Tăng mạnh ca sốt xuất huyết, nhiều bệnh nhân nặng nguy cơ tử vong cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thời điểm hiện tại, theo ghi nhận tại một số bệnh viện, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng đang gia tăng. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng so với đầu tháng 8, trong đó gần 10 ca nặng. Trên cả nước, số mắc và tử vong do bệnh này cũng đang tăng cao.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, sốt xuất huyết vẫn đang tiếp tục tăng mạnh và diễn biến phức tạp với nhiều ca nặng và tăng số người chết. Kể từ đầu năm, cả nước đã ghi nhận 62 ca tử vong.

Cụ thể, từ 19/7 - 18/8, cả nước có 62.411 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 25 trường hợp tử vong. Như vậy so với thống kê 1 tháng trước đó (19/6 - 18/7), số ca mắc đã tăng 12.600 ca. Đặc biệt, số ca tử vong tăng 17 ca, tức cao hơn gấp 3 lần. Tính chung 8 tháng năm nay, cả nước có 165.844 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 62 trường hợp tử vong.

Ghi nhận tại một số bệnh viện, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng cũng đang gia tăng. Điển hình, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng so với đầu tháng 8, trong đó gần 10 ca nặng. Một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, thiếu máu, phổi tổn thương, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu nặng, nhiễm axit máu, suy thận…

Hiện tại mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 3-6 ca nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Tuần trước, khoa tiếp nhận 4 bệnh nhân nặng, trong đó một ca tử vong sau khi chuyển viện, 3 ca đã thoát nguy kịch và chuyển điều trị tại khoa khác.

Trường hợp tử vong là nam thanh niên vào viện ở ngày thứ 6 của bệnh. Khi được chuyển vào khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã có dấu hiệu suy hô hấp, xuất huyết trong cơ, thoát dịch, rối loạn chuyển hoá nặng, suy đa tạng. Dù đã đặt ống nội khí quản, thở máy nhưng bệnh nhân tiên lượng nguy kịch, chuyển viện khác và tử vong sau đó.

Hiện khoa đang điều trị 2 ca sốt xuất huyết có địa chỉ ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải lọc máu, thở máy, trong đó một ca có tiên lượng dè dặt. Đó là nữ bệnh nhân 42 tuổi, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày thứ 6 khởi phát bệnh. Bệnh nhân mắc tiểu đường, tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà trước đó. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị ngừng tuần hoàn, rối loạn đông máu nặng, suy gan, suy thận, suy hô hấp. Bác sĩ phải chỉ định đặt ống, thở máy, lọc máu, sử dụng thuốc vận mạch để nâng huyết áp, truyền các chế phẩm máu và sử dụng dung dịch cao phân tử do bị thoát dịch nhiều. Tuy nhiên, bệnh nhân giảm tiểu cầu, xuất huyết tiêu hoá, kèm xuất huyết trong cơ, vô niệu hoàn toàn, tiên lượng tử vong rất cao.

Trường hợp thứ 2 là nữ bệnh nhân 38 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội, vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ở ngày thứ 4 với triệu chứng sốt cao, đau đầu, tự điều trị tại nhà 2 ngày bệnh không giảm. Vào khoa Cấp cứu trong, chị khó thở, thiếu máu, phổi tổn thương, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu nặng, suy thận. Bệnh nhân không đáp ứng tốt với liệu pháp thở ô xy nên bác sĩ chỉ định cho thở máy, lọc máu liên tục.

Tuần vừa qua, đã có 4 trường hợp tử vong mà nguyên nhân chính là do bệnh nhân chủ quan, vào viện muộn khi bệnh diễn biến quá trầm trọng, các biện pháp can thiệp không thể cứu chữa. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, sốt xuất huyết là một bệnh cấp tính nên diễn biến nặng rất nhanh chóng. Người bệnh từ khi có dấu hiệu cảnh báo cho đến khi xuất hiện sốc, nếu không được xử lí phù hợp thì có thể chỉ khoảng vài tiếng.

Tăng mạnh ca sốt xuất huyết, nhiều bệnh nhân nặng nguy cơ tử vong cao ảnh 1

Bác sĩ điều trị ca sốt xuất huyết nặng tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bác sĩ Cấp cho biết: “Bốn trường hợp tử vong do sốt xuất huyết phản ánh một số vấn đề. Do cộng đồng đang lưu hành cả ba bệnh gây sốt là COVID-19, cúm và sốt xuất huyết nên nhiều người dân bị sốt không nghĩ đến sốt xuất huyết ngay. Đến khi có diễn biến khá nặng như chảy máu, choáng, sốc thì mới vào viện. Bệnh có diễn biến rất phức tạp, trở nặng nhanh. Sự chồng chéo bệnh lí dẫn đến đánh giá nhận định tình trạng bệnh đôi khi không dễ dàng với mọi bác sĩ ở các tuyến”.

"Có một số ít trường hợp do thầy thuốc tuyến dưới nhận định chưa thật sự chính xác, dẫn đến xử lí chưa đúng với diễn biến thực khiến bệnh nhân trở nặng, còn lại phần lớn do cơ địa bệnh nhân hoặc các bệnh nền khiến diễn biến bệnh trầm trọng lên", bác sĩ Cấp nói.

Số ca mắc và bệnh nặng sẽ tăng

Theo các chuyên gia dịch tễ, dịch sốt xuất huyết ở miền Bắc thường bắt đầu từ tháng 7 – 11 hằng năm. Thời điểm tháng 9, tháng 10 sẽ là đỉnh dịch. Tuy nhiên, bác sĩ Cấp nhận định, càng về cuối mùa dịch thì số ca nặng tăng lên mặc dù số ca mắc có giảm đi. Vì vậy, tháng 10 và 11 vẫn cần phải chuẩn bị đối phó với số ca nặng tăng lên. Năm nay, sốt xuất huyết có diễn biến bất thường khi nhiều ca nặng xuất hiện sớm hơn.

Lí giải điều này, chuyên gia cho rằng, có thể là đặc tính của virus hoặc diễn biến trên quần thể bệnh nhân có thay đổi, đặc biệt là sau một giai đoạn dài chống COVID-19, số người bị nhiễm COVID-19 rất nhiều, miễn dịch của người dân thay đổi, điều đó cũng làm ảnh hưởng đến diễn biến trên bệnh nhân sốt xuất huyết...

Trước thực tế nhiều người mắc sốt xuất huyết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo người dân tuyệt đối không nên tự ý điều trị và truyền dịch tại nhà. Bởi khi truyền dịch tại nhà, nếu không có sự kiểm soát chặt của nhân viên y tế, bệnh nhân có thể bị phản vệ ngay với dịch truyền.

Trong khi đó, điều kiện cấp cứu tại nhà không thể tốt và đầy đủ như ở các cơ sở y tế, đặc biệt là các hộp chống sốc cũng như các phương tiện cấp cứu khác. Ngoài ra, không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng cần được truyền dịch. Bởi dịch truyền đôi khi làm tăng gánh nặng của tim, gây ra tình trạng nguy hiểm ở nhóm người mắc bệnh tim mạch hay hô hấp.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.