Tăng cường vị thế và tiếng nói của phụ nữ: Chuyện kể từ những đồng vốn không lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
Tại xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, một làn sóng thay đổi đang diễn ra từ những câu chuyện giản dị của những người phụ nữ dân tộc thiểu số. Họ là những người đang nỗ lực viết lại câu chuyện cuộc đời mình với sự hỗ trợ từ chương trình vay vốn không lãi suất từ dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng”.

Khởi đầu gian nan

Một năm trước, chị Giàng Thị D. (thôn Sân Bay, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà) và chồng còn chật vật với cuộc sống khó khăn. Sáng nào cũng vậy, họ thức dậy từ sớm để làm nương rẫy và chăm đàn gia súc nhỏ. Hai vợ chồng cũng mở thêm một tiệm tạp hóa để có đồng ra đồng vào. Vất vả là vậy, tổng thu nhập mỗi tháng của cả hai vợ chồng vẫn không vượt quá 5 triệu đồng.

Thời gian trôi qua trong lo toan, cho tới một ngày chị D. nghe được thông tin về việc vay vốn không lãi suất từ dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” tại địa phương. Nhận thấy đây là một cơ hội tốt để có thể cải thiện kinh tế gia đình, chị bàn bạc với chồng và quyết định vay 10 triệu đồng thể mở rộng chăn nuôi.

Tăng cường vị thế và tiếng nói của phụ nữ: Chuyện kể từ những đồng vốn không lãi suất ảnh 1

Cuộc sống của gia đình chị Hầu Thị M. vốn chỉ xoay quanh mấy sào ngô

Xã Thải Giàng Phố là xã khó khăn với 356 hộ nghèo chiếm hơn 50% tổng số hộ trên toàn xã. Hoàn cảnh của gia đình chị D. không phải là duy nhất trên địa bàn xã. Chị Hầu Thị M., một phụ nữ khác tại thôn Sân Bay, xã Thải Giàng Phố, cũng chung một ước mơ cải thiện cuộc sống. Cả hai vợ chồng chị quanh năm chỉ biết tới mấy sào ngô trên nương, vụ mùa năm nào cũng khốn khó. Biết tới chương trình vay vốn, cũng như chị D., chị M. đã không ngần ngại đăng ký vay để mua con giống và xây mới chuồng trại.

Gặt hái quả ngọt

Với nguồn vốn 10 triệu, chị Hầu Thị M. đã mua 3 con lợn và xây mới 1 chuồng 2 ngăn kiến cố, sạch sẽ. Sau một năm, đàn lợn của chị đã được xuất chuồng với trọng lượng tốt, chị không những thu lại được số vốn vay, dư tiền lo sinh hoạt cho gia đình mà còn tiếp tục mua thêm được 2 con lợn giống.

Gia đình chị Giàng Thị D. cũng đã gặt được những trái ngọt sau một năm đăng ký vay. Căn nhà nhỏ ven con đường dẫn vào Ủy ban Nhân dân xã Thải Giàng Phố của chị giờ lúc nào cũng tất bật, mỗi người mỗi chân mỗi tay để chăm lo cho đàn vật nuôi trong gia đình. Chị thì cho ngan, cho gà ăn, còn chồng chị thì rửa chuồng, múc cám cho lợn.

Sau khi nhận được vốn, gia đình chị Giàng Thị D. cũng đã mua 3 con lợn, đồng thời sửa sang chuồng trại. Được chăm sóc bài bản, khoa học với sự hỗ trợ từ dự án, chẳng mấy mà đàn lợn nhà chị đủ trọng lượng để xuất chuồng.

“Dịp Tết vừa qua, gia đình bán được 2 con, thu về số tiền 12 triệu đồng. Sau khi trả phần vốn gốc, gia đình dùng số tiền lãi 2 triệu đồng mua đàn ngan để nuôi. Dự kiến sau khi xuất chuồng sẽ mang đến thu nhập gần 10 triệu đồng,” chị D. chia sẻ.

“Nhờ nguồn vốn vay không lãi suất tôi mới mua được đàn ngan này,” chị nói thêm.

Tăng cường vị thế và tiếng nói của phụ nữ: Chuyện kể từ những đồng vốn không lãi suất ảnh 2

Nguồn vốn vay không lãi suất đã giúp chị D. và các chị em khác có một cuộc sống thoải mái hơn

Đến thời điểm hiện tại, sau 1 năm được hỗ trợ vốn vay, trong số 15 chị em được hỗ trợ vốn vay của dự án, 12 người đã thu từ 12 đến 16 triệu đồng từ tiền bán một phần đàn vật nuôi, đủ để hoàn trả tiền gốc và sinh lãi từ 2-6 triệu đồng, 3 người tiếp tục giữ vốn vay để phát triển kinh tế. Vốn đã được hoàn trả sẽ tiếp tục được xoay vòng cho các hội viên phụ nữ khác, góp phần giúp cải thiện sinh kế cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn của xã Thải Giàng Phố.

Hành trình tự tin với những kiến thức mới

Để giấc mơ không chỉ dừng lại ở việc chăn nuôi ngắn hạn với vốn vay một lần, dự án đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt. Tại đây, cũng giống như chị M., chị D., chị Lồ Thị M. đã được các chuyên gia hướng dẫn trực tiếp cách chăn nuôi. Những kiến thức bài bản giúp đàn vật nuôi của của họ tăng trưởng nhanh hơn, ổn định hơn so với trước đây khi các chị em chỉ chăn đàn bằng kinh nghiệm tự có.

Tăng cường vị thế và tiếng nói của phụ nữ: Chuyện kể từ những đồng vốn không lãi suất ảnh 3

Các chị em được các chuyên gia hướng dẫn trực tiếp, bài bản về cách chăm sóc đàn vật nuôi

Chị Lồ Thị M. cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt tới từ những lớp tập huấn. Chị vẫn nhớ rõ hình ảnh của buổi tập huấn đầu tiên, khi các chị em trong xã háo hức tham gia, lắng nghe từng lời hướng dẫn từ cách chọn giống, vệ sinh chuồng trại tới cách phòng bệnh cho vật nuôi, sao cho đàn xuất chuồng đạt hiệu quả cao nhất.

“Trước đây tôi chưa biết cách chăn nuôi bài bản, khoa học, khi lợn ốm cũng không biết sử dụng thuốc nào, ra sao. Nhờ có các lớp tập huấn của dự án, tôi giờ đã biết tìm mua thuốc đúng loại khi vật nuôi bị bệnh. Nhờ đó mà hiệu quả chăn nuôi cũng cao hơn, bán được giá cao hơn,” chị M. phấn khởi chia sẻ.

Sự thay đổi trong gia đình: Khi vai trò được chia sẻ

Tuy nhiên, những thay đổi dự án mang lại không chỉ xoay quanh việc chăn nuôi thành công, cải thiện kinh tế. Bên cạnh việc hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, dự án còn chú trọng đến việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Các lớp tập huấn về bình đẳng giới và quyền trẻ em trong mối liên hệ với phát triển kinh tế gia đình đã giúp các chị em hiểu được rằng trong gia đình không có sự phân chia việc lớn việc nhỏ, việc của chồng, việc của vợ, mà cả vợ và chồng phải cùng nhau san sẻ các công việc trong gia đình, không chỉ giúp phụ nữ nâng cao kỹ năng mà còn thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của mình trong gia đình.

Tham gia dự án, chị Giàng Thị D. và nhiều chị em khác đã học được rằng, bình đẳng không chỉ là một khái niệm xa vời mà là điều cần thiết trong mọi hoạt động gia đình. Các quyết định trong gia đình cũng cần phải có sự bàn bạc và tham gia của cả hai. Có như vậy mới “thuận vợ thuận chồng”, làm việc gì cũng thành công.

Tăng cường vị thế và tiếng nói của phụ nữ: Chuyện kể từ những đồng vốn không lãi suất ảnh 4

Cảnh vợ chồng cùng nhau san sẻ việc nhà, việc đồng áng đã không còn là một cảnh tượng hiếm gặp trong gia đình chị D.

Chị D. cũng đã chia sẻ những kiến thức này với chồng mình. Trước đây, công việc trong gia đình được phân chia rõ ràng, chị làm việc nhà, còn chồng lo việc nương rẫy, việc nặng. Tuy nhiên, sau khi tham gia các lớp tập huấn, chị D. đã thuyết phục chồng để cùng nhau phân chia công việc trong nhà.

“Bây giờ, vợ chồng tôi cùng nhau phân chia công việc trong nhà. Lúc tôi đi làm nương rẫy thì bà ở nhà nấu cơm, lo việc nhà. Tôi ở nhà có thời gian rỗi thì cũng nấu cơm, giặt quần áo. Mỗi người mỗi chân mỗi tay, ai cũng đỡ mệt hơn”, anh Hoàng Đình L., chồng chị D., chia sẻ.

Anh cũng nhận thấy sự thay đổi tích cực trong cách làm việc và cảm xúc của gia đình. “Nhờ có sự thay đổi này, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi không phải gánh vác toàn bộ trách nhiệm “trụ cột” trong nhà. Hai vợ chồng cũng hòa thuận với nhau hơn,” ông L. chia sẻ.

Hành trình tiếp nối của những giấc mơ

Câu chuyện của chị Giàng Thị D., chị Hầu Thị M. và chị Lồ Thị M. là một phần trong bức tranh lớn về sự thay đổi, nơi mà mỗi phụ nữ ở Thải Giàng Phố đều là những hạt giống đầy tiềm năng, chỉ chờ được vun trồng và chăm sóc để tỏa sáng.

Phụ nữ đã và đang có những đóng góp rất lớn trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp và tạo ra các giá trị kinh tế. Tuy nhiên, phụ nữ cũng là những người gặp phải nhiều rào cản khi tham gia vào các hoạt động kinh tế, trong đó phải kể đến gánh nặng các công việc nội trợ, chăm sóc trong gia đình và hạn chế tham gia vào các quyết định trong kinh tế hộ gia đình cũng như của cộng đồng.

Với mong muốn thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của chị em phụ nữ vào các hoạt động kinh tế, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Tập đoàn TH phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và chính quyền địa phương triển khai quỹ hỗ trợ vốn vay không lãi suất với tổng giá trị là 150 triệu đồng cho phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại xã Thải Giàng Phố. Quỹ hỗ trợ vốn vay xuất phát từ chiến dịch “Tô cam cùng TH - Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2022.

Tăng cường vị thế và tiếng nói của phụ nữ: Chuyện kể từ những đồng vốn không lãi suất ảnh 5

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt triển khai các chương trình vì hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em.

Sự thành công của dự án tại xã Thải Giàng Phố cũng là tiền đề vững chắc mở ra những cơ hội mới cho phụ nữ ở các vùng khác. Trong năm 2023, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Tập đoàn TH tiếp tục triển khai chiến dịch “Tô Cam” với số tiền gây quỹ lên đến hơn 600 triệu đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị bạo lực và có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh Điện Biên và Sơn La.

Bà Trần Hồng Điệp, Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, khẳng định: “Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cam kết tiếp tục đẩy mạnh các chương trình trọng điểm như Sức khỏe Học đường, Ươm mầm Tài năng, Bảo vệ Trẻ em và Phát triển Phụ nữ. Mục tiêu của các chương trình này là tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững về nhận thức và thực hành ở cả bốn cấp độ: cá nhân, gia đình, cộng đồng, và chính sách/pháp luật, nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em nói riêng, cũng như của toàn xã hội. Chúng tôi tin rằng với sự chung tay và hỗ trợ từ tất cả các nguồn lực trong cộng đồng, những mục tiêu này sẽ sớm trở thành hiện thực.”

Giấc mơ đổi thay của chị Giàng Thị D., chị Hầu Thị M., và nhiều phụ nữ khác tại xã Thải Giàng Phố không chỉ là câu chuyện cá nhân mà còn là biểu tượng của sự thay đổi lớn lao. Những đồng vốn nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa đã mang lại sức mạnh và hy vọng, tiếp sức giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, nơi mà mỗi người phụ nữ đều có thể tự tin và mạnh mẽ khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.