Tăng 'sức đề kháng' chống tin xấu, độc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mỗi bạn trẻ cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tự tạo “sức đề kháng” trước mọi luận điệu xuyên tạc, kích động và tỉnh táo trước những thông tin giả, xấu độc trong quá trình tham gia không gian mạng.
Tăng 'sức đề kháng' chống tin xấu, độc ảnh 1

Thanh niên Việt Nam luôn thể hiện niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng. Ảnh: Dương Triều

Đó là những chia sẻ của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Vai trò của tổ chức Đoàn trong việc phòng chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng hiện nay”, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với T.Ư Đoàn tổ chức, ngày 5/1.

Mạng ảo nhưng hậu quả thật

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, mạng xã hội đã phát triển với tốc độ nhanh chóng, không chỉ trở thành phương tiện phổ biến kết nối mọi người trên toàn cầu, mà còn là công cụ để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và cả một bộ phận người dân kém hiểu biết lợi dụng để đăng tải thông tin giả, tin xấu độc nhằm làm xáo trộn, phức tạp hóa các vấn đề chính trị - xã hội hay xuyên tạc, bóp méo sự thật.

“Những thông tin giả, tin xấu độc ấy giống như loại virus, có tốc độ lây lan rất nhanh và ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội, trong đó, tác động trực tiếp đến tâm lý, ý thức, tư tưởng chính trị của đoàn viên, thanh niên”, TS. Lâm nói.

“Trước nạn tin giả, thông tin xấu độc đang tràn lan, khó kiểm soát trên mạng xã hội, thanh niên là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Điều đó đòi hỏi phải có những biện pháp, cách thức để phòng, chống nạn tin giả, thông tin xấu độc cho thanh niên”, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm đề xuất.

Theo Thượng tá Trần Hữu Dũng, Phó Trưởng ban Thanh niên Quân đội, tác hại của những thông tin xấu, độc trên không gian mạng là không hề nhỏ, đúng như câu nói “mạng ảo nhưng hậu quả thật”. “Thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng lớn tới nhận thức, tư tưởng của người tiếp nhận, làm nảy sinh những tình cảm, cảm xúc thiếu lành mạnh (ác cảm, định kiến…). Nhận thức và tình cảm đó sẽ chỉ đạo con người có hành động, lối sống không đúng, thúc đẩy họ chống lại, đi ngược lại những giá trị cốt lõi chân - thiện - mỹ”, Thượng tá Dũng nói.

Để ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội, Thượng tá Dũng đề xuất cần tăng “sức đề kháng” cho mỗi bạn trẻ thông qua giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống; không ngừng bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhân dân và không lung lay trước những thông tin xấu, độc.

Tự tạo “sức đề kháng”

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp trên các mặt trận, nhằm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng chống thông tin xấu độc. Trong đó, Đoàn tập trung vào hai nhóm nhiệm vụ lớn là tăng cường thông tin tích cực, định hướng, giáo dục nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho đoàn viên, thanh niên; và tham gia đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Từ năm 2018, T.Ư Đoàn phát động cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội. Đến nay cả nước có khoảng 4 triệu tin tốt, câu chuyện đẹp được đăng tải. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn kết nối lực lượng nòng cốt đấu tranh trên mạng xã hội của tất cả các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc. Hơn 4.000 tài khoản trang cộng đồng của các cấp bộ Đoàn đã được kết nối để đăng tải thông tin thống nhất, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Anh Tuấn cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tin giả, xấu độc; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, T.Ư Đoàn tiếp tục đổi mới phương thức giáo dục chính trị cho đoàn viên, thanh niên; kiên trì quan điểm “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội và định hướng dư luận trong thanh niên thông qua đội ngũ cộng tác viên, mạng lưới thăm dò dư luận, đối thoại trực tiếp.

Tại Hội thảo, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy nhấn mạnh, tổ chức Đoàn các cấp và cán bộ, đoàn viên phải đóng vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt tham gia đấu tranh phòng chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng.

Theo anh Huy, cán bộ, đoàn viên, thanh niên, cần chủ động học tập lý luận chính trị, nghiên cứu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi bạn trẻ cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, kiên định, tự tạo “sức đề kháng” trước mọi luận điệu xuyên tạc, kích động và tỉnh táo trước những thông tin giả, xấu độc trong quá trình tham gia không gian mạng.

“Mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên phải tự nhận thức bản thân là một chiến sỹ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Chúng ta phải có đủ tri thức, kiến thức và kỹ năng “sàng lọc”, “giải độc” thông tin và chủ động trở thành một “vệ tinh”, một “cánh tay nối dài” trong công tác tuyên truyền và đấu tranh phòng chống thông tin giả, xấu độc trên không gian mạng”, anh Huy nói.

Trong khuôn khổ hội thảo, T.Ư Đoàn ra mắt cuốn sách điện tử “Vững vàng niềm tin - Tự hào tiến bước”. Cuốn sách tập hợp các bài bình luận của các thế hệ cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên về bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách tập hợp 55 bài viết, dày 556 trang do NXB Thanh niên xuất bản dưới hình thức điện tử.

MỚI - NÓNG