho người dân địa phương.
Lập tức, bất chấp thời tiết mưa lớn rất nguy hiểm, hàng chục đồng bào dân tộc Cadong trong thôn băng rừng vào bãi vàng tìm cách cứu người.
Do lán trại của số người quê Thái Nguyên được xây dựng khá kiên cố, nên bùn đất chỉ lấp một lớp dày, chưa sập lán và còn khoảng trống để thở. Người dân bới đất đá, sình lầy kéo được 5 người còn lại trong lán trại này ra ngoài, thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.
Quá vui mừng, cả 7 người sống sót sau đó đã tìm đường về quê ngay trong đêm, không để lại danh tính.
Riêng hai lán trại còn lại, một lán 4 người là người dân xã Tam Thái (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) lên đây làm rẫy, lán còn lại 10 người, là những phu vàng quê xã Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), thì chỉ còn mỗi anh Đỗ Thế Hưng (khoảng trên 30 tuổi, quê Thanh Hóa) nhô phần đầu ra ngoài đất đá được người dân địa phương kéo ra ngoài trong tình trạng sức khỏe rất yếu, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Quảng Nam.
Bới đào trong nước mắt
Hiện trường vụ lở núi - Ảnh: B.B |
Sáng sớm hôm sau, 6/11, huyện Bắc Trà My thành lập tổ công tác đột xuất gồm các tất cả các ban ngành liên quan 22 thành viên có mặt ngay tại hiện trường, tổ chức tìm kiếm người bị nạn.
Tuy nhiên do mưa gió, đường sá lầy lội cách trở, sông Nước Vin dâng cao và chảy xiết, cắt đứt lưu thông vào địa điểm sạt lở. Điểm sạt lở cách đường lộ khá xa, đi bộ gần 1 giờ đồng hồ, đồi núi hiểm trở. Muốn đến nơi, phải dùng phao kéo qua sông Nước Vin rất nguy hiểm.
Chiều tối ngày 6/11, UBND tỉnh Quảng Nam đã huy động nhiều phương tiện cơ giới như xe múc, xe ủi trọng tải lớn và gần một trăm cán bộ chiến sỹ bộ đội công binh, bộ đội biên phòng và bộ đội địa phương tổ chức tìm kiếm cứu nạn.
Khối lượng đất đá khổng lồ, lại chủ yếu phải đào bới bằng cuốc xẻng, đến chiều qua đưa được thi thể nạn nhân thứ ba ra khỏi đống đổ nát.
Sáng ngày 7/11, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo việc tìm kiếm những người xấu số.
Ông Lê Phước Thanh cho biết: Huyện và tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo dùng mọi phương tiện có thể để tìm bằng được thi thể những người xấu số bị vùi lấp, đồng thời hỗ trợ cho gia đình có người chết 5 triệu đồng/người chết để lo mai táng.
Trực tiếp chỉ huy đoàn cứu nạn tại hiện trường, đại tá Lê Thanh Tùng - Chỉ huy Trưởng BĐBP Quảng Nam quả quyết, đoàn tìm kiếm cứu nạn sẽ quyết tâm tìm kiếm xong toàn bộ thi thể nạn nhân mới rút quân.
Hôm qua, thêm 2 xe múc và xe ủi trọng tải lớn được tăng cường mở đường công vụ vào hiện trường. Dự kiến đến trưa hôm nay (8/11), việc mở đường công vụ mới hoàn tất.
Tại Quảng Nam hiện có hàng trăm địa điểm khai thác vàng trái phép, riêng huyện Bắc Trà My có trên 20 điểm khai thác vàng, quặng thiếc tập trung ở các xã Trà Tân, Trà Giang, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Nú, Trà Kót và Trà Giác. Do địa hình đồi núi hiểm trở, lực lượng mỏng, nên dù nhiều lần tổ chức truy quét đẩy đuổi nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Những tụ điểm khai thác vàng trái phép có nguy cơ bị sạt núi, vùi lấp trong mùa mưa như trên hiện còn khá phổ biến. |