> Năm 2020, hàng triệu thanh niên Việt Nam có thể ế vợ
Tỷ lệ nam đang gia tăng nhanh chóng. Ảnh: Thái Hà. |
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2004, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) ở Việt Nam bắt đầu tăng, số lượng bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái, không đồng đều trên các vùng lãnh thổ và giữa các nhóm dân cư. Sự mất cân bằng TSGTKS khác nhau giữa các khu vực.
Theo đó, ở phía Bắc (trừ khu vực miền núi và trung du Bắc bộ), tỷ số giới tính ở nông thôn cao hơn khu vực thành thị. Nhưng ở phía Nam thì ngược lại, tỷ số giới tính khi sinh ở thành thị cao hơn ở nông thôn.
Tính phức tạp của TSGTKS không chỉ theo vùng địa lý mà còn theo đặc điểm kinh tế xã hội. Hiện tượng mất cân bằng TSGTKS có quan hệ chặt chẽ đến một loạt các yếu tố như dân tộc, trình độ, việc làm của người mẹ, và tình trạng nhà ở của hộ gia đình.
Các chuyên gia dân số thừa nhận, Việt Nam đã có một sự thay đổi nhanh bất thường trong tỷ số giới tính sơ sinh vài năm gần đây. Năm 2000, tỷ lệ bé trai- gái là 106/100, tới năm 2008, tỷ lệ này tăng lên 112/100.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, mất cân bằng TSGTKS tăng nhanh bất ngờ trong vài năm gần đây. Và kết quả, tỷ lệ này của Việt Nam ngang bằng với Grudia, Pakistan và Ấn Độ. Có những năm, sự gia tăng lên đến 1%/năm kể từ 2006 đã dẫn tới việc cứ 116 trẻ trai thì mới có 100 trẻ gái ở thời điểm hiện tại.
Ông Bruce Campbell, đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết tình trạng mất cân bằng TSGTKS xảy ra trên thế giới trong khoảng một đến hai thập kỷ trở lại đây, chủ yếu ở những nước triển khai chương trình kế hoạch hóa gia đình (hạn chế số con sinh trong gia đình).
Khu vực Tây Nguyên, TSGTKS tương đối cân bằng: 107,1 (107,1 nam/100 nữ), Đồng bằng sông Hồng là 117,1; Trung du và miền núi phía Bắc là 112,4; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 111,1; Đông Nam bộ là 111,8 và Đồng bằng sông Cửu Long là 113,8. Sự gia tăng tỷ số không đồng đều giữa các vùng miền đã làm cho tỷ số trung bình trên cả nước là 110,6. |
Một trong những yếu tố chính dẫn tới sự gia tăng chênh lệch nam nữ tại Việt Nam là, người dân dễ dàng tiếp cận được với công nghệ quyết định chọn lọc giới tính, vốn giúp các cặp vợ chồng muốn có một hoặc nhiều con trai.
Ông Tân khẳng định, mất cân bằng TSGTKS sẽ tác động tiêu cực lên cơ cấu dân số của Việt Nam trong tương lai. Cụ thể là sẽ tác động trực tiếp đến giới trẻ trong việc tìm kiếm bạn đời, tạo ra sức ép hôn nhân với tình trạng rất ít đàn ông tìm được phụ nữ để kết hôn.
Ngoài ra, dư thừa nam giới sẽ là nguyên nhân làm gia tăng các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, HIV… Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái có thể sẽ gia tăng.
Để TSGTKS có thể trở về mức cân bằng, theo ông Tân, người dân phải cân đối giữa nhu cầu con trai để nối dõi tông đường với an ninh quốc gia về mặt cơ cấu dân số. Việt Nam cũng cần tham khảo một số nước tương tự trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc đã thành công trong việc đưa TSGTKS trở lại ngưỡng tự nhiên.
Thời gian qua, Tổng cục DS-KHHGĐ đã triển khai các hoạt động nhằm ngăn ngừa giảm thiểu sự mất cân bằng TSGTKS. Tuy nhiên, ông Bruce Campbell cho hay, phân tích định lượng cho thấy, ở Việt Nam, vấn đề này có tính phức tạp, nhiều phát sinh mới và không thể giải quyết một sớm một chiều, vì vậy phải sử dụng kết hợp nhiều biện pháp can thiệp.
Nhưng biện pháp nào thì cũng phải cần thời gian mới có thể thay đổi hành vi của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng dân cư.