> Sẽ đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng
Tại hội thảo lấy ý kiến về chính sách thai sản 6 tháng trong Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 19-9, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam) cho biết, từ năm 2007 - 2010, Quỹ ốm đau và thai sản do người sử dụng lao động đóng bằng 3% quỹ lương đã thu được hơn 19,8 nghìn tỷ đồng.
Số tiền chi cho chế độ ốm đau, thai sản và dưỡng sức chỉ 68,07%, trong đó chi cho trợ cấp sinh con và nuôi con chiếm 46%. Như vậy, số tiền dư của Quỹ đến cuối năm 2010 (kể cả lãi đầu tư) còn hơn 7,1 nghìn tỷ đồng.
Theo BHXH Việt Nam, nếu giữ nguyên mức hưởng các chế độ theo quy định hiện hành (chế độ ốm đau, thai sản khi khám thai, nạo/hút thai…), thì dù có tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, số tiền chi trả trợ cấp cũng chỉ ở mức hơn 85% của nguồn thu. Dự kiến đến năm 2030, số chi bằng 92% số thu và quỹ vẫn còn dự phòng tới 8%. Như vậy vẫn đảm bảo Quỹ ở mức an toàn.
Bà Nguyễn Thu Hồng - Phó Ban Nữ công, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, kết quả điều tra mới đây về nghỉ thai sản và nuôi con bằng sữa mẹ của lao động nữ tại một số KCN lớn sử dụng nhiều lao động nữ ở 12 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, trong thời gian nghỉ thai sản, có 81,5% nữ công nhân lao động được hưởng lương hoặc BHXH từ 4 đến 5 tháng. Có khoảng 9% lao động không được doanh nghiệp trả lương và BHXH. Mức lương trong thời gian nghỉ thai sản quá thấp, từ 700 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng.
Bà Phan Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc một doanh nghiệp nông sản 100% vốn Nhật Bản đóng tại Hòa Bình đề xuất, khi nguồn dư của Quỹ ốm đau thai sản còn nhiều thì sử dụng để xây dựng các nhà trẻ công lập, có đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng nhằm giảm gánh nặng cho lao động nữ.
Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, trong quá trình lấy ý kiến tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ lên 6 tháng, đã nhận được sự đồng tình của nhiều Tổng Cty, doanh nghiệp lớn có sử dụng nhiều lao động nữ. Các Cty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng rất ủng hộ. Tuy nhiên, ngoài việc nâng thời gian nghỉ thai sản để chị em có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ, phát triển nòi giống, nhiều ý kiến còn cho rằng, Bộ Luật Lao động sửa đổi cũng nên có những quy định cụ thể về trợ cấp nuôi con, trợ cấp phí gửi trẻ và mạng lưới các trường mầm non tại các KCN, KCX.