Ngày 14/1, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế, xã hội trong năm 2021. Chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và bà Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương.
Tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương thông tin, trong năm 2021, địa phương ghi nhận 291.547 ca mắc COVID-19; trong đó có 93,9% bệnh nhân đã khỏi bệnh và 3.309 ca tử vong (tỷ lệ 1,1%).
Hiện, Bình Dương còn 18 khu/cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 (thời điểm cao nhất có đến 33 cơ sở điều trị và 173 khu cách ly tập trung), với số giường hiện đáp ứng công suất điều trị tối đa cho 4.506 giường. Hiện còn 25.885 bệnh nhân đang điều trị tại nhà và đang điều trị 626 bệnh nhân tại các cơ sở điều trị.
Trong đó: Tầng 1 đang điều trị cho 209 người/tổng số giường 1.899 (tỷ lệ 11%); Tầng 2: đang điều trị cho 257 người/tổng số giường 1.957 (tỷ lệ 13,1%); Tầng 3: đang điều trị cho 160 người/tổng số giường 650 (tỷ lệ 24,6%).
Theo TS.BS Chương, từ đợt dịch thứ 4 bùng phát, đã có 60 đoàn chi viện cho Bình Dương với 3.406 người (686 bác sĩ, 1.195 điều dưỡng/y sĩ/kỹ thuật viên, 1.521 sinh viên và 4 phục vụ). Sử dụng hiệu quả 3.958 cán bộ, chiến sĩ được Bộ Quốc phòng hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch (không có chuyên môn ngành y 2.997 người; chuyên môn ngành y 961 người).
“Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở ngay trong năm 2022, Bình Dương phấn đấu có 8,5 bác sỹ và 23,4 giường bệnh trên 10.000 dân (hiện đang hơn 7 bác sĩ trên 10.000 dân)”, Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương.
Cùng với đó, tỉnh Bình Dương thành lập 5.788 Tổ COVID cộng đồng, Tổ COVID khu nhà trọ và 11.056 Tổ an toàn COVID tại doanh nghiệp.
Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết, ngành y tế chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, cấp cứu bệnh nhân để giảm tử vong do bệnh dịch COVID-19 và các bệnh mùa Đông Xuân. Tính toán nhu cầu về nhân lực, trang thiết bị, thuốc, kinh phí...đáp ứng khi dịch bệnh do biến thể Omicron bùng phát trên địa bàn tỉnh (4.000-5.000 ca bệnh/ngày và 8.000-10.000 ca bệnh/ngày).
Duy trì và hoạt động có hiệu quả các Trạm Y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn và trong khu, cụm công nghiệp ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, ngay tại cơ sở để giảm thiểu nguy cơ tử vong đến mức thấp nhất.
Bổ sung nhiệm vụ của các Tổ COVID cộng đồng, hỗ trợ trạm y tế/trạm y tế lưu động triển khai quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú. Phân công, bố trí cán bộ trực Tết 24/24 giờ hiệu quả, hợp lý vừa đảm bảo công tác trực gác để thu dung, điều trị bệnh nhân vừa đảm bảo sức khỏe cho cán bộ y tế tại cơ sở.
Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương sẽ chi hỗ trợ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 tổng số tiền gần 230 tỉ đồng, tăng 7% so thực hiện năm 2021 (Mức chi cao nhất là 5 triệu đồng/người và thấp nhất là 500.000 đồng/người).
Trong đó, viên chức thuộc ngành giáo dục, y tế làm việc xa nhà, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đủ điều kiện về quê ăn Tết, dự kiến 385 người, mức chi 500.000 đồng/người.
Hỗ trợ người phục vụ trong các khu điều trị COVID-19, dự kiến 685 người, mức chi hỗ trợ là 2.000.000 đồng/người, tăng 1.000.000 đồng so với năm trước.
Hỗ trợ Bí thư Chi đoàn Thanh niên công nhân, Chi hội trưởng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên công nhân nhà trọ, Câu lạc bộ nữ nhà trọ, cán bộ làm công tác đoàn kết tập hợp thanh niên công nhân, dự kiến 2.470 người, mức chi 500.000 đồng/suất.
Công nhân trực tiếp làm công tác vệ sinh, thu gom rác trong những ngày nghỉ Tết (thuộc các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, xí nghiệp công trình đô thị), dự kiến 167 người, mức chi 5.000.000 đồng/người.